Nhiều người thường nghĩ rằng họ là người lạc quan khi luôn duy trì những năng lượng tích cực, vui vẻ. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là họ không phàn nàn. Sự phàn nàn thậm chí giống như một "nét văn hóa" của nhiều người. Họ luôn muốn "trút bầu tâm sự" với những người bạn bè, đồng nghiệp như một thói quen. Họ phàn nàn về những vấn đề đơn giản hàng ngày như thời tiết, những lời nhận xét vô tình của cấp trên hay thậm chí về một dự án nào đó mãi chưa kết thúc...
Các chuyên gia đặt ra câu hỏi: Đâu là ranh giới giữa việc phàn nàn lành mạnh và tiêu cực? Liệu việc càu nhàu có lợi ích gì không? Nếu không, tại sao chúng ta lại thích làm điều đó đến vậy?

Bạn có đang trở thành một người liên tục phàn nàn không?
Mặc dù việc phàn nàn có thể mang lại cảm giác tốt trong thời gian ngắn, các chuyên gia sức khỏe tâm thần cảnh báo, hàn nàn dai dẳng có thể khiến mọi người nhìn nhận thế giới theo hướng tiêu cực. Điều này có thể làm tổn hại đến các mối quan hệ xung quanh.
Tiến sĩ, nhà tâm lý học Karen Pooh cho biết, bà đã thấy những khách hàng mất bạn bè hoặc bị mọi người tránh xa vì "quá tiêu cực". Một số khách hàng thậm chí còn không muốn than thở vì sợ trở thành gánh nặng cho những người xung quanh.
Điều đó không có nghĩa là chúng ta nên kìm nén cảm xúc, mà là việc giải tỏa cảm xúc phải có giới hạn trước khi chúng ta rơi vào vòng luẩn quẩn của sự tiêu cực.
Tiến sĩ Pooh cho biết: "Việc phàn nàn liên tục có thể làm trầm trọng thêm sự thất vọng, khiến các vấn đề có vẻ lớn hơn thực tế. Chúng ta càng tập trung vào sự tiêu cực, não của chúng ta càng thích nghi để mong đợi và suy nghĩ về nó".
Tại sao phàn nàn có thể tốt cho con người?

Các chuyên gia sức khỏe tâm thần nói rằng, phàn nàn mang lại cảm giác tốt vì nó có một số lợi ích. Đó là việc cảm xúc của chúng ta được bộ lộ, kết nối nhiều hơn với mọi người xung quanh.
Ông James Chong, giám đốc trung tâm tư vấn và trị liệu tâm lý The Lion Mind cho biết, phàn nàn có thể là một "hình thức giao tiếp tích cực" vì nó cho phép mọi người tìm kiếm sự hỗ trợ từ các mối quan hệ xung quanh. “Nó mang lại sự giải tỏa về mặt cảm xúc, cảm giác được lắng nghe và thấu hiểu”, ông Chong nói.
Ông Chong cũng cho biết thêm, việc bộc lộ sự thất vọng có thể giúp thúc đẩy mối quan hệ giữa những người có cùng vấn đề.
Đồng tình với quan điểm này, nhà tâm lý học Haikal Jamil cho biết, xu hướng phàn nàn có liên quan đến "nhu cầu cảm xúc cốt lõi" của chúng ta. Con người luôn muốn cảm xúc của mình được thấu hiểu để rồi thấy họ không đơn độc trong những "cuộc chiến" mà họ đang phải trải qua.
Ông Haikal giải thích, trút giận có thể là một cơ chế đối phó lành mạnh vì nó cho phép chúng ta giải phóng những cảm xúc tiêu cực, cảm thấy bình tĩnh hơn và được hỗ trợ thay vì tiếp tục buồn bã.
Tuy nhiên các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, việc phàn nàn thường xuyên có thể khiến người khác tránh xa bạn. Đặc biệt ở nơi làm việc, phàn nàn quá nhiều có thể ảnh hưởng đến tinh thần làm việc nhóm. Thậm chí việc này có thể hình thành nên “các nhóm xã hội tiêu cực” trong đó các thành viên luôn thấy bất mãn với nhau, tạo ra bầu không khí thù địch và chán nản.
Vậy làm sao chúng ta có thể biết khi nào việc phàn nàn bắt đầu trở thành một cơ chế đối phó kém lành mạnh? Ông Haikal cho biết, một dấu hiệu cảnh báo cần chú ý là khi bạn chỉ trút giận để tìm kiếm sự đồng cảm mà không muốn lắng nghe quan điểm của người khác.
“Việc phàn nàn thường xuyên mà không hành động có thể dẫn đến cảm giác tuyệt vọng và thất vọng kéo dài. Nếu bạn cứ mãi coi mình là nạn nhân trong một tình huống nào đó, điều này có thể cản trở khả năng phục hồi cảm xúc của bạn về lâu dài và làm giảm khả năng giải quyết vấn đề”, ông Haikal bày tỏ.
Cách biến phàn nàn thành sự tích cực

Việc phàn nàn không giúp bạn giải tỏa căng thẳng là dấu hiệu cho thấy đã đến lúc bạn cần nhìn lại và tìm những cách tích cực hơn để giải quyết vấn đề.
Để phàn nàn không biến thành thói quen tiêu cực, các chuyên gia khuyên chúng ta nên diễn đạt lại những lời phàn nàn thành những phát biểu mang tính xây dựng, giải quyết vấn đề.
Ví dụ, trong trường hợp bị coi thường ở nơi làm việc, bạn có thể tìm cách bày tỏ nhu cầu của mình một cách rõ ràng và tìm kiếm phản hồi từ đồng nghiệp.
"Thay vì nói 'đồng nghiệp của tôi lúc nào cũng thô lỗ', hãy diễn đạt lại thành 'tôi cảm thấy không vui khi đồng nghiệp ngắt lời tôi trong các cuộc họp. Tôi rất mong có cơ hội thảo luận về cách chúng ta có thể cải thiện giao tiếp'", ông Chong cho biết.
Đồng tình với ý kiến trên, Tiến sĩ Pooh nhấn mạnh: "Hãy tự hỏi bản thân xem bạn cảm thấy tốt hơn hay tệ hơn sau khi phàn nàn. Nếu việc trút giận khiến bạn cảm thấy thất vọng, bế tắc hoặc kiệt quệ về mặt cảm xúc hơn thì nó sẽ không có ích gì cho bạn".
Các chuyên gia cũng chỉ ra rằng, mỗi người cần đặt ra ranh giới về việc phàn nàn bằng cách hạn chế tần suất và thời gian than phiền với những người xung quanh. Chúng ta cũng nên đảm bảo việc chỉ nên phàn nàn với những người khuyến khích, động viên mình thay vì đổ “thêm dầu vào lửa”.
Băng Tâm
-
Người bác sĩ mang phép màu giúp cặp vợ chồng 7 năm “tìm con” có hạnh phúc viên mãn
23-02-2025 12:44 34 -
Việt Nam sắp có vaccine phòng bệnh tay chân miệng
23-02-2025 11:54 29 -
Món bún cá nước dùng đục như sữa, hương vị 'độc lạ'
23-02-2025 11:21 09
-
Học viện cảnh sát Nhật dạy kỹ năng trang điểm cho cảnh sát nam
21-02-2025 14:12 55 -
Bệnh nhân ép y tá quỳ gối xin lỗi vì chảy máu khi rút kim
21-02-2025 07:39 47 -
Tại sao xã hội Hàn Quốc lại quá khắc nghiệt với người nổi tiếng?
21-02-2025 07:39 24