Thời sự
Để phát triển bền vững sản phẩm cây ăn quả các tỉnh phía Bắc
10:05 PM 08/12/2024
(LĐXH)- Để phát triển bền vững cây ăn quả các tỉnh phía Bắc, cần sự hợp tác mạnh mẽ từ cả các cơ quan chức năng, doanh nghiệp và người nông dân.
Chiều 6/12/2024, Cục Trồng trọt, Hội Làm vườn Việt Nam, Sở NN-PTNT tỉnh Hòa Bình và các đơn vị liên quan phối hợp với Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Diễn đàn “Nâng cao chất lượng, chuỗi giá trị và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả các tỉnh phía Bắc”.
Diễn đàn được tổ chức nhằm đưa ra hiện trạng và đề xuất giải pháp phát triển bền vững cây ăn quả các tỉnh phía Bắc, cập nhật tiến độ mở cửa thị trường và yêu cầu kỹ thuật của một số thị trường đối với sản phẩm cây ăn quả. Đồng thời, giới thiệu, phổ biến các quy trình, tiến bộ kỹ thuật trong quản lý tổng hợp sinh vật gây hại trên một số loại cây ăn quả chủ lực và các giải pháp sơ chế, chế biến, bảo quản sau thu hoạch các sản phẩm rau quả.

PGS.TS Lê Quốc Doanh, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Chủ tịch Hội làm vườn Việt Nam

Tham dự diễn đàn có ông Lê Quốc Doanh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn (NN-PTNT), Chủ tịch Hội làm vườn Việt Nam; ông Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình; ông Nguyễn Quốc Mạnh, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt; ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường; ông Vương Đắc Hùng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hòa Bình…
Theo báo cáo của Bộ NN-PTNN, ngành rau quả của Việt Nam đang khẳng định vị thế trên thương trường quốc tế. Kim ngạch xuất khẩu rau quả của nước ta 11 tháng năm 2024 đạt 6,66 tỷ USD, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm 2023… Đây là mức cao nhất từ trước đến nay, với các sản phẩm chủ lực như sầu riêng, thanh long, chuối, mít, xoài.
Dự kiến, xuất khẩu rau quả của Việt Nam năm 2024 có thể đạt tới 7,2 tỷ USD; trong đó riêng xuất khẩu sản phẩm các loại quả có thể đạt tới trên 6,5 USD. Các tỉnh phía Bắc, với điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu thuận lợi, có tiềm năng lớn để phát triển nhiều loại cây ăn quả như vải, nhãn, cam, bưởi, mận và đào…
Hiện Việt Nam đã mở cửa thị trường cho 19 loại nông sản có nguồn gốc thực vật và quả tươi xuất khẩu chính ngạch sang một số thị trường chính như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU và Australia.

Ông Đinh Công Sứ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình, cho biết với điều kiện khí hậu, đất đai và thổ nhưỡng đa dạng, Hòa Bình có tiềm năng phát triển nhiều loại cây trồng, đặc biệt là cây ăn quả. Hiện nay, tỉnh đã có 16.000ha cây ăn quả, chủ yếu gồm cam, bưởi, chanh, nhãn, chuối...
Xác định cây ăn quả là ngành chủ lực trong phát triển kinh tế, Hòa Bình đã triển khai nhiều chính sách và chủ trương như cải tạo vườn tạp, thu hút đầu tư vào nông nghiệp, thực hiện đề án tái canh cây ăn quả có múi, và đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại. Tất cả những nỗ lực này đều tập trung vào mục tiêu nâng cao chất lượng chuỗi giá trị nông sản, tránh phát triển nóng.
Theo thống kê, toàn tỉnh đã có 88 mã số vùng trồng, trong đó 53 mã số phục vụ xuất khẩu. Hơn 2.400ha cây ăn quả đã được cấp chứng nhận an toàn như GlobalGAP, VietGAP và hữu cơ. Các sản phẩm chủ lực của tỉnh, như chuối, cam, bưởi, hiện đang tiêu thụ ổn định tại các siêu thị và thành phố lớn, đồng thời xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường như Hoa Kỳ, Canada và EU.

Ông Nguyễn Hồng Yến, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hòa Bình

Tuy nhiên, theo ông Sứ, phát triển cây ăn quả của tỉnh vẫn còn một số hạn chế, đặc biệt là mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng chưa được rõ nét. Hầu hết sản phẩm chủ yếu được tiêu thụ tươi do công tác bảo quản và chế biến còn nhiều khó khăn, dẫn đến giá trị sản xuất chưa đạt như kỳ vọng.
PGS.TS Lê Quốc Doanh, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Chủ tịch Hội làm vườn Việt Nam, nhận xét, cây ăn quả tại các tỉnh phía Bắc đã trải qua quá trình phát triển dài. Đến nay, đã thu được nhiều kết quả, từ hình thành các vùng nguyên liệu tập trung, đến nghiên cứu ra các giống năng suất cao, phù hợp với thổ nhưỡng, có tính chống chịu. Hiện các đơn vị sản xuất còn đẩy mạnh nghiên cứu chế biến, nhằm đa dạng hóa kênh tiêu thụ cho sản phẩm cây ăn quả.
"Từ năm 2013, cây ăn quả xuất khẩu được 1 tỷ USD, đến nay đã gấp 7 lần. Đó là thành quả rất đáng ghi nhận", ông Doanh chia sẻ. Bên cạnh những thành tựu, nguyên Thứ trưởng cũng thừa nhận, các địa phương cũng đã những "cái giá" nhất định cho sự phát triển vừa qua, trong đó có việc suy thoái vùng cam Cao Phong.
Ngoài vấn đề quy hoạch, Chủ tịch Hội làm vườn Việt Nam khuyến nghị về lựa chọn giống cây ăn quả. "Trồng sai giống lúa, chúng ta chỉ nợ nông dân 3 tháng. Nhưng trồng sai giống cây ăn quả, có thể phải trả giá hàng chục năm", ông Doanh nhấn mạnh.
Với riêng tỉnh Hòa Bình, ông Lê Quốc Doanh đề nghị Cục Trồng trọt sớm có hướng dẫn, có thể tạm thời để địa phương sớm tái canh cây có múi. Dựa trên kinh nghiệm đã có của Hòa Bình, cộng thêm các đề tài của khối viện nghiên cứu, các đơn vị của Bộ NN&PTNT sớm ban hành gói kỹ thuật cho từng đối tượng cây ăn quả trên từng vùng.
Song song với đó, công tác phục hồi với những vườn chưa đến mức tái canh, cũng cần được quan tâm. Ông Lê Quốc Doanh cho rằng, có thể gắn vấn đề này với các đề án vừa ban hành của Bộ NN&PTNT, như nâng cao sức khỏe đất.
"Phát triển cây ăn quả trong thời kỳ mới cần theo chuỗi, nhất là khâu chế biến, chế biến sâu", ông nhấn mạnh, đồng thời lưu ý thêm về bao bì, nhãn mác cho sản phẩm sao cho bắt mắt, phù hợp với thị hiếu tiêu dùng.
PGS.TS Lê Quốc Doanh kêu gọi sự tích cực vào cuộc của địa phương, nhất là các vùng trọng điểm cây ăn quả. Hiện ở phía Bắc, ông đánh giá có Sơn La (100.000ha), Hòa Bình (thủ phủ cây có múi, với hơn 10.000ha) có thể trở thành những đầu tàu cho toàn vùng phát triển bền vững.
Tại Diễn đàn, đại diện một số doanh nghiệp trong lĩnh vực nông sản đã chỉ ra rằng mặc dù tiềm năng rất lớn, nhưng các vấn đề về bảo quản, chế biến sau thu hoạch và đặc biệt là sự liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ vẫn là những thách thức lớn đối với sự phát triển bền vững của ngành.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Doveco, đại diện Hiệp hội rau quả Việt Nam chia sẻ thông tin tại Diễn đàn

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Doveco) chia sẻ, mặc dù nhu cầu xuất khẩu rau quả rất lớn, nhưng quy mô sản xuất nhỏ lẻ, thiếu sự liên kết chuỗi giá trị và khó khăn trong việc áp dụng công nghệ tiên tiến đang tạo ra nhiều rào cản lớn. Các doanh nghiệp như Doveco đã và đang hợp tác phát triển chuỗi sản xuất, xuất khẩu với các tỉnh miền Bắc, nhưng vẫn đối mặt với những khó khăn về cơ sở hạ tầng và thiếu vốn.
Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc Siêu thị Co.opmart khu vực Hà Nội, cho biết hệ thống siêu thị rất chú trọng tới vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, vì vậy luôn sẵn sàng hợp tác với các HTX và hộ sản xuất để tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, các chủ thể cần chuẩn bị đầy đủ thủ tục, hồ sơ pháp lý theo quy định của cơ quan chức năng, nhằm tránh phải qua các đơn vị trung gian. Siêu thị Co.opmart sẵn sàng đồng hành cùng các chủ thể để tháo gỡ những khó khăn gặp phải. 
Quang cảnh Diễn đàn “Nâng cao chất lượng, chuỗi giá trị và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả các tỉnh phía Bắc”.
Cũng tại Diễn đàn, bà Vũ Thị Lệ Thủy, Giám đốc Hợp tác xã 3T Farm (Cao Phong, Hòa Bình), cho biết việc đưa sản phẩm cam Cao Phong vào các hệ thống siêu thị lớn gặp rất nhiều khó khăn do yêu cầu khắt khe từ các đơn vị phân phối và các quy định chưa phù hợp. Bà cũng chia sẻ về tình trạng giả mạo sản phẩm và trà trộn hàng hóa không phải của HTX trên thị trường, gây ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín và thương hiệu cam Cao Phong.
Ông Trần Văn Chiến, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu I (Cục BVTV) cho biết: Việt Nam đã mở cửa được nhiều thị trường xuất khẩu trái cây, trong đó Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, New Zealand, và Hàn Quốc là những thị trường quan trọng. Tuy nhiên, các thị trường này đều có yêu cầu nghiêm ngặt về kỹ thuật và kiểm dịch, như mã số vùng trồng, quy trình kiểm dịch thực vật, đóng gói, truy xuất nguồn gốc và các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế như GlobalGAP, SGS, HACCP. Đây là những yếu tố tiên quyết để doanh nghiệp có thể xuất khẩu thành công. 
Các doanh nghiệp mong muốn nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ các cơ quan chức năng trong việc nâng cao chất lượng chuỗi giá trị, từ khâu sản xuất đến tiêu thụ. Việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng, bao gồm kho lạnh, hệ thống bảo quản và cơ sở xử lý trước khi xuất khẩu, là yếu tố quan trọng để đảm bảo sự phát triển bền vững cho ngành cây ăn quả. 
Bên cạnh đó, đại diện các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông sản cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải hình thành các mô hình hợp tác bền vững giữa nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp. Việc xây dựng chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ cần phải được thực hiện một cách chặt chẽ và đảm bảo quyền lợi cho tất cả các bên tham gia. 
Ông Trần Anh Hùng, Giám đốc Trung tâm Quy hoạch 2, Viện Quy hoạch và Thiết kế nông nghiệp, đã đề xuất tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại trong nước, đặc biệt là xây dựng các sàn giao dịch sản phẩm cây ăn quả để tạo thuận lợi cho người tiêu dùng và doanh nghiệp trong việc tiêu thụ sản phẩm nông sản. 
Ông Hoàng Văn Dự, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại nông nghiệp nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển thương mại điện tử và ứng dụng công nghệ trong marketing sản phẩm. Việc tận dụng các nền tảng mạng xã hội để quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm nông sản không chỉ giúp nâng cao giá trị cho sản phẩm mà còn mở ra cơ hội mới cho các doanh nghiệp nông sản Việt Nam vươn ra thế giới. 
Thảo Lan