Giải đáp về chế độ đối với người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học
Hỏi: Con tôi năm nay 19 tuổi bị tàn tật nặng từ nhỏ đang hưởng trợ cấp hàng tháng đối với con của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học, nay có bố là thương binh hạng 2/4 từ trần. Vậy cháu có được hưởng thêm trợ cấp tiền tuất hàng tháng đối với con thương binh hạng 2/4 từ trần hay không?
Nguyễn Thị Xuyến
Kỳ Sơn, Kỳ Anh, Hà Tĩnh
Trả lời:
Tại Khoản 5 Điều 42 Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 9 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ qui định: “Trường hợp con đẻ từ đủ 18 tuổi trở lên nếu đang hưởng trợ cấp hàng tháng đối với con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học thì không hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng đối với thân nhân người có công từ trần”.
Căn cứ qui định trên, trường hợp con của bà đang hưởng trợ cấp hàng tháng đối với con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học nên không thuộc diện hưởng trợ câp tiền tuất hàng tháng đối với thân nhân người có công từ trần.
Hỏi: Trường hợp con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị phơi nhiễm chất độc hóa học bị dị dạng, dị tật (lùn, sứt môi,...) từ nhỏ đến nay chưa nằm viện nên không có tóm tắt bệnh án điều trị. Vậy, có được xem xét lập hồ sơ giải quyết chế độ đối với con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học?
Đỗ Thế Quang
Xã Cổ Đạm, Nghi Xuân, Hà Tĩnh
Trả lời:
Theo quy định tại Khoản 3 Thông tư liên tịch số 41/2013/TTLT-BYT-BLĐTBXH ngày 18/11/2013 thì hồ sơ khám, giám định y khoa đối với con đẻ bị dị dạng, dị tật của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học phải có bản tóm tắt bệnh án điều trị bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học tại bệnh viện của nhà nước từ tuyến huyện trở lên hoặc giấy ra viện của các bệnh viện tuyến Trung ương theo phân tuyến kỹ thuật của Bộ Y tế. Bản tóm tắt bệnh án và giấy ra viện phải được Giám đốc hoặc Phó Giám đốc bệnh viện ký tên và đóng dấu.
Theo đó, trường hợp không có bản tóm tắt bệnh án điều trị bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học thì hồ sơ không đủ điều kiện giới thiệu đến Hội đồng giám định y khoa, do vậy không có cơ sở giải quyết chế độ đối với con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học.
Hỏi: Tôi có thời gian hoạt động kháng chiến ở chiến trường miền Nam vùng quân đội Mỹ sử dụng chất độc hoá học, nay bị mắc bệnh ung thư trực tràng có thuộc một trong những bệnh làm căn cứ lập hồ sơ giải quyết chế độ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học hay không?
Lê Quang Đại
TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương
Trả lời:
Tại Điều 2 Thông tư liên tịch số 41/2013/TTLT-BYT-BLĐTBXH ngày 18/11/2013 của Liên Bộ Y tế, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định danh mục bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hoá học, gồm các bệnh như sau:
1. Ung thư phần mềm (Soft tissue sarcoma).
2. U lympho không Hodgkin (Non - Hodgkin's lymphoma).
3. U lympho Hodgkin (Hodgkin's disease).
4. Ung thư phế quản - phổi (Lung and Bronchus cancer).
5. Ung thư khí quản (Trachea cancer).
6. Ung thư thanh quản (Larynx cancer).
7. Ung thư tiền liệt tuyến (Prostate cancer).
8. Ung thư gan nguyên phát (Primary liver cancers).
9. Bệnh đa u tủy xương ác tính (Kahler's disease).
10. Bệnh thần kinh ngoại biên cấp tính hoặc bán cấp tính (Acute and subacute peripheral neuropathy).
11. Bệnh trứng cá do clo (Chloracne).
12. Bệnh đái tháo đường type 2 (Type 2 Diabetes).
13. Bệnh Porphyrin xuất hiện chậm (Porphyria cutanea tarda).
14. Các bất thường sinh sản (Unusual births).
15. Rối loạn tâm thần (Mental disorders).
16. Các dị dạng, dị tật bẩm sinh.
17. Tật gai sống chẻ đôi (Spina Bifida).
Căn cứ quy định trên, trường hợp của ông mắc bệnh ung thư trực tràng không thuộc một trong những bệnh nằm trong danh mục bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hoá học, nên không đủ điều kiện xác nhận người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học.
Hỏi: Bố tôi bị nhiễm chất độc da cam khi đi bộ đội, đang được hưởng trợ cấp theo quy định 1.800.000 đồng/tháng. Hiện nay, bố tôi mắc thêm bệnh ung thư phổi, đang điều trị bằng hoá chất tại Bệnh viện Ung bướu. Vậy, trường hợp của bố tôi có được hưởng thêm trợ cấp nếu có bệnh án của cơ quan y tế có thẩm quyền không? nếu có thì gia đình tôi làm thủ tục như thế nào?
Nguyễn Thị Hà
Sinh viên Trường Đại học Quốc Gia Hà Nội
Trả lời:
Theo quy định hiện hành, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học được công nhận và đang hưởng chế độ trước ngày 01/9/2012 thì không xem xét bổ sung bệnh, tật và giám định lại tỷ lệ suy giảm khả năng lao động.
Căn cứ quy định trên, trường hợp bố của bạn nếu đã được công nhận giải quyết chế độ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học trước ngày 01/9/2012, nay mắc thêm bệnh ung thư thì chưa có quy định bổ sung bệnh, tật và giám định lại tỷ lệ suy giảm khả năng lao động để hưởng chế độ.
Hỏi: Trường hợp người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học đã lập hồ sơ và được Hội đồng giám định y khoa kết luận có mắc bệnh thuộc danh mục bệnh, tật liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hoá học tỷ lệ từ 21% trở lên và có đủ giấy tờ chứng minh thời gian và địa bàn ở vùng Mỹ sử dụng chất độc hoá học, từ trần trước ngày Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội ra quyết định hưởng chế độ ưu đãi thì chế độ được giải quyết như thế nào?
Nguyễn Lan Phương
Phường 4, Quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh
Trả lời:
Đối với người hoạt động kháng chiến có hồ sơ xác lập từ ngày 01/6/2013 trở về sau (Nghị định số 31/2013/NĐ-CP có hiệu lực) có giấy tờ chứng minh thời gian và địa bàn hoạt động ở vùng Mỹ sử dụng chất độc hóa học theo quy định tại Khoản 2 Điều 27 Thông tư số 05/2013/TT-BLĐTBXH ngày 15/5/2013, đã được Hội đồng giám định y khoa kết luận có mắc bệnh, tật theo quy định về danh mục bệnh, tật của Bộ Y tế, mà từ trần trước ngày Sở Lao động – Thương binh và Xã hội ra quyết định hưởng chế độ ưu đãi thì được giải quyết trợ cấp hàng tháng từ ngày có kết luận của Hội đồng giám định y khoa đến khi từ trần; người tổ chức mai táng được nhận mai táng phí; đại diện thân nhân được nhận trợ cấp một lần bằng 3 tháng trợ cấp, phụ cấp ưu đãi; thân nhân của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên, có đủ điều kiện theo quy định thì được trợ cấp tiền tuất hàng tháng.
Hỏi: Tôi đang hưởng chế độ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học từ năm 2010, bị mắc bệnh tiểu đường tuýp 2, tỷ lệ suy giảm khả năng lao động 35%. Hiện nay, do biến chứng của căn bệnh tiểu đường tuýp 2, tôi bị mờ hai mắt, áp huyết cao. Vậy, tôi có được đi giám định lại khả năng lao động để nâng tỷ lệ suy giảm khả năng lao động hay không?
Phạm Văn Hồng
Xã Phú Nhuận, Như Xuân, Thanh Hóa
Trả lời:
Theo quy định hiện hành, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học được công nhận và đang hưởng chế độ trước ngày 01/9/2012 thì không xem xét bổ sung bệnh, tật và giám định lại tỷ lệ suy giảm khả năng lao động.
Do vậy, trường hợp của ông không được xem xét, bổ sung bệnh, tật để giám định lại khả năng lao động.
Hỏi: Tôi lập hồ sơ và hưởng trợ cấp người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học từ năm 2010, đồng thời là thương binh. Trong hồ sơ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có Biên bản giám định y khoa tỷ lệ 70%. Tuy nhiên, khi điều chỉnh trợ cấp theo quy định tại Nghị định 31/2013/NĐ-CP, Sở Lao động – Thương binh và xã hội điều chỉnh trợ cấp cho tôi xuống mức tỷ lệ suy giảm khả năng lao động từ 41% - 60% mà không căn cứ vào Biên bản giám định y khoa có tỷ lệ 70%, như vậy có đúng không?
Phạm Cao Đài
Thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình
Trả lời:
Theo quy định tại Thông tư số 08/2009/TT-BLĐTBXH ngày 7/4/2009, khi xác lập hồ sơ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học thì thương binh, bệnh binh, người hưởng chế độ mất sức lao động được miễn giám định mức độ suy giảm khả năng lao động mà hưởng trợ cấp ở mức quy định là 1.277.000 đồng (mức 2 tỷ lệ suy giảm khả năng lao động dưới 81%). Trường hợp khi xác lập hồ sơ mà Hội đồng giám định giám định y khoa vẫn kết luận tỷ lệ suy giảm khả năng lao động là không đúng quy định – Biên bản giám định bệnh, tật không có giá trị pháp lý nên không sử dụng làm căn cứ giải quyết chế độ.
Như vậy, trường hợp của ông khi điều chỉnh trợ cấp theo Nghị định số 31/2013/NĐ-CP, nếu ông không có nguyện vọng đi khám, giám định tỷ lệ suy giảm khả năng lao động thì chuyển hưởng trợ cấp xuống mức suy giảm khả năng lao động từ 41% - 60%, mà không được căn cứ vào Biên bản giám định y khoa có tỷ lệ 70% là đúng quy định.
Cục Người có công
Từ khóa:
-
Liên thông dữ liệu xe vi phạm giao thông giữa đăng kiểm và CSGT
08-01-2025 10:34 15
-
Cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm: Phạt tiền liệu có đủ răn đe?
04-01-2025 15:34 02
-
Giao thông Hà Nội ngày đầu đi làm năm 2025: Vẫn vượt đèn đỏ
02-01-2025 13:40 52
-
Đánh giá tác động kinh tế của dự thảo Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường
18-10-2024 13:56 57
-
Diễn đàn Kinh doanh và Pháp luật 2024: Chung tay tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp
12-10-2024 21:23 59
-
Bắt giữ, xử lý hơn 12,9 nghìn vụ việc vi phạm pháp luật Hải quan
05-10-2024 15:32 35
- Công an TP. HCM triệt phá thành công đường dây mua bán trẻ sơ sinh quy mô lớn
- Ý kiến đa chiều xung quanh Dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đối với rượu, bia và nước giải khát có đường
- Triển khai Chiến dịch Con Rồng Mê Kông 6 về chống buôn bán bất hợp pháp ma tuý, động vật, thực vật hoang dã
- 5 tháng đầu năm 2024, ngành Hải quan phát hiện, bắt giữ và xử lý 6.256 vụ việc buôn lậu, gian lận thương mại
- Tổng cục Hải quan và Cơ quan Bảo vệ Biên giới Australia hội đàm song phương và ký Kế hoạch hợp tác điều tra
- Cần tiếp tục nghiên cứu đổi mới quy trình xây dựng văn bản qui phạm pháp luật để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn
English Review
Many important results in vocational training in Vietnam
English Review | 07-01-2025 14:13 46