Huyện Thường Tín kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng và đón Huân chương Lao động hạng Nhất
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, ông Nguyễn Xuân Minh, Chủ tịch UBND huyện Thường Tín, ôn lại truyền thống đấu tranh giải phóng quê hương, đất nước của cán bộ, đảng viên và Nhân dân huyện Thường Tín.
Thường Tín - vùng đất lịch sử gắn với Kinh thành Thăng Long đã sinh ra, nuôi dưỡng nhiều danh nhân văn hóa, như: Nguyễn Phi Khanh, Nguyễn Trãi, Lý Tử Tấn; nhiều bậc chí sĩ, như: Lương Văn Can, Lương Ngọc Quyến... và cũng là một trong những "cái nôi" của tinh hoa làng nghề.
Đứng chân nơi cửa ngõ phía Nam của Thăng Long - Hà Nội, Thường Tín là nơi hun đúc, nuôi dưỡng hiền tài với 26 làng có người thi đỗ đại khoa, 68 nhà khoa bảng. Làng Nghiêm Xá (xã Nghiêm Xuyên) được coi là “đất học”, là "làng tiến sĩ". Nhiều dòng họ, đời nối đời đỗ đạt, như họ Từ ở làng Khê Hồi (xã Hà Hồi) được gọi là "họ tiến sĩ". Nhiều gia đình có hai người đỗ đại khoa, như cha con Nguyễn Phi Khanh, Nguyễn Trãi ở làng Nhị Khê; ông cháu Doãn Mậu Khôi, Doãn Ðàm ở làng An Duyên; anh em Ngô Hoan, Ngô Ước ở làng Nghiêm Xá...
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu tại buổi lễ
Đất Thường Tín lưu giữ 385 di tích lịch sử, văn hóa, trong đó có 89 di tích được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia. Những đền Nguyễn Trãi, chùa Ðậu, chùa Mui, bến Chương Dương là dấu ấn đậm nét về một vùng đất “địa linh nhân kiệt”, “hội tụ tinh hoa”... Thường Tín cũng được coi là một trong những "cái nôi” làng nghề với 126 làng nghề thủ công, trong đó có 49 làng được công nhận là làng nghề truyền thống và làng nghề Hà Nội.
Trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, mặc dù gặp nhiều khó khăn do của tình hình phức tạp chung trên thế giới, thiên tai, dịch bệnh, song với sự đoàn kết, thống nhất cao trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, sự điều hành của chính quyền, hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp; sự đồng thuận của Nhân dân, Đảng bộ và chính quyền xác định triển khai 9 chương trình công tác, 5 nhiệm vụ trọng tâm, 3 khâu đột phá và đạt được nhiều kết quả đáng phấn khởi.
Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Nguyễn Xuân Minh trình bày diễn văn tại lễ kỷ niệm ngày giải phóng huyện
Phát huy truyền thống anh hùng, sau gần 40 năm đổi mới, hơn 16 năm thực hiện Nghị quyết 15-NQ/QH của Quốc hội khóa XII về điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội, dưới sự lãnh đạo của Thành ủy, HĐND, UBND TP, Đảng bộ, chính quyền, các lực lượng vũ trang và Nhân dân huyện Thường Tín đã tiếp tục nỗ lực, phấn đấu, vươn lên, đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân.
Cụ thể, tăng trưởng kinh tế hằng năm đạt khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; tổng thu ngân sách trên địa bàn huyện năm sau cao hơn năm trước. Trong giai đoạn từ năm 2019 đến nay, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn huyện đạt khoảng 5.850 tỷ đồng, trong đó 6 tháng đầu năm 2024, thu ngân sách của huyện đạt 896 tỷ đồng (đạt 73% kế hoạch TP giao). Thu nhập bình quân đầu người năm 2019 là 49,5 triệu đồng/người/năm; đến năm 2023 đạt 70,54 triệu đồng/người/năm (tăng 21,04 triệu đồng/người, gấp 1,42 lần so với năm 2019).
Cơ sở hạ tầng kỹ thuật được đầu tư nâng cấp, nhiều tuyến đường, dự án đang được triển khai trên địa bàn huyện. Huyện thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống rõ rệt, đến nay toàn huyện còn 23 hộ nghèo...
Năm 2020, huyện Thường Tín đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới; đến nay toàn huyện có 17/28 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 3 xã nông thôn mới kiểu mẫu; hiện nay huyện đã hoàn thiện hồ sơ để được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn
trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Thường Tín
Với những cống hiến, thành tích quan trọng trong kháng chiến giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, huyện Thường Tín vinh dự được 4 lần đón Bác Hồ về thăm và làm việc.Năm 2002, Huyện được phong tặng danh hiệu "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân"; 2 lần được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất, 1 lần được tặng Huân chương lao động hạng Nhì; 5 lần được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.
Các xã Dũng Tiến và Nghiêm Xuyên được phong tặng danh hiệu cao quý "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân"; đã có nhiều tập thể, cá nhân được trao tặng, phong tặng Huân, Huy chương kháng chiến và nhiều danh hiệu cao quý.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, thay mặt lãnh đạo TP Hà Nội, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn biểu dương, chúc mừng những đóng góp to lớn và những thành tựu quan trọng mà Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Thường Tín đã đạt được trong 70 năm qua.
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Ngọc Tuấn đồng tình cao với mục tiêu của huyện trong việc kế thừa và phát huy truyền thống danh hương, khoa bảng, đất trăm nghề mà Đảng bộ huyện Thường Tín đã xác định đến năm 2025: phấn đấu cơ bản các xã của huyện Thường Tín đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trong đó có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; tiếp tục phát triển kinh tế với cơ cấu hợp lý, gắn với bảo vệ môi trường; từng bước hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại để đến năm 2030, phấn đấu cơ bản đạt các tiêu chí của quận đô thị,
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị, xã hội của huyện Thường Tín tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, quyết tâm cao hơn nữa để khai thác, phát huy các tiềm năng, lợi thế, khơi thông nguồn lực; tập trung tháo gỡ nút thắt, điểm nghẽn phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh, chăm lo, nâng cao đời sống tinh thần, vật chất của Nhân dân.
Huyện Thường Tín trao tặng bằng khen cho 34 tập thể và 41 cá nhân có thành tích xuất sắc trong đợt thi đua chuyên đề cao điểm chào mừng kỷ niệm
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn cho rằng, sự kiện được Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới (năm 2020) là nền tảng quan trọng để huyện tiếp tục phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao vào cuối năm 2024. Trong đó, phải đặt biệt lưu ý xây dựng, triển khai phương án bảo vệ môi trường làng nghề, môi trường nông thôn, bảo đảm cảnh quan “sáng - xanh - sạch - đẹp”, xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; phấn đấu cuối năm 2024 huyện không còn hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người của huyện đến năm 2025 đạt 80 triệu đồng trở lên.
Cùng với đó, huyện tiếp tục đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; đôn đốc đẩy nhanh tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư, tiến độ thực hiện các dự án đầu tư, giải ngân vốn đầu tư công. Tập trung công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; không ngừng đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng. Đảm bảo an ninh quốc phòng; đẩy mạnh cải cách hành chính, duy trì kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm trong hệ thống chính trị.
Đồng thời, tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, đổi mới hơn nữa phương thức hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị- xã hội để tuyên truyền, vận động người dân tham gia thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội.
"Với truyền thống lịch sử và những thành tựu đã đạt được, lãnh đạo TP tin tưởng rằng Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Thường Tín sẽ tiếp tục đoàn kết, chung sức, đồng lòng, vượt qua các khó khăn, thách thức, quyết tâm xây dựng huyện Thường Tín ngày càng phát triển, xứng đáng với truyền thống văn hóa, đất danh hương, kiên cường cách mạng của quê hương Anh hùng”- Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh.
Tại lễ kỷ niệm, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn đã trao Huân chương Lao động hạng Nhất (lần 2) cho Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Thường Tín.
Nhân dịp này, huyện Thường Tín trao tặng bằng khen cho 34 tập thể và 41 cá nhân có thành tích xuất sắc trong đợt thi đua chuyên đề cao điểm chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phòng huyện Thường Tín.
Thảo Lan