Khai mạc Lễ hội Sen Hà Nội 2024: Mở màn các hoạt động ý nghĩa, hấp dẫn tôn vinh giá trị hoa sen
Đây là hoạt động thiết thực kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024) và những ngày lễ lớn của đất nước. Tham dự chương trình có đồng chí Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực điều hành Thành ủy Hà Nội.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội khẳng định giá trị văn hóa, tinh thần của hoa sen trong tâm thức và đời sống của người Việt. Sen đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận của thi ca, âm nhạc, hội họa và rất nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật. Sen cũng là hình ảnh, chất liệu được đưa vào nhiều sản phẩm ứng dụng trong đời sống hằng ngày.
Ngày nay, cây sen được phát triển ở nhiều huyện ngoại thành Hà Nội gắn với du lịch sinh thái và làm nguyên liệu cao cấp cho ngành dệt may, chế biến hương liệu, tinh bột. Trong đó, có tơ sen “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam do nghệ nhân Phan Thị Thuận sản xuất hay trà sen Tây Hồ nức tiếng bởi hương vị tinh túy của trời đất; mâm cỗ sen độc đáo hút khách ở làng cổ Đường Lâm…
Ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội phát biểu khai mạc Lễ hội.
Theo đồng chí Nguyễn Mạnh Quyền, Hà Nội đang tập trung phát triển cây sen như một phần trong chiến lược tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với phát triển nông nghiệp đô thị và du lịch. Đây cũng là một hoạt động cụ thể hiện thực hóa Chương trình 04-Ctr/TU của Thành ủy về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025”; Chương trình số 06- Ctr/TU về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025” và Nghị quyết số 09-NQ/TU về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” của Thành ủy Hà Nội.
Quận Tây Hồ nhận hai kỷ lục Việt Nam tại Lễ khai mạc.
Tại lễ khai mạc, bà Latana Siharaj, đại biện lâm thời Đại sứ quán nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào tại Việt Nam nhấn mạnh, văn hóa - xã hội cũng là một trong 3 trụ cột của ASEAN, trong đó trao đổi văn hóa, tăng cường giao lưu là con đường ngắn nhất giúp nhân dân các nước ASEAN xích lại gần nhau hơn cùng hướng tới một ASEAN hòa bình, thịnh vượng cùng phát triển.
Đại diện Lào đánh giá cao nỗ lực của thành phố Hà Nội, nhất là vai trò quan trọng của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị của thành phố Hà Nội trong việc tổ chức các hoạt động góp phần gắn kết đoàn ngoại giao. Trong đó hoạt động ngoại giao văn hóa tạo cơ hội để giới thiệu về bản sắc văn hóa của nhau, giúp tăng cường tình hữu nghị, hiểu biết lẫn nhau giữa bạn bè quốc tế và nhân dân Thủ đô Hà Nội, góp phần quảng bá, giới thiệu hình ảnh Hà Nội phát triển năng động đến với thế giới.
"Đối với các đại sứ quán tại Hà Nội, chúng tôi luôn coi trọng việc thúc đẩy các hoạt động giao lưu văn hóa, như Lễ hội Sen này, nhằm tăng cường mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa các nước. Những sự kiện như thế này không chỉ giúp hiểu rõ hơn về văn hóa và truyền thống của nước chủ nhà, mà còn tạo ra cơ hội để chia sẻ những giá trị và kinh nghiệm từ nhiều quốc gia khác nhau," bà Latana Siharaj nhấn mạnh.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến và các đại biểu thực hiện nghi thức khai mạc Lễ hội Sen Hà Nội 2024.
Lễ hội Sen Hà Nội gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía bắc năm 2024 là chuỗi nhiều sự kiện văn hóa độc đáo.
Trong đó, hai sự kiện được trao chứng nhận kỷ lục Việt Nam là Hành trình xanh “Sắc sen Tây Hồ” - Ngày hội đạp xe quanh Hồ Tây có số lượng người tham gia nhiều nhất Việt Nam (7.000 người) và sự kiện có số lượng người mặc áo dài truyền thống có họa tiết hoa sen (1.000 người).
Những điểm nhấn quan trọng khác phải kể đến là trưng bày, giới thiệu các sản phẩm về sen với điểm nhấn là bức tranh kính chân dung Bác Hồ được ghép từ gần 2.000 bức ảnh về sen của các vùng miền và bức tranh “Thăng Long huyền diệu hoa” được tạo tác từ hơn 20.000 bông hoa sen. Hai bức tranh này lần đầu tiên được ra mắt người dân Thủ đô và du khách trong nước và quốc tế.
Không gian Văn hóa-sáng tạo quận Tây Hồ được tổ chức thành các không gian giới thiệu trình diễn sản phẩm: Hoa sen, tơ sen, chè sen, xôi sen, giò sen, các món ăn từ sen, sản phẩm trang trí từ sen, thủ công mỹ nghệ về sen; trưng bày đại diện một số giống sen thuộc các vùng trong cả nước và một số giống sen quý của Việt Nam và Hà Nội...
Tại đây cũng có 100 gian hàng của 33 tỉnh, thành phố trong cả nước trưng bày quảng bá hơn 1.000 sản phẩm OCOP và các đặc sản vùng miền hội tụ về đây.
Tiết mục biểu diễn tại khai mạc Lễ hội Sen Hà Nội 2024.
Lễ hội còn thu hút sự chú ý của công chúng, các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp, du lịch với các hoạt động: Hội thảo bảo tồn và phát triển hoa sen Việt Nam, Triển lãm không gian nghệ thuật sắp đặt sen, Triển lãm ảnh Sen trong đời sống Việt, Hội nghị “Nâng cấp chất lượng dịch vụ và kết nối điểm đến du lịch của quận Tây Hồ với các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn Thành phố Hà Nội năm 2024”, Đêm nhạc “Trịnh Công Sơn và những người bạn”,…
Bên cạnh đó là các hoạt động hưởng ứng gồm: Chương trình “Sen kết nối yêu thương” thăm tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng và các gia đình chính sách trên địa bàn quận; Cuộc thi ảnh “Người đẹp, áo dài và sen”.
Ngay trong đêm khai mạc, công chúng đã được thưởng thức màn trình diễn nghệ thuật bán thực cảnh hấp dẫn có chủ đề “Chuyện của sen”. Chương trình có sự tham gia của hàng trăm ca sĩ, diễn viên chuyên nghiệp và không chuyên. Lễ hội kết thúc vào ngày 16/7/2024.
Thảo Lan