Văn hóa - Thể thao
“Mong gì từ đại học” - Cuốn sách viết về trải nghiệm học đại học của những người trẻ
06:26 PM 09/07/2024
(LĐXH)-“Mong gì từ đại học” là cuốn sách tập hợp bài viết của những người trẻ nhìn lại hành trình đại học mình đã đi qua để cất lên tiếng nói và chia sẻ những bài học cho thế hệ sau.
Mỗi bài viết là một câu chuyện, một hành trình thích nghi, làm quen và học hỏi trong suốt những năm đại học và sau đó, từ lúc nhận được giấy báo trúng tuyển, ngày đầu nhập trường với bao thói quen và dự định, rồi tốt nghiệp ra trường và bắt đầu bươn chải với cuộc đời.
Cuốn sách là tuyển tập các bài viết của 15 tác giả trẻ viết về trải nghiệm học đại học của mình. Họ là giảng viên trường đại học, giáo viên trường phổ thông, bác sĩ, nghiên cứu sinh tiến sĩ… hay vẫn đang là sinh viên ngồi trên ghế nhà trường. Họ đã hoặc đang học ở nhiều môi trường giáo dục có bối cảnh xã hội - văn hóa khác biệt - trong nước hoặc nước ngoài, nhưng đều có một điểm chung: Đại học đã tác động mạnh mẽ và có những dẫn bước làm thay đổi cuộc đời.
Có thể không xuất sắc về văn chương, nhưng các chia sẻ trong cuốn sách đều là những câu chuyện thực tế, được viết ra bởi chính trải nghiệm sống của các tác giả. Chính vì thế, độc giả có thể nhìn thấy hình bóng của chính mình trong những năm tháng đại học và khi mới ra trường để sống lại những năm tháng của tuổi trẻ, những va đập và điều chỉnh để vươn lên.
Cuốn sách do TS. Giáp Văn Dương làm chủ biên. Ông là chuyên gia giáo dục, tốt nghiệp Kỹ sư Đại học Bách khoa Hà Nội (1999), Thạc sĩ Đại học Quốc gia Chonbok (Hàn Quốc, 2002), Tiến sĩ Vật lý Kỹ thuật tại Đại học Công nghệ Vienna (Áo, 2006), và nghiên cứu sau tiến sĩ tại Đại học Liverpool (Anh Quốc, 2007-2010). Từ 2013 đến nay, ông trở lại Việt Nam và tập trung toàn thời gian để hoạt động trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Năm 2015, ông được Asia Society chọn là Asia 21 Young Leaders. Ông là một trong những người đồng sáng lập Trường hè Khoa học Việt Nam năm 2013 nhằm truyền cảm hứng và khuyến khích giới trẻ theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học. 
Một số trích đoạn hay trong sách:
“Gần đây, khi những thông tin về ChatGPT cũng như sự phát triển ‘thần tốc’ của trí tuệ nhân tạo AI tràn ngập mạng xã hội, một bạn học sinh vừa kết thúc kì thi THPT Quốc gia đã hỏi tôi rằng: Giờ đây kiến thức dường như không còn là một điều khó tìm kiếm nữa. Liệu trường đại học có mang lại gì hơn ngoài kiến thức, để có thể thuyết phục chúng em tìm đến thay vì mở máy tính ngồi học tại nhà trong bốn năm?”
(Trích bài viết “Lúa chín cúi đầu”, tác giả Hoàng Thị Kiều Anh)
“Vượt lên trên những đề cao cá nhân và cạnh tranh nhỏ mọn này, tôi mong đại học sẽ là nơi có thể khiến mọi bạn trẻ luôn cảm thấy rằng, bạn bè tuyệt vời biết mấy và cuộc sống sẽ tốt đẹp, vui vẻ hơn nếu ta cùng hỗ trợ nhau, khai thác điểm tốt và nâng đỡ nhau, tận dụng sức mạnh tập thể để tạo ra điều có ích thật sự. Vì khi ra trường, không ai quan tâm đến việc bạn từng là thủ khoa hay Top 1 bảng xếp hạng.
Khi nộp đơn cho các học bổng, dự án, tôi nhận thấy người giỏi nhất chưa chắc là người được chọn, mà phải là người phù hợp nhất với những kĩ năng về cộng tác, khả năng lãnh đạo […]
Tôi cũng cạnh tranh. Nhưng không với ai khác ngoài chính mình. Bản thân không còn phải khổ sở về việc làm thế nào để hơn ai đó, để leo lên Top 1 của một bảng xếp hạng nào đó, mà là những băn khoăn để xây dựng những bài giảng tốt hơn, xây dựng môi trường học tốt hơn, cùng các thầy cô làm được gì cho các em sinh viên để các em có nhiều cơ hội hợp tác, chia sẻ, làm việc nhóm.
Nhiều năm sau Đại học, tôi dần cảm thấy nhẹ nhõm hơn với những tiến bộ thật sự của mình, về suy nghĩ và về những trưởng thành trong chuyên môn mà không cần quá áp lực so mình trong thước đo với ai cả. Bây giờ tôi thấy vui vì mỗi thầy cô, mỗi đồng nghiệp, mỗi người học đối với tôi đều là một nguồn kiến thức và kinh nghiệm quý giá mà tôi có thể kết nối và học hỏi.   
(Trích “Cái giá của sự cạnh tranh”, tác giả Ngô Thị Liên Hương)
Nhật Minh