Nâng cao hiệu quả hoạt động xuất khẩu thực phẩm chế biến vào thị trường châu Á – Thái Bình Dương và châu Phi
(LĐXH)- Ngày 28/2, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp tổ chức “Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 2/2023” với chủ đề Cơ hội xuất khẩu thực phẩm chế biến vào thị trường châu Á – Thái Bình Dương và châu Phi.
Hội nghị thu hút trên 400 đại biểu từ các cơ quan thuộc Bộ Công Thương, các Thương vụ, chi nhánh Thương vụ Việt Nam, văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại nước ngoài, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp và các cơ quan thông tấn, báo chí.
Hội nghị diễn ra theo phương thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đông đảo đại biểu từ các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, cơ quan và doanh nghiệp liên quan từ 63 tỉnh, thành trên cả nước tham gia.
Phát biểu khai mạc, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết: Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài do Bộ Công Thương tổ chức định kỳ hàng tháng đã ghi nhận những phản hồi tích cực cùng sự quan tâm của đông đảo hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, các địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp xuất nhập khẩu và các cơ quan thông tấn, báo chí.
Tiếp nối thành công của các kỳ hội nghị trước, Bộ Công Thương tổ chức “Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 2/2023” với chủ đề Cơ hội xuất khẩu thực phẩm chế biến vào thị trường châu Á – Thái Bình Dương và châu Phi.
Hội nghị lần này sẽ tập trung bàn thảo về các cơ hội xuất khẩu ngành thực phẩm chế biến với trọng tâm vào các thị trường khu vực châu Á và một số thị trường châu Đại Dương, châu Phi; thảo luận, tìm giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động xuất nhập khẩu, qua đó hướng tới mục tiêu phát triển xuất nhập khẩu bền vững đối với các mặt hàng thực phẩm chế biến của Việt Nam.
Chương trình Hội nghị kỳ tháng 2/2023 bao gồm 2 phiên chính: Phiên 1 dành cho đại diện các Thương vụ Việt Nam tại Australia, Algeria, Ấn Độ, Malaysia, Indonesia, Thái Lan thông tin về những diễn biến mới nhất ở thị trường sở tại cũng như các chính sách, quy định thay đổi trong thời gian gần đây đối với các sản phẩm thực phẩm chế biến; phiên 2 dành cho đại diện các hiệp hội (Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, Hiệp hội Thực phẩm minh bạch), cơ quan địa phương (Sở Công Thương Phú Thọ) thảo luận về những khó khăn, thuận lợi, đề xuất nhu cầu hỗ trợ và các sáng kiến liên quan đến việc thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại, xuất nhập khẩu thực phẩm chế biến với các thị trường nước ngoài của các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp.
Với lợi thế phát triển nông nghiệp, các sản phẩm nông sản và thực phẩm chế biến của Việt Nam hiện đã có mặt tại trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Rất nhiều ngành trong lĩnh vực này đã đóng góp hơn 1 tỷ USD vào kim ngạch xuất khẩu hàng năm, đặc biệt một số ngành như thủy sản đã đóng góp hơn 10 tỷ USD. Có thể nói, với lợi thế về nguồn nguyên liệu hết sức dồi dào, ngành chế biến thực phẩm còn rất nhiều dư địa, tiềm năng để phát triển.
Bên cạnh đó, dù có sức cạnh tranh lớn trên thị trường thế giới nhưng các mặt hàng nông, lâm thủy sản của Việt Nam phần nhiều vẫn chủ yếu xuất khẩu sản phẩm thô, qua đường tiểu ngạch và đang chịu sức ép cạnh tranh gay gắt từ các nước trong khu vực ASEAN, châu Á hay của chính khách hàng lớn của các doanh nghiệp Việt Nam là Trung Quốc.
Các thị trường nhập khẩu và tiêu thụ điều hàng đầu thế giới như Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc… ngày càng gia tăng yêu cầu về tính bền vững đối với sản phẩm bao gồm các khía cạnh xã hội, môi trường và kinh tế trong toàn bộ chuỗi cung ứng.
Những thay đổi hành vi tiêu dùng cũng ảnh hưởng trái chiều đối với các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, đặc biệt là xu hướng toàn cầu hiện đang rất ưu tiên các nguồn đạm thực vật thay thế cho nguồn đạm từ động vật, dẫn đến nhu cầu tăng cao đối với các sản phẩm có nguồn gốc hữu cơ.
Đây rõ ràng là thách thức nhưng cũng nên nhìn nhận như cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu thực phẩm chế biến của Việt Nam nắm bắt và phát triển.
Lãnh đạo Cục Xúc tiến thương mại đề nghị: Hệ thống cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài cần tiếp tục phát huy tốt hơn nữa vai trò trong hỗ trợ các địa phương, hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp phát triển sản xuất, xây dựng thương hiệu, đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và mặt hàng xuất khẩu.
Sở Công Thương các địa phương, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp xuất nhập khẩu tận dụng các Hội nghị giao ban làm kênh trao đổi nhanh chóng, cụ thể nhu cầu hỗ trợ xúc tiến xuất nhập khẩu các mặt hàng tiềm năng và thế mạnh ra thị trường thế giới. Từ đó, đưa ra những kiến nghị đối với Bộ Công Thương và đặc biệt các cơ quan Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài để hỗ trợ doanh nghiệp địa phương, ngành hàng làm tốt công tác thị trường, thực hiện xuất nhập khẩu hiệu quả, đóng góp vào sự phát triển ngày càng vững mạnh của nền thương mại Việt Nam.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại thúc đẩy xuất khẩu, phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đề nghị Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, các cơ quan liên quan cũng như doanh nghiệp tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm.
Thứ nhất, cần nắm bắt diễn biến chính sách của nước sở tại, kể cả chính sách thị trường khu vực, từ đó đề xuất phản ứng chính sách phù hợp ở cả cấp quốc gia và doanh nghiệp.
Thứ hai, tiếp tục nghiên cứu, đề xuất giải pháp, duy trì, mở rộng thị trường truyền thống, mở rộng danh mục và quy mô hàng hóa và giá trị xuất khẩu. Cân bằng thương mại với những thị trường truyền thống. Hỗ trợ doanh nghiệp trong nước hợp tác đầu tư, nhất là hợp tác đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao. Hợp tác trong việc mua nguyên liệu để phục vụ cho ngành sản xuất trong nước. Đồng thời tìm kiếm phát triển thị trường mới, tiềm năng.
Thứ ba, cần tăng cường kết nối doanh nghiệp trong nước và nước ngoài theo hình thức B2B. Thông qua hệ thống thương vụ để phổ biến các quy cách, tiêu chuẩn hàng hoá, tập quán tiêu dùng, tiếp cận phương thức sản xuất mới phù hợp và hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng hợp tác đầu tư.
Thứ tư, chú trọng xây dựng cơ sở dữ liệu trong từng ngành hàng, dự án để phục vụ cho hợp tác đầu tư, kinh doanh với doanh nghiệp trong nước và là tài liệu trao truyền cho thế hệ khác.
Cuối cùng, thương vụ kết nối với doanh nghiệp, hiệp hội, địa phương trong nước để tổ chức cho doanh nghiệp thương mại nước ngoài có cơ hội về thăm Việt Nam, tiếp cận vùng trồng, vùng nuôi và cơ sở sản xuất của Việt Nam. Ngược lại, tổ chức và hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội ra nước ngoài và quảng bá sản phẩm.
Về phía doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đề nghị liên hệ thường xuyên và chặt chẽ với các vụ thị trường ngoài nước, Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để quảng bá và tiềm năng thế mạnh của mình. “Thương vụ rất cần sản phẩm để trưng bày tại Đại sứ quán nước sở tại. Doanh nghiệp có thể hỗ trợ để quảng bá và cho khách hàng trải nghiệm sản phẩm ngay tại đây”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên giao Cục Xúc tiến thương mại cần nghiên cứu lập cẩm nang về danh mục, quy cách hàng hoá và tiêu chuẩn kỹ thuật theo từng khu vực thị trường để giúp doanh nghiệp, hiệp hội tham khảo.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đề nghị các địa phương cố gắng cử đại diện là người thực hiện hoặc có quyền quyết định dự và thông báo, khuyến cáo doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu, hiệp hội ngành nghề tại địa phương tham dự Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ hàng tháng; Chỉ đạo quyết liệt để xây dựng thương hiệu sản phẩm địa phương và thực hiện thành công đề án xuất khẩu theo chính ngạch; Kết nối chặt chẽ hơn với các thương vụ để tổ chức doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của địa phương đi đến các thị trường ngoài nước và sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp nước ngoài có nhu cầu đến với địa phương mình để kết nối thương mại và đầu tư; Các địa phương thông qua các tổ chức, cơ chế có sự phân bổ để hỗ trợ trưng bày sản phẩm tại các phòng trưng bày sản phẩm của Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài.
Cuối cùng, để phát triển sản xuất, tổ chức xuất khẩu, đáp ứng yêu cầu thương mại điện tử trong tương lai, trong xây dựng quy hoạch các địa phương cần chú trọng quy hoạch, đầu tư, phát triển hệ thống logistics phục vụ các hoạt động xuất nhập khẩu và thương mại điện tử./.
Thảo Lan
Từ khóa:
xuất khẩu thực phẩm chế biến
giao ban xúc tiến thương mại
hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài
-
Tin đồn Chủ tịch HĐQT ACB đánh bạc: Bộ Công an nói gì?
08-01-2025 18:08 14
-
Grab đồng hành giúp người dùng Việt chuẩn bị và trải nghiệm Tết Nguyên đán thuận lợi, an nhàn hơn
08-01-2025 16:24 20
-
Bán hơn 3 triệu xe, Kia lập kỷ lục doanh số trong năm 2024
08-01-2025 15:46 27
-
Vinamilk: Sức mạnh của “ Người khổng lồ” với hàng loạt công nghệ mới đột phá chưa từng có
07-01-2025 14:56 02
-
Những mẫu smartphone được mong chờ nhất năm 2025
07-01-2025 14:55 55
-
Khối tài sản kếch xù của đại gia chi tiền chữa trị cho Xuân Son
07-01-2025 14:55 44
English Review
Many important results in vocational training in Vietnam
English Review | 07-01-2025 14:13 46