Phát huy vai trò công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng (Bài 2)
Chưa như kỳ vọng
Hoạt động kiểm tra, giám sát của Đảng thời gian qua nói chung, cũng như của ngành kiểm tra nói riêng đã góp phần quan trọng vào việc đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống cũng như những biểu hiện "tự diễn biến, tự chuyển hóa" trong nội bộ và đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất, trong sạch của Đảng; giữ vững nguyên tắc, kỷ luật, kỷ cương của Đảng; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Đồng thời, qua thực hiện công tác kiểm tra, giám sát cũng đã làm rõ những kẽ hở, bất cập, thiếu sót, chưa phù hợp của cơ chế, chính sách, dễ bị các đối tượng lợi dụng hoặc cố ý làm trái để tham nhũng, vụ lợi. Từ đó, góp phần dự báo tham nhũng, lãng phí, tiêu cực có thể xảy ra để chủ động có chủ trương, biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả.
Có thể nói, thời gian qua, cấp ủy, tổ chức đảng và Ủy ban kiểm tra các cấp đã tích cực, chủ động, quyết liệt, thực hiện có trọng tâm, trọng điểm nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, lựa chọn đối tượng, nội dung, lĩnh vực, địa bàn nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng; kiểm tra tổ chức Đảng cấp dưới và đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm. Qua kiểm tra đã kết luận và xử lý nghiêm minh, chính xác, kịp thời một số tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm, trong đó có một số vụ nổi cộm, gây bức xúc trong dư luận liên quan đến tham nhũng, cố ý làm trái, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ để trục lợi, xử lý kỷ luật các cán bộ đương chức hoặc đã nghỉ hưu liên quan có sai phạm, kể cả phải điều tra, truy tố, xử lý bằng pháp luật hình sự, được đảng viên, nhân dân đồng tình ủng hộ, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và sự điều hành, quản lý của Nhà nước. Đây là một bước đột phá lớn trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí, “lợi ích nhóm”.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương họp kỳ thứ 45 xem xét, thi hành kỷ luật một số tổ chức Đảng, đảng viên
Tuy nhiên, công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng vẫn còn hạn chế, chưa như kỳ vọng, vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, chưa thật sự “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” như mong muốn của Bác Hồ. Công tác phát hiện, kiểm tra, xử lý tham nhũng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản do tham nhũng có tăng nhưng vẫn còn thấp. Việc phát hiện và xử lý tham nhũng ở nhiều bộ, ngành, địa phương chưa có sự chuyển biến mạnh mẽ, rõ rệt, vẫn còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, nể nang, né tránh, ngại va chạm, bao che, dung túng cho cấp dưới sai phạm.
Một trong những nguyên nhân của tình trạng trên là do nhận thức của một số cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên là đối tượng kiểm tra chưa đúng, chưa đầy đủ, chưa thấy hết trách nhiệm hoặc còn né tránh trách nhiệm của tập thể và cá nhân.
Cấp ủy, tổ chức đảng chưa kịp thời sửa đổi, bổ sung, ban hành các qui chế, qui định, qui trình phù hợp với qui định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chưa cụ thể hóa phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tế của tổ chức, cơ quan, đơn vị nên lúng túng trong quá trình thực hiện.
Tổ chức ở những nơi xảy ra vi phạm thường có biểu hiện buông lỏng vai trò lãnh đạo, quản lý, thiếu sự chỉ đạo kiểm tra, giám sát, còn nể nang, né tránh. Tình trạng thiếu dân chủ dẫn đến người đứng đầu lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền lực để chi phối, thao túng, thâu tóm quyền lực để làm trái hoặc lợi dụng cơ chế tập thể để hợp lý hóa ý đồ cá nhân nhằm trục lợi, dẫn đến sai phạm nhưng chưa có biện pháp xử lý kịp thời, kiên quyết, triệt để, nghiêm minh dẫn đến những vi phạm kéo dài và rất nghiêm trọng.
Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng
Để phát huy kết quả đạt được và khắc phục các hạn chế nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng trong thời gian tới cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho từng cán bộ, đảng viên về vai trò của công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng. Từng cán bộ, đảng viên phải nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng và quán triệt nghiêm túc, đầy đủ các quan điểm, tư tưởng của Đảng về công tác này. Nâng cao tinh thần tự phê bình và phê bình, xây dựng văn hóa tự răn, tự tu, tự dưỡng, tự rèn, tự nhận trách nhiệm, tự sửa, tự khắc khục, tự xử lý và tính chiến đấu của tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.
Đoàn kiểm tra của Bộ Chính trị do đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng,
Trưởng ban Nội chính Trung ương làm Trưởng đoàn làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bến Tre
Hai là: Hoàn thiện các qui định của Đảng, ban hành, bổ sung, sửa đổi chính sách, pháp luật của Nhà nước phục vụ công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, chú trọng tập trung vào các qui định về nêu gương và đấu tranh phòng, chống tham nhũng, “lợi ích nhóm”, lãng phí và các biểu hiện tiêu cực khác. Đề cao tính chặt chẽ, khoa học, dân chủ trong quy trình ban hành các quy định về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng.
Tăng cường phối kết hợp với các chuyên gia, nhà khoa học có kinh nghiệm trong hoạt động kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng để xây dựng, bổ sung, hoàn thiện những cơ chế, chính sách kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng phù hợp với tình hình thực tiễn theo hướng bảo vệ cán bộ, đảng viên tố giác đúng các vi phạm của cấp trên; bảo vệ người đứng đầu dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám đổi mới sáng tạo, dám chịu trách nhiệm vì sự phát triển của đất nước.
Ba là: Nếu cao tinh thần đoàn kết, thống nhất trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát của cấp ủy, tổ chức đảng, ủy ban kiểm tra các cấp. Nâng cao năng lực và phẩm chất của cán bộ ủy ban kiểm tra các cấp. Mỗi cán bộ của ủy ban kiểm tra các cấp phải không ngừng học hỏi nắm vững chuyên môn, nghiệp vụ công tác kiểm tra, giám sát; thực sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, phải giữ được danh dự, uy tín của mình trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Chủ động nắm tình hình, phát hiện sớm dấu hiệu về chủ nghĩa cá nhân, về tham nhũng, xác định đúng đối tượng, nội dung, thời điểm kiểm tra. Tổ chức đoàn kiểm tra bảo đảm số lượng, chất lượng, xây dựng kế hoạch và tiến hành kiểm tra có chất lượng, hiệu lực, hiệu quả. Tổ chức tốt việc thu thập và giải quyết đơn tố cáo dấu hiệu vi phạm về tham nhũng, “lợi ích nhóm”, lãng phí, tiêu cực, suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Khuyến khích sự tham gia và phát huy vai trò của nhân dân, các tổ chức chính trị - xã hội và các phương tiện thông tin đại chúng trong phát hiện dấu hiệu vi phạm của tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên. Thực hiện tốt việc giám sát thường xuyên và tăng cường giám sát chuyên đề để chủ động kiểm soát chặt chẽ việc trao và thực thi quyền lực, phát hiện sớm dấu hiệu vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên, nhất là người đứng đầu để kiểm tra, kết luận và xử lý kịp thời, kiên quyết, triệt để, nghiêm minh và đồng bộ cả về kỷ luật đảng, kỷ luật hành chính và xử lý bằng pháp luật.
Đối với những vụ việc phức tạp, ủy ban kiểm tra cấp trên cần hỗ trợ, “tiếp sức” cho ủy ban kiểm tra cấp dưới, khi cần thiết có thể kiểm tra cách nhiều cấp. Công tác kiểm tra phải đi trước mở đường cho công tác thanh tra, điều tra, tạo sự thúc đẩy, lan tỏa chung. Đồng thời, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả phối hợp, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong công tác kiểm tra, giám sát về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Bốn là: Kiểm soát chặt chẽ quyền lực được giao cho tổ chức, cá nhân, nhất là của người đứng đầu để ngăn ngừa, chặt đứt điều kiện, cơ hội gây ra tham nhũng, “lợi ích nhóm”. Muốn vậy, phải thực hiện trao “đủ quyền, đúng quyền, thực quyền, rõ quyền”, quyền hạn phải đi đôi với trách nhiệm, trách nhiệm phải được ràng buộc bằng chế tài cụ thể. Đồng thời, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức, viên chức các cấp có phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống mẫu mực, trong sáng, có trình độ, năng lực đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
Năm là: Thực hiện tốt sự phối hợp giữa ủy ban kiểm tra với các cơ quan, tổ chức trong công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng. Phối hợp với các cơ quan có trách nhiệm trong việc tổ chức tiếp công dân, nhận đơn thư, lắng nghe ý kiến phản ánh của cán bộ, đảng viên và công dân. Quy định rõ mối quan hệ giữa cơ quan Nhà nước có thẩm quyền với cơ quan đảng trong việc xử lý tố cáo đối với cán bộ, công chức là đảng viên.
Phối hợp chặt chẽ giữa ủy ban kiểm tra các cấp với các tổ chức đảng trong cơ quan nhà nước, đoàn thể chính trị - xã hội trong việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng nhằm tạo tâm lý thoải mái, tôn trọng, hiểu biết, cộng tác tin tưởng lẫn nhau, kể cả tạo tâm lý giúp đối tượng kiểm tra trong tự giải trình, cung cấp thông tin trung thực và cũng là thể hiện sự tôn trọng và phát huy dân chủ trong công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng.
Ủy ban kiểm tra cấp trên cần tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, giúp đỡ và kiểm tra, giám sát tổ chức đảng cấp dưới trong việc thực hiện nhiệm vụ.
Sáu là: Kết hợp chặt chẽ giữa công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng với công tác điều tra, truy tố, xét xử của các cơ quan bảo vệ pháp luật. Sau khi ủy ban kiểm tra các cấp tiến hành các bước xử lý về mặt Đảng đối với cán bộ, đảng viên vi phạm, tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả của sự việc, tiếp tục phối hợp với cơ quan bảo vệ pháp luật, như viện kiểm sát, tòa án để điều tra, truy tố, xét xử theo đúng quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, cần cần mở rộng sự khoan hồng cho người ra đầu thú sớm, chủ động khai báo thành khẩn và khắc phục hậu quả để tạo điều kiện cho những người hối cải sau khi thực hiện hành vi vi phạm pháp luật có điều kiện chuộc lỗi, đồng thời có tác dụng răn đe với các đối tượng khác và có điều kiện thu hồi triệt để tài sản tham nhũng. Xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng, “lợi ích nhóm” và tiếp tục thực hiện nghiêm túc việc kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức theo qui định.
Bước vào giai đoạn phát triển mới, đất nước ta tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, vì vậy, đòi hỏi phải đặc biệt coi trọng công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng trong tổng thể công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện./.
Thảo Lan