Sự khởi sắc kinh tế của quận được thể hiện rõ nét qua những con số ấn tượng: giá trị sản xuất công nghiệp ngoài quốc doanh tăng 7,4%, doanh thu dịch vụ du lịch tăng mạnh 29,3%. Trong năm 2024, trên địa bàn quận có 919 doanh nghiệp mới thành lập, đưa tổng số doanh nghiệp đang hoạt động quận quản lý là 6.757 doanh nghiệp. Cấp mới 1.250 hộ kinh doanh cá thể, đưa tổng số hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn quận là 8.838 hộ kinh doanh. Số lượng doanh nghiệp và hộ kinh doanh thành lập mới tăng lần lượt 17% và 57%, cho thấy môi trường kinh doanh thuận lợi và sự phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch.
Đặc biệt, quận đã đạt mức thu ngân sách cao nhất từ trước đến nay, với tổng thu đạt 4.954,8 tỷ đồng, bằng 176,2% kế hoạch, góp phần cân đối thu chi ngân sách và đảm bảo nguồn vốn đầu tư phát triển.
Quận uỷ - Uỷ ban nhân dân - Hội đồng nhân dân quận Tây Hồ
Công tác điều hành chi ngân sách chủ động, linh hoạt, đúng quy định, tuân thủ nghiêm Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Luật Ngân sách nhà nước. Ước tổng chi ngân sách trên địa bàn Quận năm 2024 đạt 1.585 tỷ đồng bằng 93% kế hoạch giao;
Tây Hồ không chỉ thành công trong phát triển kinh tế mà còn tạo dấu ấn đậm nét trên lĩnh vực văn hóa, thể thao và quy hoạch đô thị. Nhiều sự kiện văn hóa lớn được tổ chức, thu hút sự chú ý của du khách và bạn bè quốc tế, góp phần xây dựng thương hiệu quận Tây Hồ như một điểm đến sáng tạo, năng động. Việc hoàn thành và đưa vào sử dụng hàng loạt công trình trọng điểm như đường Xuân Diệu, Âu Cơ, các trường học, trung tâm y tế và trụ sở công an quận đã cải thiện rõ rệt hạ tầng đô thị, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân. Đặc biệt, đề án quy hoạch chi tiết khu vực trung tâm bán đảo Quảng An được UBND Thành phố phê duyệt, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững trong tương lai.
Đề án "Bảo tồn và phát huy giá trị khu vực Hồ Tây và phụ cận" được Quận Tây Hồ thực hiện với cách tiếp cận khoa học, nhằm khai thác tối đa tiềm năng của di sản này
Hồ Tây, biểu tượng của quận, được quản lý và bảo tồn một cách bài bản. Sau khi nhận bàn giao từ Thành phố, quận đã triển khai nhiều biện pháp cải thiện môi trường, bảo vệ cảnh quan và đẩy mạnh phát triển du lịch. Đề án "Bảo tồn và phát huy giá trị khu vực Hồ Tây và phụ cận" được thực hiện với cách tiếp cận khoa học, nhằm khai thác tối đa tiềm năng của di sản này.
Quận đã nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo của Thành Ủy Hà Nội theo Chỉ thị số 30-CT/TU ngày 19/2/2024 về Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trong việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Thực hiện có hiệu quả Đề án: “Xây dựng phường văn hoá, phường đạt chuẩn đô thị văn minh giai đoạn 2021-2025”.
Năm 2004, quận Tây Hồ đón nhận thêm 03 phường đạt danh hiệu "Phường văn hóa" (phường Yên Phụ, Thuỵ Khuê, Tứ Liên), hoàn thành nhiệm vụ xây dựng 8/8 Phường đạt tiêu chuẩn phường văn hóa của nhiệm kỳ 2020-2025. Công nhận phường Xuân La, Phú Thượng đạt chuẩn đô thị văn minh, là tiền đề tốt để triển khai toàn diện trên các phường thuộc quận. Công tác đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích tiếp tục quan tâm; Chú trọng công tác quản lý và phát huy Di sản văn hóa phi vật thể. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận Nghề làm Xôi Phú Thượng và Nghề ướp trà sen Quảng An là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Hoàn thiện hồ sơ đề xuất công nhận Bảo vật Quốc gia đối với “Đôi rồng đá thành bậc Đình Trích Sài”, phường Bưởi.
Du khách vui chơi tại phố đi bộ Trịnh Công Sơn, Quận Tây Hồ, Hà Nội
Trong lĩnh vực giáo dục, Tây Hồ tiếp tục khẳng định vị trí hàng đầu với những thành tích đáng tự hào. Điểm xét tuyển vào lớp 10 của học sinh toàn quận tăng vượt bậc, đứng thứ 5 toàn Thành phố. Chất lượng giáo dục toàn diện được nâng cao, với nhiều trường đạt thành tích xuất sắc, góp phần xây dựng nền tảng tri thức vững chắc cho thế hệ trẻ. Quận Tây Hồ đã hoàn thành kế hoạch xây dựng trường chuẩn quốc gia với 27/27 trường đạt chuẩn đạt tỷ lệ 100%, đứng đầu Thành phố về tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia.
Điểm trung bình xét tuyển của học sinh toàn quận đứng thứ 5/30 quận, huyện, thị xã, tăng 3 bậc so với năm học trước, trong đó môn ngoại ngữ đứng thứ 2/30 quận, huyện. Chất lượng giáo dục mũi nhọn có chiều hướng tăng, đa dạng các lĩnh vực: Cấp Thành phố với tổng số 93 giải thi học sinh giỏi các môn văn hóa và Khoa học kỹ thuật lớp 9; 48 giải và Huy chương thi Tài năng tin học, Olympic tiếng Anh, Đại sứ văn hóa đọc, chinh phục Robobimi, các môn thi đấu thể thao. Đặc biệt thi cấp quốc gia đạt 16 giải.
Phường Thụy Khuê, Yên Phụ (quận Tây Hồ) đón nhận danh hiệu “Phường Văn hóa”
An sinh xã hội là một điểm sáng khác trong bức tranh phát triển toàn diện của Tây Hồ. Quận đã chăm lo chu đáo cho các đối tượng yếu thế, người có công, và tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn. Công tác cải cách hành chính và chuyển đổi số cũng đạt kết quả vượt trội, với các mô hình tiên tiến như "Thứ Hai – Ngày không giấy hẹn", "30 phút vì dân", mang lại sự hài lòng gần như tuyệt đối cho người dân.
An ninh quốc phòng và phòng chống thiên tai được quận thực hiện đồng bộ, hiệu quả. Các tình huống thiên tai như bão lũ được xử lý kịp thời, đảm bảo an toàn cho người dân và hỗ trợ khắc phục hậu quả một cách nhanh chóng. Công tác phòng cháy chữa cháy cũng được triển khai quyết liệt, góp phần bảo vệ tài sản và tính mạng nhân dân.
Những thành tựu mà Tây Hồ đạt được trong năm 2024 không chỉ là kết quả của sự lãnh đạo sát sao và đồng thuận từ toàn hệ thống chính trị, mà còn là minh chứng cho sức mạnh đoàn kết của cộng đồng. Đây chính là tiền đề để quận Tây Hồ tiếp tục phát triển bền vững, khẳng định vai trò và vị thế quan trọng trong tiến trình phát triển của Thủ đô Hà Nội./.
Thảo Lan