Xã hội
Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để người dân có ý thức chủ động tham gia BHXH
10:52 AM 18/11/2021
(LĐXH) – Đó là phát biểu của Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh tại Phiên họp toàn thể lần thứ 4 được tổ chức theo hình thức trực tuyến tại toà nhà Quốc hội về tình hình thực hiện chi phí quản lý BHXH, BH thất nghiệp giai đoạn 2019-2021 và đề xuất mức chi phí quản lý BHXH, BH thất nghiệp giai đoạn 2022-2024.
Theo đó, chỉ tiêu phát triển đối tượng giai đoạn 2022 - 2024 được dự báo theo kịch bản đại dịch COVID-19 sẽ cơ bản được kiểm soát vào cuối năm 2021. Cùng với Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đang được Chính phủ xây dựng với các giải pháp tổng thể, trong đó có giải pháp khôi phục thị trường lao động, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, người lao động, căn cứ chỉ tiêu tại Nghị quyết số 28-NQ/TW và Nghị quyết số 20-NQ/TW, dự kiến: Phấn đấu đến năm 2024 số người tham gia bảo hiểm xã hội đạt 42,7%; số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt 33,4%; số người tham gia bảo hiểm y tế đạt 94,1%.
 Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh phát biểu tại phiên họp
Phát biểu tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nêu rõ, theo quy định Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Việc làm, định kỳ 3 năm Chính phủ báo cáo chi phí quản lý chi phí bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Ủy ban tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 4 để thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện chi phí quản lý BHXH, BHTN giai đoạn 2019-2021 và đề xuất mức chi phí quản lý BHXH, BHTN giai đoạn 2022-2024. Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội mong muốn các thành viên Ủy ban tiếp tục phát huy trí tuệ, tập trung thảo luận, đóng góp với tinh thần trách nhiệm cao để xây dựng, hoàn thiện Báo cáo thẩm tra của Ủy ban đạt chất lượng tốt nhất.
Trình bày Báo cáo của Chính phủ về phát triển đối tượng tham gia BHXH, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng cho biết, dự kiến hết năm 2021, tổng số đối tượng quản lý của ngành BHXH đạt 90,1 triệu người, trong đó có 15,7 triệu người tham gia BHXH, bằng 32% lực lượng lao động trong độ tuổi; 12,5 triệu người tham gia BHTN, bằng 25,5% lực lượng lao động; 88,8 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ BHYT 91% dân số.
Bên canh đó, giai đoạn 2019- 2021, cơ quan BHXH đã sử dụng hiệu quả chi phí để thực hiện các nhiệm vụ được giao. Nhiều phần việc trước đây người dân phải làm nay đã được ngành BHXH Việt Nam đảm nhiệm. Từ đó đã khiến người dân thuận lợi hơn khi thực hiện giao dịch cũng như giảm giờ giao dịch, giảm thời gian giải quyết các chế độ góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc. Công tác giao dự toán và thực hiện chi phí quản lý được thực hiện đúng theo Luật BHXH, Luật Việc làm và Nghị quyết số 58 của Uỷ ban TVQH đã tạo điều kiện cho ngành BHXH Việt Nam trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao. “Trong đó ấn tượng là việc phát triển BHXH tự nguyện vượng mục tiêu kế hoạch đến năm 2025 đề ra tại Nghị quyết 28…, Thứ trưởng Hưng nhấn mạnh.
hứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng báo cáo tình hình thực hiện chi phí quản lý BHXH, BH thất nghiệp giai đoạn 2019-2021
Đối với việc quản lý đối tượng thụ hưởng: dự kiến hết năm 2021 ngành BHXH chi trả chế độ lương hưu, trợ cấp BHXH và trợ cấp hàng tháng cho khoảng 3,3 triệu người; 890 nghìn người hưởng trợ cấp thất nghiệp (dịch bệnh Covid-19 đã làm khoảng 1,8 triệu lao đông mất việc làm, tuy nhiên không phải tất cả lao động bị mất việc làm đều tham gia BHTN và không phải tất cả người tham gia BHTN đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp. Đối với người lao động không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, Chính phủ đã ban hành chính sách hỗ trợ theo quy định tại Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; chi trả trợ cấp ốm đau, thai sản, dưỡng sức phục hồi sức khỏe, chế độ BHXH một lần cho hơn 8,6 triệu lượt người; thanh toán chi phí khám, chữa bệnh BHYT cho 521 triệu lượt người.
Về tổ chức bộ máy, tiếp tục giảm 63 BHXH cấp phòng của 63 BHXH cấp tỉnh, thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, cơ cấu lại nguồn nhân lực theo Nghị quyết số 18-NQ/TW và Quyết định 856/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phù hợp với lộ trình ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN theo hướng đổi mới toàn diện cả về nội dung, hình thức và phương pháp tập trung vào đối tượng. Cải cách thủ tục hành chính tăng cường thực hiện giao dịch điện tử, cung cấp dịch vụ công trên cổng dịch vụ công, tiếp tục giảm số giờ kê khai nộp tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN, nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp. Tiếp tục tăng cường công tác thanh kiểm tra, giám sát; giám định chi trả BHYT.
Theo Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh, chi phí giai đoạn 2019- 2021 giảm nhiều so với quyết định giao, thế nhưng công việc lại tăng lên. Nhất là trong năm 2021, gây áp lực lớn cho các cán bộ trong toàn Ngành. Cũng theo Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, chi BHXH, BH thất nghiệp ở Việt Nam có đặc thù so với quốc tế, bởi theo quy trình, sau khi người lao động đề xuất chi trả thì cơ quan BHXH phải rà soát chính sách, chế độ như mức đóng, hưởng, chuyển vị trí công tác như thế nào; bên cạnh đó không chỉ chi lương hưu mà còn rất nhiều chế độ khác nên mất nhiều chi phí thực hiện..
Tại phiên họp, các đại biểu cho rằng cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để người dân hiểu về bảo hiểm xã hội và có ý thức chủ động tham gia bảo hiểm xã hội; đổi mới cách thức tuyên truyền, đảm bảo toàn diện cả về nội dung, hình thức, phương pháp, tập trung trực tiếp vào các nhóm đối tượng.
Đồng thời, ngành bảo hiểm cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường thực hiện giao dịch điện tử, cung cấp dịch vụ công trên cổng dịch vụ công, nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp; ứng dụng công nghệ thông tin theo hướng tập trung cho các nền tảng giải pháp kỹ thuật mới phục vụ chuyển đổi số, hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm, duy trì, thay thế, nâng cấp, mở rộng hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin hiện có để vận hành liên tục và ổn định, chuẩn hóa theo công nghệ hiện đại, đảm bảo an toàn thông tin, đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ.
Ngoài ra, nhiều ý kiến chỉ rõ, cần thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, cơ cấu lại nguồn nhân lực ngành bảo hiểm theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, giám định chi trả bảo hiểm y tế; tăng cường hiệu quả đầu tư quỹ theo nguyên tắc bảo đảm an toàn, hiệu quả và thu hồi được vốn đầu tư.
Nam Khánh

 
Từ khóa: