Từ “Ba sẵn sàng” đến “Thanh niên tình nguyện”: Lịch sử và sự tiếp nối truyền thống của sinh viên Việt Nam trong thời kỳ mới
(LĐXH)- Sáng ngày 26/7/2024, tại Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề: “Từ “Ba sẵn sàng” đến “Thanh niên tình nguyện”: Lịch sử và sự tiếp nối truyền thống của sinh viên Việt Nam trong thời kỳ mới”.
Đây là dịp để các nhà nghiên cứu, các thế hệ nhân chứng, cán bộ Đoàn và sinh viên cùng trao đổi, thảo luận về những vấn đề lịch sử của phong trào “Ba sẵn sàng” và các phong trào xung kích, tình nguyện của thanh niên, sinh viên Việt Nam; về những chính sách và giải pháp để giáo dục thế hệ trẻ tiếp tục phát huy giá trị và truyền thống của sinh viên Việt Nam trong thời kỳ mới.
Phát biểu đề dẫn hội thảo, TS. Ninh Xuân Thao, Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội chia sẻ: Năm 1964, trong bối cảnh mới của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đoàn Trường Đại học Sư phạm (ĐHSP) Hà Nội đã phát động phong trào “Tam bất kỳ”, là khởi nguồn của phong trào “Ba sẵn sàng” – cuộc vận động yêu nước rộng lớn và sôi nổi nhất của thanh niên, sinh viên Việt Nam trong thế kỷ XX.
Ba nội dung cơ bản của phong trào “Tam bất kì”, sau đổi gọi là “Ba bất kì”, gồm:
- Bất kì đi đến nơi nào mà Tổ quốc cần;
- Bất kì làm nhiệm vụ gì mà Đảng và nhân dân yêu cầu;
- Bất kì chế độ hưởng thụ nào cũng chấp nhận.
Trước hành động leo thang chiến tranh của Mỹ sau khi dựng lên “Sự kiện vịnh Bắc Bộ”, dưới sự chỉ đạo của Trung ương Đoàn và từ thực tiễn hoạt động của các cơ sở Đoàn trên địa bàn Thủ đô, đặc biệt là phong trào “Ba bất kì” tại Trường ĐHSP Hà Nội, tối ngày 7/8/1964, Ban Thường vụ Thành Đoàn Hà Nội họp phiên bất thường, quyết định phát động phong trào “Ba sẵn sàng” với nội dung:
- Sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu dũng cảm;
- Sẵn sàng gia nhập các lực lượng vũ trang;
- Sẵn sàng đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì mà Tổ quốc cần.
Tiếp nối tinh thần của phong trào “Ba sẵn sàng”, gắn liền với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong những năm sau đó, nhiều phong trào, hoạt động sôi nổi của sinh viên Việt Nam đã hình thành và phát triển, nổi bật là phong trào thanh niên tình nguyện, góp phần tạo nên những truyền thống tốt đẹp của thanh niên, sinh viên Việt Nam.
Thắp sáng ngọn lửa “Ba sẵn sàng”, các thế hệ cán bộ, giảng viên, sinh viên Trường ĐHSP Hà Nội đã có nhiều phong trào, hoạt động thiết thực để phục vụ cộng đồng, đóng góp sức trẻ vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mỗi năm, Đoàn Trường ĐHSP Hà Nội đã thu hút hàng nghìn lượt sinh viên tham gia vào các hoạt động tình nguyện. Sinh viên tình nguyện được tạo cơ hội đi thực tế tại các địa phương, hòa mình vào hoạt động của cộng đồng xã hội, vừa có cơ hội cống hiến sức mình cho quê hương, đất nước, vừa có điều kiện để nâng cao kinh nghiệm công tác xã hội, giúp ích cho bản thân trong quá trình công tác sau này.
Có thể kể đến các hoạt động tình nguyện tiêu biểu như: Hoạt động tuyên truyền lịch sử, văn hóa Thủ đô; trí thức trẻ tình nguyện tham gia xây dựng nông thôn mới; chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật nông nghiệp; chăm sóc thương bệnh binh; bồi dưỡng và chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại các trung tâm bảo trợ xã hội, dạy học tình nguyện cho trẻ em Làng trẻ SOS – BIRLA; vận động hiến máu nhân đạo…
Bên cạnh đó, nhiều đội hình tình nguyện của sinh viên được duy trì hoạt động thường xuyên trong năm như Đội vì môi trường, Đội giao thông xanh; Đội phổ cập tin học, ngoại ngữ cho sinh viên… Các đội hình này hoạt động theo mô hình tình nguyện tại chỗ, liên tục đồng hành hiệu quả cùng sinh viên trong học tập, rèn luyện, phát triển bản thân. Các phong trào, hoạt động tình nguyện của thanh niên, sinh viên Trường ĐHSP Hà Nội là sự kế tục xứng đáng với tinh thần “Ba sẵn sàng” của thế hệ đi trước, đồng thời góp phần thiết thực xây dựng Trường ĐHSP Hà Nội “Chuẩn mực – Sáng tạo – Tiên phong” trong giai đoạn hiện nay.
Tại Hội thảo, các đại biểu, nhà khoa học, đoàn viên, thanh niên tập trung thảo luận các nội dung chính sau:
- Những vấn đề lịch sử của phong trào “Ba sẵn sàng” và các phong trào xung kích, tình nguyện của sinh viên Việt Nam (hoạt động tham gia bảo vệ miền Bắc, chống chiến tranh phá hoại trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước; phong trào Gác bút nghiên lên đường đánh Mỹ; hoạt động tham gia cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc; phong trào thanh niên tình nguyện, chiến dịch thanh niên tình nguyện hè…).
- Sức sống và sự lan tỏa của phong trào Ba sẵn sàng trong hoạt động học tập, nghiên cứu và công tác của sinh viên.
- Những chính sách, giải pháp để phát huy truyền thống và giá trị của sinh viên Việt Nam trong thời kỳ mới.
Các báo cáo, tham luận mà các đại biểu trình bày tại Hội thảo đề cập đến các nội dung: Tinh thần “Ba sẵn sàng” trong những lá thư thời chiến; Tác động của phong trào “Ba sẵn sang” đến hoạt động yêu nước của thanh niên miền Bắc trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước: Tiếp cận qua tư liệu báo chí; Giá trị của phong trào “Ba sẵn sàng” và “Thanh niên tình nguyện” với việc giáo dục truyền thống và xây dựng bản sắc cho sinh viên Trường ĐHSP Hà Nội hiện nay; Nâng cao năng lực số cho thanh niên: Khơi dậy tinh thần “Ba sẵn sàng” trong bối cảnh nền kinh tế số, kinh tế tri thức; Phát triển đội ngũ đảng viên trẻ từ chiến dịch Tình nguyện Mùa hè xanh – Kinh nghiệm của Đoàn trường ĐHSP Thành phố Hồ Chí Minh.
Phong trào “Ba sẵn sàng” có ý nghĩa lịch sử quan trọng, thể hiện lòng yêu nước, ý chí kiên cường và tinh thần xung kích, tình nguyện của thanh niên Việt Nam. Hiện nay, việc tìm hiểu những vấn đề lịch sử của phong trào “Ba sẵn sàng” vẫn có giá trị thực tiễn đối với công tác Đoàn và phong trào thanh niên Việt Nam, nhất là trong bối cảnh môi trường thông tin ngày càng trở nên đa dạng và phức tạp, việc định hướng hành trang lập thân, lập nghiệp cho thanh niên, sinh viên là một nhiệm vụ quan trọng trong công tác Đoàn và phong trào thanh niên. Quá trình định hướng này nhằm giúp mỗi thanh niên, sinh viên chuẩn bị và sẵn sàng những yếu tố cơ bản nhất như: chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ, kỹ năng sống, tâm thế… Đó cũng chính là sự phát huy tinh thần “Ba sẵn sàng” trong thời đại mới.
Những chia sẻ, trao đổi, bàn luận về các nghiên cứu trong chủ đề Hội thảo này đã góp phần mang lại hồi ức về những năm tháng hào hùng của lịch sử từ phong trào “Ba sẵn sàng” đến “Thanh niên tình nguyện” và sự tiếp nối, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của thanh niên Việt Nam trong thời đại mới.
Có thể nói, Hội thảo không chỉ lan tỏa tinh thần khoa học mà còn truyền tải những thông điệp ý nghĩa, những giá trị của lịch sử đối với những người tham dự, đặc biệt là lớp thanh niên, sinh viên, thế hệ trẻ hôm nay.
Thảo Lan
Từ khóa:
Từ Ba sẵn sàng
sự tiếp nối truyền thống
-
Ngày phở của Đoàn thanh niên Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội với đối tượng yếu thế tại Bắc Giang
23-11-2024 12:13 38
-
Gặp gỡ nhóm người treo cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam trên đỉnh nhà thờ Đức Bà ở Paris năm 1969
19-11-2024 14:09 02
-
Chương trình “Hồ Chí Minh - Hành trình khát vọng 2024”: Tôn vinh các điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
16-11-2024 12:05 10
-
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Giáo dục truyền thống cho các thế hệ hiện tại và tương lai về ngành
07-11-2024 10:41 00
-
Khơi dậy lý tưởng cách mạng của lực lượng cán bộ trẻ hướng tới phát triển tổ chức Đảng vững mạnh
25-10-2024 10:04 18
-
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội: Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật
05-11-2024 14:56 51