Xã hội
Xây dựng và nhân rộng mô hình Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau ở Thanh Hoá
05:22 PM 15/11/2021
(LĐXH) Theo báo cáo, hiện nay Thanh Hóa là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về xây dựng và nhân rộng mô hình Câu lạc bộ (CLB) Liên thế hệ tự giúp nhau. CLB hoạt động với tinh thần người đi trước làm điểm tựa cho thế hệ đi sau, người giàu giúp đỡ người nghèo, tương trợ lẫn nhau nhằm cải thiện cuộc sống.
Trong những năm qua, công tác chăm sóc NCT trên địa bàn tỉnh luôn được các cấp, các ngành, chính quyền địa phương, Hội Người cao tuổi  (NCT) các cấp và toàn xã hội quan tâm, tạo động lực mạnh mẽ để NCT sống vui, sống khỏe, sống có ích, trong đó việc xây dựng và nhân rộng mô hình Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau thực sự mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và tăng thu nhập cho những NCT thiệt thòi trên địa bàn tỉnh.
Bà Nguyễn Thị Thoa ở làng Tào Trụ, phường Tào Xuyên (TP Thanh Hóa) trước đây là một trong những hộ có hoàn cảnh khó khăn, vừa thiếu vốn sản xuất, vừa không có việc làm ổn định. Sau khi tham gia CLB liên thế hệ tự giúp lnhau àng Tào Trụ, bà được vay 5 triệu đồng, cùng với số vốn tiết kiệm của gia đình, bà Thoa đã mua một đàn gà và ngan để phát triển chăn nuôi. Sau 4 tháng, bà bán ngan, gà cho lợi nhuận 4 triệu đồng. Nhận thấy hiệu quả từ mô hình, bà Thoa mở rộng phát triển chăn nuôi kết hợp trồng cây ăn quả, sản xuất gạch, đến nay, thu nhập của gia đình bà đạt gần 100 triệu đồng/năm.
Người cao tuổi CLB Liên thế hệ tự giúp nhau tỉnh Thanh Hoá tập dưỡng sinh
Là thành viên CLB liên thế hệ tự giúp nhau thôn Chu, thị trấn Cành Nàng (Bá Thước) bà Hà Thị Hồng cho biết: “Được vay 4 triệu đồng, tôi mua 4 con lợn thịt, sau 2 tháng tôi đã xuất lứa đầu được số tiền là 8 triệu đồng. Sau đó, cứ tầm 2 tháng tôi xuất bán 1 lứa lợn, nhờ vậy, thu nhập cải thiện đáng kể. Tôi nhận thấy cái hay nhất khi tham gia CLB là tại đây, NCT được gặp gỡ, chia sẻ tình cảm và giúp đỡ, động viên nhau trong cuộc sống, được hướng dẫn các kiến thức về chăm sóc, giữ gìn sức khỏe, tăng tình đoàn kết giữa bà con lối xóm”.
CLB liên thế hệ tự giúp nhau là một tổ chức xã hội tự nguyện tại cộng đồng, tập hợp nhiều đối tượng, nhiều lứa tuổi, trong đó phần lớn là NCT, người nghèo, người cận nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. CLB hoạt động với tinh thần người đi trước làm điểm tựa cho thế hệ đi sau, người giàu giúp đỡ người nghèo, tương trợ lẫn nhau nhằm cải thiện cuộc sống. Các thành viên được tham gia các lớp tập huấn, phổ biến kiến thức khoa học - kỹ thuật tiên tiến về chăn nuôi, trồng trọt, giới thiệu các ngành nghề phù hợp với sức khỏe của NCT, qua đó, giúp họ thay đổi nhận thức về phát triển kinh tế, chọn ngành nghề phù hợp với sức khỏe NCT.
Tính đến trung tuần tháng 11-2021, Hội NCT các cấp tỉnh Thanh Hoá đã thành lập được 884 CLB Liên thế hệ tự giúp nhau, thu hút trên 48.000 thành viên tham gia sinh hoạt. Có 9 huyện, thành phố đã phủ kín CLB LTHTGN. Tổng nguồn vốn của các CLB đang quản lý gần 69 tỷ đồng. Có trên 21.000 hội viên nghèo, cận nghèo, khó khăn được các CLB hỗ trợ vốn vay để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, ổn định đời sống.
Theo đánh giá của Hội NCT tỉnh Thanh Hoá, các CLB Liên thế hệ tự giúp nhau hoạt động bảo đảm số lượng, cơ cấu hội viên, tình nguyện viên, ban chủ nhiệm theo quy định; duy trì tốt chế độ sinh hoạt định kỳ 1 lần/tháng và bám sát được quy trình nội dung quy định, có tính thiết thực, hình thức phong phú, có sức lan tỏa, hấp dẫn và đã trở thành nhu cầu không thể thiếu của các thành viên. Hoạt động của các CLB được phát huy khá toàn diện trên 8 mảng nội dung, mang lại hiệu quả thiết thực trong chăm sóc và phát huy vai trò NCT. Hầu hết các CLB đều có 2-3 bài tập dưỡng sinh trở lên, như: Thức vũ kinh, thái cực quyền, khỏe vì nước, được tập thường xuyên với trên 90% thành viên tham gia, ít nhất là 5 lần/tuần, nhiều CLB tổ chức luyện tập hàng ngày.
CLB liên thế hệ tự giúp nhau thôn Thanh Trung, xã Thanh Kỳ, huyện Như Thanh, Thanh Hoá trong buỗi lễ ra mắt
Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao phát triển mạnh trong các CLB với nhiều tác phẩm do chính các thành viên sáng tác; 100% CLB đều có đội, tổ văn nghệ, đội bóng chuyền hơi. Điều đáng quan tâm là tại các CLB Liên thế hệ tự giúp nhau, các hoạt động tình nghĩa, giúp đỡ hội viên, NCT, các đối tượng khó khăn trong cộng đồng được phát huy. Mỗi CLB đều có tổ tình nguyện viên chăm sóc tại nhà và tổ tình nguyện viên hỗ trợ nguồn lực, phát triển kinh tế (3 đến 5 người/tổ) với tổng số tình nguyện viên là 3.345 người.
Trong những năm qua đã có 5.372 người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bất hạnh trong cộng đồng trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá được các tình nguyện viên chăm sóc tại nhà, giúp đỡ các công việc gia đình, nội trợ, làm đồng, chăm sóc sức khỏe, động viên tinh thần, tình cảm... Điển hình là chị Nguyễn Thị Huê, 60 tuổi, tổ trưởng tổ tình nguyện viên của CLB Liên thế hệ tự giúp nhau Phúc Thôn, xã Định Long (Yên Định) nhận chăm sóc cho 2 đối tượng sống độc thân là bà Lưu Thị Bang, 82 tuổi và bà Trịnh Thị Miên, 85 tuổi; chị Phạm Thị Trang, tình nguyện viên của CLB Liên thế hệ tự giúp nhau Xuân Thọ, xã Yên Thọ (Như Thanh) nhận chăm sóc thường xuyên cho bà Hoàng Thị Thuội bị mù lòa; chị Lê Thị Dung, tình nguyện viên của CLB Liên thế hệ tự giúp nhau thôn Mỹ Hạ, xã Bắc Lương (Thọ Xuân) thường xuyên chăm sóc cho bà Lê Thị Liên, 65 tuổi, cô đơn, tàn tật và bà Lê Thị Sinh, 90 tuổi viêm khớp, không đi lại được...
Ông Nguyễn Văn Minh, Phó Chủ tịch Hội NCT tỉnh Thanh Hoá khẳng định: Các CLB Liên thế hệ tự giúp nhau đều phát huy tốt vai trò tích cực trong chăm sóc và phát huy vai trò NCT, đem lại nhiều lợi ích cho NCT và cộng đồng. Ở đâu có CLB Liên thế hệ tự giúp nhau thì ở đó NCT được chăm sóc tốt hơn, đời sống vật chất, tinh thần, sức khỏe được nâng lên, có nhiều đóng góp tích cực cho các phong trào quần chúng, các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường đoàn kết cộng đồng, ổn định chính trị, đóng góp xây dựng Đảng, chính quyền ở địa phương, cơ sở. Đây là mô hình mang tính nhân văn sâu sắc, được các cấp ủy, chính quyền đánh giá cao./.
Khánh Linh
 
Từ khóa: