12 phương pháp xây dựng thói quen đọc sách cho con
(LĐXH)Xuất phát từ những giá trị, lợi ích thiết thực của việc đọc và hướng tới Ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10), ngày 18/10 tại Hà Nội, gần 1.000 phụ nữ đã có cơ hội được giao lưu, trò chuyện về văn hóa đọc và phương pháp nuôi dạy con.
Tại sự kiện, bà Kim Thoa – CEO Tân Việt Books – đã có những chia sẻ xoay quanh phương pháp hình thành cho con thói quen đọc sách nói riêng và văn hóa đọc trong gia đình nói chung.
Bên cạnh những chia sẻ truyền cảm hứng về sự cần thiết và giá trị của việc đọc sách từ nhỏ, phương pháp xây dựng thói quen đọc sách cho con, bà Kim Thoa đưa ra gợi ý cách lựa chọn một số chủ đề sách phù hợp với từng lứa tuổi.
Có thể thấy, khi tìm kiếm trên Google cụm từ “văn hóa đọc”, sẽ có 186.000.000 kết quả hiện lên chỉ trong vòng 0,40 giây. Điều này cho thấy tại Việt Nam, văn hóa đọc cũng là một phạm trù đang được người dân quan tâm.
Tuy nhiên, theo thống kê của Cục xuất bản, In và Phát hành năm 2020, toàn ngành chỉ có gần 400 triệu bản in. Nếu chia ra đầu người, tỷ lệ đọc ở Việt Nam chỉ đạt trên 1 cuốn/người/năm (chưa bao gồm sách giáo khoa và sách giáo dục tham khảo).
Nhiều người luôn nói về sự cần thiết của việc đọc sách. Nhưng trước hết, chúng ta cần hiểu đọc sách giúp ích gì cho con người, đặc biệt là đối với sự phát triển của một con người, một đứa trẻ?
“Phát triển kỹ năng, tư duy, ngôn ngữ, ứng xử, khả năng sáng tạo…” là hàng loạt cụm từ bà Kim Thoa đề ra khi nói về vai trò của việc đọc sách. Đây cũng là mục đích mà sự kiện hướng tới: Mong muốn mang đến cho các bà mẹ nhận thức về tầm quan trọng của việc đọc sách và cách hình thành thói quen đọc sách cho con.
“Người dân Việt Nam không đọc sách thì chẳng khác nào ngủ quên trên con chữ. Những câu chuyện về các bậc vĩ nhân thành tài nhờ đọc sách, bài học, triết lý từ thế hệ đi trước để lại hay những câu chuyện nhân văn trong mỗi trang sách sẽ gieo vào tâm trí người đọc ước mơ, khát khao và bản lĩnh, sự sáng tạo. Vì thế, rèn cho con thói quen đọc sách từ khi còn nhỏ cũng chính là trao tặng cho trẻ khối tài sản lớn trong tương lai”, bà Kim Thoa chia sẻ.
Với mỗi độ tuổi, đọc sách sẽ giúp phát triển những kĩ năng, hiểu biết khác nhau. Chẳng hạn, đối với trẻ em, nên đọc càng sớm càng tốt. Cha mẹ có thể đọc cho con nghe ngay từ khi bé còn trong bào thai.
Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng trong 5 giác quan, thính giác của con người sẽ phát triển đầu tiên. Do đó, ngay trong bào thai, trẻ đã có thể nghe được âm thanh. Khi sinh con ra, cha mẹ vẫn nên tiếp tục đọc sách cho con nghe, để đến khi trẻ tự biết đọc, chúng sẽ tiếp diễn thói quen và coi đọc sách là niềm yêu thích.
Thực tế đã cho thấy nhiều tấm gương nhờ giáo dục sớm mà thành tài. Vì thế, trẻ em càng đọc sớm thì khả năng ghi nhớ sẽ càng tốt. Hơn nữa, việc đọc còn giúp khai mở bán cầu não phải, đánh thức tiềm năng của trẻ.
Chia sẻ bên lề sự kiện, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền - Phó Chủ tịch Thường trực Công đoàn Trụ sở Agribank - chia sẻ: “Phụ nữ hiện đại rất bận rộn với công việc nên muốn được lắng nghe những chia sẻ về phương pháp nuôi dạy con, cụ thể là văn hóa đọc, bởi hiện nay trẻ con đọc sách rất ít, chủ yếu các em dành nhiều thời gian cho các thiết bị công nghệ điện tử”.
Đọc sách là sự nghiệp suốt đời, không phân biệt già trẻ, giàu nghèo. Phụ nữ, ngoài mục đích tìm hiểu tri thức, hoàn thiện bản thân, thì việc đọc còn giúp trang bị những kỹ năng nuôi dạy con phù hợp với thời đại.
Theo bà Kim Thoa, phụ nữ là nhóm đối tượng góp phần quan trọng vào việc hình thành nhân cách, trí tuệ cho trẻ, bởi mẹ là người có tiếp xúc thường xuyên và gần gũi với các con nhất.
Người đứng đầu Tân Việt Books cũng cho rằng rèn cho con thói quen đọc sách chính là xây dựng cho con lâu đài trí tuệ từ những viên gạch nền móng đầu tiên. Hơn hết, đọc sách còn là cách học chủ động và tiết kiệm nhất.
Đặc biệt, bà Kim Thoa chỉ ra 12 phương pháp xây dựng thói quen đọc sách cho con: Hiểu giá trị của sách; cho con tiếp xúc với sách hàng ngày; trang bị tủ sách trong nhà; tạo không gian đọc sách xinh xắn trong nhà (có thể là một chiếc ghế, một bức tranh và các khung ảnh bên kệ sách); đưa con tới thư viện, nhà sách để tạo cảm hứng vào mỗi cuối tuần; đọc cho con cuốn sách hay để lấy động lực; cố định khung thời gian đọc mỗi ngày; tạo thói quen đọc; xây dựng văn hóa gia đình qua trang sách; mở sổ nhật ký sách đã đọc; tương tác với con khi đọc và tạo hứng thú đọc sách cho con./.
Mỹ Hạnh
Từ khóa:
-
Chặng “nước rút” của TikTok Awards Việt Nam 2024: Câu chuyện nào sẽ được xướng tên vào ngày 23/11 sắp tới
22-11-2024 18:20 50
-
Bảo tồn và phát huy giá trị các di tích quận Tây Hồ
22-11-2024 18:20 30
-
Triển lãm "Sáng đạo trong đời" với những tác phẩm mang tinh thần Phật giáo
22-11-2024 11:00 04
-
NSƯT Hồng Liên, Hồ Quỳnh Hương lan toả tinh thần Phật giáo tại đêm nhạc “Sáng Đạo Trong Đời”
17-11-2024 22:24 57
-
Chính thức khai mạc Liên hoan Sáng tạo & Thiết kế Việt Nam 2024 tại Hà Nội
17-11-2024 20:02 08
-
Tuần lễ chiếu phim hoạt hình Việt - Pháp miễn phí
16-11-2024 19:33 40