Văn hóa - Thể thao
Năm 2024: Làng nhạc Việt ồn ào nhất 'cú xoạc chân' của Thanh Lam
01:09 PM 23/12/2024
(LĐXH) - Trước Thanh Lam, nhiều nghệ sĩ làm mới những ca khúc nổi tiếng của làng nhạc Việt nhưng không ai bị “ném đá” dữ dội đến vậy.

Năm 2024, làng nhạc Việt ghi dấu một bước chuyển mình rực rỡ với sự thành công vang dội của hai chương trình truyền hình thực tế Anh Trai Say Hi và Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai. Cả hai show không chỉ thu hút sự chú ý mạnh mẽ từ công chúng mà còn nhận được lời khen ngợi từ Thủ tướng Chính phủ, đề nghị nhân rộng mô hình này nhờ những ảnh hưởng tích cực đối với đời sống xã hội và kinh tế.

Tuy nhiên, bên cạnh những khởi sắc, làng nhạc Việt vẫn không tránh khỏi những tranh cãi đáng chú ý. Điển hình là Denis Đặng tiếp tục bị cáo buộc đạo nhái ý tưởng trong MV, Đàm Vĩnh Hưng nhận án phạt vì trang phục phản cảm có mang huy hiệu lạ, hay Rapper Negav gây bức xúc với phát ngôn thiếu chuẩn mực trong một buổi biểu diễn.

Cuối năm, chương trình âm nhạc thực tế Our Songs - Bài Hát Của Chúng Ta cũng khép lại 2024 với không ít tranh cãi. Game show này quy tụ nhiều nghệ sĩ nổi tiếng như Quang Linh, Thanh Lam, Thanh Hà và Thu Minh, hợp tác cùng các ca sĩ trẻ để làm mới những tác phẩm kinh điển. Dù một số màn trình diễn nhận được sự ủng hộ nồng nhiệt từ khán giả, chương trình vẫn vấp phải ý kiến trái chiều về chất lượng và cách xử lý sáng tạo.

Xu hướng “làm mới” các ca khúc cũ trong làng nhạc Việt

Những năm gần đây, các gameshow ca nhạc nở rộ, đem lại sự sôi động cho làng giải trí Việt nói chung và lĩnh vực âm nhạc nói riêng. Theo dòng chảy chung của sự phát triển, không ít nghệ sĩ, ca sĩ thử sức với những ca khúc bất hủ bằng cách “làm mới” thông qua các bản phối khí và cách thể hiện mới mẻ, hiện đại hơn.

Dự án See Sing Share của ca sĩ Hà Anh Tuấn nhận được sự ủng hộ và yêu thích từ khán thính giả.

Series này được duy trì đến nay đã được 4 mùa.

Việc “làm mới” các ca khúc đình đám một thời giúp bản thân ca khúc đó trở nên mới mẻ hơn, dễ dàng tiếp cận với khán giả đương đại.

Có thể kể đến không ít trường hợp thành công khi “làm mới” lại các ca khúc từng rất nổi tiếng như Hà Anh Tuấn với dự án See Sing Share, Lệ Quyên và Đàm Vĩnh Hưng với những bản nhạc vàng được thể hiện theo phong cách mới.

Hay mới đây nhất, trong công diễn 1 của chương trình Anh trai vượt ngàn chông gai, đội Duy Khánh đã gây ấn tượng mạnh mẽ khi thể hiện tiết mục Áo mùa đông và Trở về.

Có thể thấy, hiện tại, việc tiếp nhận những ca khúc được “làm mới” không còn là điều khó khăn với khán giả.

Thế nhưng khi NSND Thanh Lam tham gia tập 12 chương trình Our song Việt Nam và thể hiện ca khúc Áo mới Cà Mau, chị lại nhận về không ít chỉ trích gay gắt từ công chúng.

Trong phần trình diễn này, Thanh Lam diện bộ áo bà ba vải ren màu xanh lá với điểm nhấn là những bông hoa lụa màu sắc sặc sỡ. Nữ nghệ sĩ cột tóc hai bên, nhiệt tình thể hiện vũ đạo sôi động. Ở cao trào của phần trình diễn, Thanh Lam còn tự tin xoạc chân, cùng các vũ công nam thực hiện động tác bê vác lên cao.

Phần thể hiện của nữ nghệ sĩ nhanh chóng nhận về ý kiến trái chiều từ khán giả. Bên cạnh những lời khen ngợi vì bản phối sôi động, dễ thương, sự mới mẻ được thể hiện từ chính phong cách của Thanh Lam cho tới ca khúc thì không ít người cho rằng nữ nghệ sĩ đã “phá nát” ca khúc Áo mới Cà Mau.

Những người chỉ trích Thanh Lam cho rằng chị đã sai ở rất nhiều điểm: Chất giọng miền Nam không “chuẩn”, phong cách thời trang thiếu tinh tế (bộ đồ bà ba lòe loẹt, rườm rà lại kết hợp cùng đôi boot), những màn vũ đạo quá mạnh mẽ cộng thêm động tác xoạc chân và bê vác của Thanh Lam với các vũ công nam làm mất đi nét duyên của phụ nữ miền Tây…

Vì sao Thanh Lam bị “ném đá”?

Từ phản ứng của khán giả, có thể thấy phiên bản Áo mới Cà Mau mà Thanh Lam thể hiện không đem lại cảm xúc tích cực cho phần đông công chúng. Nữ nghệ sĩ đã làm mất đi nét đẹp cốt lõi của ca khúc kinh điển Áo mới Cà Mau: Nét dịu dàng, trong trẻo và giản dị.


NSND Thanh Lam trong phần trình diễn "Áo mới Cà Mau" tại Our Songs.

Đáp lại những ý kiến cho rằng mình “phá nát” ca khúc Áo mới Cà Mau, NSND Thanh Lam khẳng định: “Đây là tiết mục khi hát, tôi rất cảm động. Tôi thấy mình như một người con của Cà Mau. Trong tiết mục đó, mọi thứ rất nhộn nhịp, liên tục, duyên dáng, dí dỏm và hư cấu. Còn về động tác tôi xoạc chân trên không trung tạo cảm giác nhân vật được bay trong ngày hội. Đó là sự hư cấu rất đáng yêu của đạo diễn và sự dàn dựng của chương trình, sáng tạo của biên đạo”.

Chị nhấn mạnh: “Là nghệ sĩ, chúng tôi mong muốn được đóng góp, sáng tạo, đổi mới nhưng vẫn tôn vinh những giá trị cũ. Nếu bài hát Áo mới Cà Mau trong chương trình này vẫn hát như mọi khi thì đâu gọi là sự kết nối giữa gen X, Y với gen Z.

Chúng tôi muốn mang đến một tiết mục đáng yêu, yêu đời, yêu cuộc sống, một năng lượng sáng tạo tích cực, kết nối giữa các thế hệ. Tôi rất yêu ca khúc này và đã hát với tình yêu quê hương, đất nước. Tôi thấy rất hãnh diện khi được đổi mới, hết mình và thả hồn trong không gian đó”.

Chia sẻ của Thanh Lam không khiến những người “ném đá” chị đồng cảm, trái lại càng làm bùng lên xu hướng chỉ trích. Không ít người nhận định Thanh Lam đã “phớt lờ” cảm xúc của khán giả, chỉ muốn thể hiện cá tính, cảm tính qua mỗi phần trình diễn.

Trên thực tế, để làm mới một ca khúc đã “bám rễ” trong lòng khán giả, người nghệ sĩ không chỉ cần thể hiện được nét mới mẻ mà còn cần tạo ra được sự liên kết giữa phiên bản mới và phiên bản truyền thống, khơi dậy được những cảm xúc tích cực, tươi mới từ người nghe, kích thích họ tìm hiểu thêm về ca khúc.

Còn nhớ, năm 2019 khi ca sĩ Bùi Lan Hương thể hiện ca khúc Mưa hồng của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn theo phong cách mới và có những ca từ được tự sửa đổi, cô cũng gây ra cuộc tranh cãi gay gắt trong khán giả và giới chuyên môn, nhiều người cho rằng nữ ca sĩ đã “giết chết” ca khúc này.

Sự việc khiến Bùi Lan Hương phải giải thích rằng “đó chỉ là một bản phái sinh cover làm theo kiểu cafe bạn hát tôi nghe, mang tính chất thể nghiệm và sáng tạo. Không mang tính chất thương mại, không có tính chất truyền thông tên tuổi trong đó”.

Ca sĩ Bùi Lan Hương. Ảnh: Vietcom

Trước sự việc, nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn cho rằng Bùi Lan Hương thất bại khi “làm mới” Mưa hồng là vì: “Cái hồn và sự tinh tế trong giai điệu ca từ của bản nhạc gốc lẫn tinh thần Trịnh Công Sơn đã hoàn toàn biến mất. Việc các bạn trẻ tự ý sửa đổi ca từ trong bài hát Mưa hồng cũng đã cho thấy rõ thái độ thiếu tôn trọng đối với tác giả”.

Hà Anh Tuấn từng chia sẻ, để thành công khi “làm mới” bất cứ ca khúc nào, người nghệ sĩ cần “có tâm” và “biết điều”: "Muốn cover một ca khúc thành công, trước nhất, bản thân bạn phải thật sự yêu thích bài đó, không thể nói rằng tôi hát vì khán giả yêu bài đó.

Thứ hai, nếu như không nghĩ ra cách hát hay cách hòa âm phối khí nào độc đáo hơn, thì hãy hát mộc. Vì hát mộc là cách thể hiện sự "biết điều" với các tác phẩm đã nổi tiếng. Khi đó, khán giả cũng sẽ yêu quý hơn, bởi cách họ đón nhận giống như một lời thủ thỉ từ một người bạn cũ quay trở lại với mình".

Như vậy, việc “làm mới” mỗi ca khúc có thể trở thành con dao hai lưỡi đối với danh tiếng, uy tín của mỗi nghệ sĩ, ca sĩ. Để thành công trong các tiết mục “làm mới”, mỗi nghệ sĩ, ca sĩ cần lưu ý giữ gìn, phát huy được giá trị cốt lõi của tác phẩm và đem đến nét mới, sự phá cách hoặc cá tính của mình vào tác phẩm một cách khéo léo.

Ngoài ra, dù “làm mới” các ca khúc cũ hay tung ra các sản phẩm âm nhạc mới, điều mà mỗi nghệ sĩ, ca sĩ cần chú ý chính là cảm xúc của khán giả. Bởi đối tượng phục vụ của họ chính là công chúng và sản phẩm âm nhạc của họ luôn có tác động nhất định đến cảm xúc của khán giả.

Nhà nghiên cứu và phê bình âm nhạc Nguyễn Quang Long.

Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long khẳng định việc một bản nhạc “làm mới” có được khán giả đón nhận hay không còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. "Việc khán giả có yêu thích 1 ca khúc được làm mới hay không, đôi khi là vì người biểu diễn tiết mục đó đẹp trai, xinh gái. Còn có những bản làm mới do quá phá cách, do nghệ sĩ đó chưa được yêu mến thì bản nhạc làm mới sẽ không được đón nhận nhiều hoặc đôi khi còn bị phản ứng trái chiều”.

Ông Nguyễn Quang Long cũng nhận định, yếu tố nghệ thuật trong mỗi bản nhạc “làm mới” cũng rất quan trọng trong việc đánh giá. “Phản hồi của khán giả không hẳn khẳng định chất lượng nghệ thuật của 1 ca khúc được làm mới. Với mỗi sản phẩm âm nhạc, chất lượng nghệ thuật sẽ luôn là thước đo cao nhất.

Gần đây, tôi đặc biệt ấn tượng với bản làm mới ca khúc Trống cơm của chương trình Anh trai vượt ngàn chông gai. Trên thực tế, đó cũng không hẳn là “làm mới” ca khúc mà là sự khai thác chất liệu dân gian trong một sản phẩm âm nhạc giải trí, đây là cách làm rất sáng tạo của Soobin Hoàng Sơn và chương trình.

Trong tiết mục đó có sự sáng tạo mới, có sự khai thác các chất liệu cũ, và hai điều đó được kết hợp rất hài hòa, còn giúp tôn nhau lên khiến sự “làm mới” trở thành điểm nhấn thú vị. Ở tiết mục Trống cơm đó, khán giả có thể nhận ra điểm mới và cả những chất liệu truyền thống được thể hiện rất uyển chuyển."

Thảo Nguyên