Xã hội
56 triệu lượt người đã được hỗ trợ bằng các chính sách an sinh xã hội
09:41 AM 30/09/2022
(LĐXH) - Ngày 29/9/2022, Ủy ban Xã Hội của Quốc hội khóa XV đã thực hiện thẩm tra việc thực hiện các Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 và dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 thuộc lĩnh vực Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH); việc thực hiện Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV đối với lĩnh vực LĐ-TB&XH. Phiên họp, nằm trong Phiên họp toàn thể lần thứ 7 do Ủy ban Xã hội của Quốc hội khóa XV tổ chức từ ngày 28-30/9/2022 tại TP.HCM, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội - Quốc hội Khóa XV Nguyễn Thuý Anh.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, đến thời điểm này, các chính an sách an sinh xã hội đã chi 86 nghìn tỷ đồng hỗ trợ cho 56 triệu lượt người

Tham dự về phía Bộ LĐ-TB&XH có Bộ trưởng Đào Ngọc Dung; Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan và lãnh đạo các cục, vụ thuộc Bộ. Dự còn có đại diện Bộ Y tế; Bộ Tài chính; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ VH-TT&DL; Tổng LĐLĐ Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam…

Tại phiên họp thẩm tra, đại diện Ủy ban Xã hội - Quốc hội khóa XV cho biết, năm 2022, tình hình kinh tế và các lĩnh vực đời sống xã hội vẫn bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, Nghị quyết 32/2021/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2022, Nghị quyết 34/2021/QH15 về Dự toán ngân sách nhà nước năm 2022.

Theo Ủy ban Xã hội, với quyết tâm cao, thời gian qua toàn ngành LĐ-TB&XH đã nỗ lực rất lớn, sáng tạo để hoàn thành tốt nhiều nhiệm vụ. Đặc biệt là việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 được triển khai thời gian qua đem lại hiệu quả lớn, thiết thực.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội - Quốc hội Khóa XV Nguyễn Thuý Anh chủ trì Phiên họp 

Báo cáo trước Ủy ban Xã hội, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, đến thời điểm này tất cả các nhiệm vụ, chỉ tiêu công tác lĩnh vực lao động, người có công và xã hội 9 tháng năm 2022 của Bộ LĐ-TB&XH được triển khai tương đối toàn diện. Những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ, ngành đã được Bộ trưởng, tập thể Bộ tham mưu kịp thời cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhiều mục tiêu đạt được bằng sự nỗ lực từ tinh thần và ý chí, không chỉ do có nguồn lực đầu tư.

Bộ trưởng cho biết, đến thời điểm này thị trường lao động đã ổn định, cơ bản lực lượng lao động đáp ứng yêu cầu, không để đứt gãy chuỗi cung ứng lao động. Đây là thành công rất lớn; tỷ lệ thất nghiệp được kiểm soát. Các khu vực phát triển công nghiệp, thu hút vốn FDI trọng điểm như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai… cơ bản phát triển ổn định, chỉ có một vài nơi thiếu lao động cục bộ.  “Với tôi, trong 7 năm làm Bộ trưởng có lẽ đây là giai đoạn khó khăn nhất. Nhiệm kỳ trước tôi dành thời gian để chỉ đạo giải quyết những vấn đề mang tính chất lịch sử về hồ sơ vướng mắc người có công với cách mạng. Từ hơn 7000 hồ sơ tồn đọng, vô cùng nan giải, khó khăn đã được tháo gỡ. Hơn 2.400 hồ sơ đã được công nhận là liệt sĩ, 2.700 công nhận là thương binh; đến thời điểm này không hề có đơn thư, tố cáo nào về các hồ sơ được giải quyết. Trong các hồ sơ, có những người hy sinh hơn 90 năm (năm 1931) vừa rồi đã được công nhận liệt sĩ sau hơn nửa thế kỷ chờ đợi” - Bộ trưởng chia sẻ.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội - Quốc hội Khóa XV Nguyễn Thuý Anh phát biểu tại Phiên họp

Sang nhiệm kỳ này, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH tập trung cho việc phát triển thị trường lao động, đào tạo nghề chất lượng cao, nhưng thực tế hơn 2 năm vừa qua cũng chỉ tập trung cho công tác hỗ trợ an sinh xã hội và phục hồi kinh tế-xã hội sau dịch Covid-19. “Bằng giờ này năm 2021, tôi cùng Thủ tướng Chính phủ vào TP.HCM chỉ thấy sự hoang vắng, chỉ có tiếng còi ủ của xe cứu thương và tiếng loa kêu, không thể hình dung sau một năm, thành phố đã hồi sinh nhanh và đông vui như thế này. Năm 2021, chúng ta lo an sinh cho 11 triệu người dân thành phố để phòng, chống dịch Covid-19 “Ai ở đâu, ở yên đó”. Chính phủ họp cả đêm để bàn việc khi phong tỏa, TP.HCM sẽ như thế nào? Lo cho người dân sinh hoạt, nhu yếu phẩm ra sao? … toàn những quyết định rất khó khăn”- Bộ trưởng nói.

Báo cáo Thường Ủy ban Xã hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, đến giờ này đã chi 86 nghìn tỷ đồng và 56 triệu lượt người đã được hỗ trợ bằng các chính sách an sinh xã hội. Có thể khẳng định, chưa bao giờ chúng ta phải lo an sinh số lượng người dân lớn đến như vậy, các Nghị quyết số 68, Nghị quyết 116 gần đây là Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động… cũng đã triển khai rất thành công. “Tôi xin nói thêm, đầu tiên khi nghiên cứu, tham mưu ban hành chính sách chúng ta dự kiến là 6.600 tỷ đồng, cho 3,4 triệu lượt người được hỗ trợ. Đến nay, đã có 5,4 triệu lượt người lao động đã nhận được tiền hỗ trợ nhà ở, tính đến ngày 28/9/2022 đã thực chi 3.600 tỷ đồng; ước tính khi kết thúc Quyết định số 08 sẽ khoảng 3.800 tỷ đồng. Nguyên do có sai lệch so với tính toán ban đầu do các địa phương báo số lượng lớn lao động không có quan hệ lao động, số lượng lao động về quê quay lại TP.HCM và tỉnh Bình Dương, Đồng Nai cũng khác” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ.

Các đại biểu tham gia ý kiến tại phiên họp

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, năm 2021, Chính phủ và Bộ LĐ-TB&XH rất lo thị trường lao động bị xáo trộn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tuy vậy, đến nay thị trường lao động đã tương đối ổn định, không bị đứt gãy nguồn cung ứng lao động, lao động cơ bản đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Các doanh nghiệp hiện có lượng lao động dồi dào, giữ được tỷ lệ thất nghiệp dưới mức 4%, một nỗ lực rất lớn trong bối cảnh khó khăn, lạm phát đang diễn biến toàn cầu. Bên cạnh đó, hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, năm 2022 đã dần hồi phục trở lại. Từ đầu năm đến nay chúng ta đã đưa được trên 90 ngàn lao động đi làm việc ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan,… “Đặc biệt, nước bạn Nhật Bản đã hợp tác tích cực tháo gỡ khó khăn trong chuyến công tác của tôi tới Nhật Bản vừa qua. Tới đây, việc đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài sẽ theo hai hướng có chọn lọc (lao động các huyện nghèo và lao động có trình độ kỹ năng nghề cao để trở về phục vụ phát triển kinh tế đất nước)….” - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Các đại biểu tham gia ý kiến tại phiên họp

Chia sẻ về công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, trong đó có ma túy, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho rằng, đây là trách nhiệm không phải của riêng ngành LĐ-TB&XH mà còn nhiều ngành, trong đó có Bộ Công an. “Hiện nay, các đối tượng sử dụng ma tuý tổng hợp hướng thần không có khả năng điều chỉnh hành vi bản thân. Quan điểm của chúng tôi, không vì trong sạch địa bàn mà đưa tất cả các đối tượng nghiện ma tuý vào cơ sở cai nghiện, mà cần phải sàng lọc, phân loại trường hợp nào bắt buộc đi cai nghiện, trường hợp nào để lại cộng đồng.

“Hiện nay cơ sở vật chất cai nghiện nhiều nơi đều xuống cấp, cán bộ quản lý tại cơ sở cai nghiện cũng rất khó khăn, trong khi chúng ta không có nguồn lực, không còn chương trình mục tiêu (bảo trợ xã hội, giáo dục nghề nghiệp, phòng chống tệ nạn xã hội), dù vẫn nói là lồng ghép nguồn lực”- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, đồng thời đề nghị Uỷ ban Xã hội xem xét, ủng hộ nguồn kinh phí, cần dành vài trăm tỷ đồng để tháo gỡ khó khăn cho cơ sở cai nghiện ma tuý.

Kết luận phiên họp ngày 29/9/2022, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội - Quốc hội khóa XV Nguyễn Thúy Anh đồng tình với những ý kiến giải đáp của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH; đồng thời, đánh giá cao Bộ LĐ-TB&XH trong công tác xây dựng, tham mưu các chính sách an sinh xã hội, kịp thời hỗ trợ người dân trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cũng đề nghị Bộ LĐ-TB&XH tiếp tục quan tâm thêm về đánh giá hoàn thành các chỉ tiêu cung cầu lao động, xây dựng cơ sở dữ liệu về thị trường lao động, tăng cường đầu tư chuyển đổi sổ trong những lĩnh vực Bộ phụ trách.

Trương Đăng

Từ khóa: