An Giang: Chăm lo đời sống đối tượng bảo trợ xã hội
(LĐXH)- Để góp phần đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống đối tượng bảo trợ xã hội, thời gian qua, tỉnh An Giang đặc biệt quan tâm thực hiện chính sách trợ giúp xã hội cho nhóm đối tượng bảo trợ xã hội.
Các chính sách trợ giúp xã hội được tỉnh thực hiện nghiêm túc, đầy đủ
Bám sát chỉ tiêu, nhiệm vụ của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và UBND tỉnh giao, năm 2022, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch về tổ chức thăm, tặng quà, chúc thọ, mừng thọ người cao tuổi thọ 100 tuổi trên địa bàn tỉnh An Giang năm 2022; Kế hoạch về triển khai thực hiện Chương trình trợ giúp người khuyết tật năm 2022 trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch về việc triển khai thực hiện Chương trình trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng năm 2022 trên địa bàn tỉnh An Giang... Bên cạnh đó, Sở còn chủ động phối hợp với các sở, ngành, UBND cấp huyện triển khai, thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến cán bộ, công chức, viên chức của ngành và đến toàn thể nhân dân; Triển khai Nghị định số 20/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội; Luật Người khuyết tật; Luật Người cao tuổi và các văn bản hướng dẫn dưới Luật… đến cán bộ làm công tác bảo trợ xã hội và ASXH ở cấp xã, phường, thị trấn; Phối hợp với Sở Y tế (Trung tâm Giám định y khoa tỉnh) tổ chức khám giám định xác định dạng tật và mức độ khuyết tật cho người khuyết tật.
Ngoài ra, Sở có văn bản đề nghị UBND cấp huyện triển khai thực hiện tốt công tác tuyên truyền, tích cực vận động toàn dân tham gia chương trình đảm bảo ASXH; công khai các thủ tục hành chính về lĩnh vực bảo trợ xã hội; kịp thời cập nhật đối tượng bảo trợ xã hội tăng, giảm trong năm; tổ chức chi trả trợ cấp xã hội cho đối tượng thụ hưởng kịp thời và đúng quy định.
Thực hiện chính sách trợ giúp xã hội theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP, tỉnh An Giang tiếp tục thực hiện việc chi trả trợ cấp bảo trợ xã hội cho đối tượng BTXH sống tại cộng đồng thông qua đơn vị cung cấp dịch vụ - Bưu điện. Mức chuẩn trợ giúp xã hội đang thực hiện tại địa phương áp dụng theo mức chuẩn của Trung ương là 360.000 đồng/tháng. Trong 6 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh thực hiện chính sách trợ giúp xã hội cho trên 91.284 đối tượng bảo trợ xã hội, kinh phí trên 263 tỷ đồng. Trong đó có 90.869 đối tượng hưởng trợ cấp xã hội thường xuyên tại cộng đồng, bao gồm: trẻ em dưới 16 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng; người từ 16 đến 22 đang học phổ thông, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học; người bị nhiễm HIV thuộc hộ nghèo; người cao tuổi, người khuyết tật; người nhận kinh phí chăm sóc đối tượng bảo trợ xã hội và hỗ trợ hỗ trợ chi phí mai táng cho đối tượng bảo trợ xã hội chết. Công tác cấp thẻ bảo hiểm y tế cho nhóm đối tượng bảo trợ xã hội đạt 100%.
Tặng quà cho người khuyết tật trên địa bàn tỉnh
Thực hiện công tác trợ giúp xã hội khẩn cấp, trên địa bàn tỉnh thường xuyên xảy ra mưa, dông, lốc xoáy, sạt lở đất, hỏa hoạn gây thiệt hại về tài sản và tính mạng của người dân. Công tác trợ giúp xã hội khẩn cấp được tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện, tính đến cuối tháng 6/2022 toàn tỉnh đã trợ giúp xã hội khẩn cấp cho 307 hộ gia đình gia đình bị thiệt hại do thiên tai, hỏa hoạn, mưa giông, sạt lở đất, kinh phí trên 2.134 tỷ đồng.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 04 cơ sở trợ giúp xã hội cộng lập có chức năng chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội (Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh An Giang; Trung tâm Bảo trợ xã hội thành phố Châu Đốc; Trung tâm Giáo dục Trẻ mồ côi và Người già cô đơn thành phố Long Xuyên và Trung tâm nuôi dưỡng người già và trẻ mồ côi Châu Đốc). Các trung tâm này đã tiếp nhận và nuôi dưỡng trên 415 đối tượng là trẻ em dưới 16 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng, người cao tuổi cô đơn không nơi nương tựa, người khuyết tật đặc biệt nặng, kinh phí trên 3,2 tỷ đồng.
Thực hiện chính sách đối với người cao tuổi, tỉnh An Giang có khoảng 234.784 người cao tuổi từ đủ 60 tuổi trở lên, chiếm 12,51% trên tổng dân số toàn tỉnh. Trong đó nhóm tuổi từ 80 tuổi trở lên 34.592 người, chiếm 14,73% tổng số người cao tuổi; nhóm đủ 90 tuổi là 5.105 người, chiếm 2,17 tổng số người cao tuổi. Tỉnh thực hiện trợ cấp thường xuyên tại cộng đồng cho trên 49.196 người cao tuổi, kinh phí trên 127 tỷ đồng; tổ chức chúc thọ cho 34.215 lượt người cao tuổi, kinh phí trên 17 tỷ đồng. Hoạt động chăm sóc đời sống tinh thần cho người cao tuổi được các cấp quan tâm triển khai thực hiện. Tính đến cuối tháng 6 năm 2022, có 416 câu lạc bộ văn hóa, thể dục, thể thao với 7.740 người cao tuổi tham gia; 27 Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau có 1.430 người cao tuổi tham gia sinh hoạt.
Đối với chính sách người khuyết tật, tỉnh thực hiện trợ cấp thường xuyên cho 44.296 người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng đang hưởng trợ cấp xã hội (khuyết tật đặc biệt nặng là 9.254 người, khuyết tật nặng 35.042 người), kinh phí thực hiện 145 tỷ đồng; hỗ trợ 40 chiếc xe lăn, xe lắc cho người khuyết tật; hỗ trợ kinh phí cho 04 lượt người mắc bệnh tâm thần, rối nhiễu tâm trí thuộc hộ gia đình khó khăn, nghèo đi điều trị duy trì phục hồi chức năng tại các bệnh viện tâm thần ngoài tỉnh.
Theo đánh giá của Sở Lao động - TBXH tỉnh An Giang, công tác trợ giúp xã hội thời gian qua đã nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành đoàn thể. Công tác quản lý Nhà nước về thực hiện chính sách ASXH tiếp tục được tăng cường, nhất là công tác kiểm tra, giám sát, tập huấn nâng cao trình độ năng lực cán bộ ở cấp xã; công tác xét chọn đối tượng chặt chẽ hơn, đảm bảo dân chủ công bằng phát huy khá tốt sự tham gia của cộng đồng dân cư và bản thân đối tượng, bước đầu áp dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý đối tượng thụ hưởng ngày càng chặt chẽ hơn. Việc thực hiện chi trả chính sách trợ giúp xã hội cho nhóm đối tượng bảo trợ xã hôi thông qua đơn vị cung cấp dịch vụ bưu điện đã đảm bảo tất cả đối tượng thuộc diện bảo trợ xã hội được nhận trợ cấp đầy đủ, kịp thời, đúng quy trình theo quy định; đồng thời đảm bảo tính minh bạch trong công tác quản lý và chi trả chính sách trợ cấp xã hội. Việc huy động các nguồn lực xã hội hóa cho công tác bảo trợ xã hội được đẩy mạnh; các tổ chức cá nhân đã có nhiều đóng góp cho các hoạt động an sinh xã hội, đặc biệt trong các dịp lễ, Tết...
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc như: Một số địa phương còn thiếu sự quan tâm chỉ đạo việc thực hiện chính sách trợ giúp xã hội cho các đối tượng bảo trợ xã hội trong khâu tổ chức kiểm tra, giám sát, việc chi trả trợ cấp; rà soát đối tượng; tuyên truyền vận động, hướng dẫn đối tượng, hộ gia đình hoàn thiện thủ tục, hồ sơ để hưởng trợ cấp theo quy định... nên việc giải quyết chính sách còn chậm. Đội ngũ cán bộ làm công tác Lao động -Thương binh và Xã hội ở cấp huyện và cơ sở thường xuyên thay đổi biến động (do luân chuyển, điều động cán bộ) nên việc cập nhật kiến thức thiếu tính liên tục, việc nghiên cứu, giải quyết chính sách cho các đối tượng đôi khi còn hạn chế.
Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, vận động xã hội với sự tham gia tích cực của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể, đối tượng bảo trợ xã hội, gia đình và cộng đồng, tạo sự quan tâm nhiều hơn của toàn xã hội đến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về lĩnh vực an sinh xã hội; Triển khai đến các địa phương trong tỉnh nắm chắc diễn biến thiên tai, hạn hán để chủ động tham mưu, đề xuất trợ giúp đột xuất trong những tháng giáp hạt; Tham mưu, đề xuất và triển khai thực hiện việc trợ cấp Tết Nguyên đán cho nhóm đối tượng bảo trợ xã hội; Tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh; Thực hiện hiệu quả các chương trình, kế hoạch, dự án, đề án: Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án nhân rộng mô hình Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau năm 2022; Kế hoạch thực hiện Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai năm 2022 trên địa bàn tỉnh An Giang; Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng năm 2022 trên địa bàn tỉnh.../.
Hồng Phượng
Từ khóa:
-
Thái Nguyên: Chú trọng quản lý các công trình ghi công liệt sĩ
15-11-2024 18:15 50
-
Quận Cầu Giấy: Phát động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2024
15-11-2024 17:18 24
-
Huyện Phú Lương phát huy truyền thống Uống nước nhớ nguồn
02-11-2024 16:33 08
-
Hơn 250 đại biểu dự Hội nghị quốc gia về thực hiện Đề án 161 do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh
14-11-2024 15:18 23
-
Thanh Trì: Tập huấn Bình đẳng giới trong tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội
14-11-2024 15:17 59
-
Hà Nội: Lan toả tinh thần “Chấm dứt bạo lực, vun đắp yêu thương”
14-11-2024 14:13 55