Xã hội
An Giang; Đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo
08:42 AM 23/08/2023
Ngày 22/8, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh An Giang Châu Văn Ly (Ủy viên Thường trực Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tỉnh An Giang) chủ trì cuộc họp đánh giá kết quả thực hiện và tiến độ giải ngân vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trong 8 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ, giải pháp các tháng cuối năm 2023.
Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh An Giang Châu Văn Ly kết luận cuộc họp
Theo đánh giá, việc thực hiện các dự án, tiểu dự án thuộc chương trình được triển khai đúng quy định, phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội địa phương và do các hộ dân (cộng đồng) đề xuất trên cơ sở khả năng, nhu cầu và điều kiện thực tế của các hộ tham gia. 

Chương trình được thiết kế cân đối, phù hợp, cơ bản đảm bảo hỗ trợ cho các đối tượng; việc bố trí nguồn lực thực hiện đầy đủ, đáp ứng nhu cầu của địa phương; phân cấp, quản lý cho địa phương trong thực hiện Chương trình góp phần thực hiện hiệu quả và đạt mục tiêu đề ra.

Đầu tư của Nhà nước cho Chương trình ngày càng tăng và huy động được nhiều nguồn lực để chăm lo cho các đối tượng khó khăn trong cuộc sống, đặc biệt là huyện nghèo từ nguồn kinh phí hỗ trợ của trung ương và nguồn ngân sách tỉnh.

Tỉnh ban hành nhiều văn bản đẩy nhanh triển khai chương trình; phấn đấu giải ngân 95% kế hoạch vốn giao và xác định là nhiệm vụ trọng tâm thực hiện. Đối với nguồn vốn đầu tư phát triển, đã giải ngân hơn 72,3 tỷ đồng, tỷ lệ 33,3% kế hoạch vốn. Về nguồn vốn sự nghiệp, đã giải ngân hơn 25,2 tỷ đồng, đạt 14,5%... Nguyên nhân do một số dự án, tiểu dự án chưa giải ngân nguồn vốn thực hiện; còn nhiều khó khăn trong việc lựa chọn, xây dựng và phê duyệt dự án theo quy định mới…
Các tháng cuối năm, tỉnh An Giang tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình, phấn đấu giải ngân trên 95% số vốn được giao trong năm 2023 (gồm nguồn vốn năm 2022 chuyển sang). Tăng cường theo dõi, giám sát, đánh giá chương trình để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đảm bảo tiến độ thực hiện. Các sở, ngành, cơ quan, đơn vị và địa phương tích cực chủ động hơn nữa trong thực hiện chương trình, nhất là trong triển khai các dự án; chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về kết quả giải ngân vốn thực hiện chương trình, nếu để chậm tiến độ…
Năm 2024, tỉnh phấn đấu thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống; hỗ trợ huyện nghèo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn. Mục tiêu cụ thể là: Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm 1-1,2%; Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm từ 3-4%/năm; Tỷ lệ hộ nghèo ởhuyện nghèo giảm 2%/năm.
Đối với huyện nghèo An Lão, tiếp tục được hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội liên kết vùng, phục vụ dân sinh, sản xuất, thương mại, lưu thông hàng hóa và cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản. Hỗ trợ xây dựng, nhân rộng mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo sinh kế, việc làm, thu nhập bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người dân sinh sống trên địa bàn huyện nghèo. Hỗ trợ người có khả năng lao động, có nhu cầu thuộc hộ nghèo, hộ dân trên địa bàn huyện nghèo được hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất nông, lâm, ngư, nghiệp nhằm đổi mới phương thức, kỹ thuật sản xuất, bảo đảm an ninh lương thực, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng, tăng thu nhập. Phấn đấu hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo có ít nhất một thành viên trong độ tuổi lao động có việc làm bền vững.   100% cán bộ làm công tác giảm nghèo được bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng cơ bản về quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình, chính sách, dự án giảm nghèo; lập kế hoạch có sự tham gia, xây dựng kế hoạch phát triển cộng đồng và nghiệp vụ giảm nghèo./.
 Thu Hương
Từ khóa: