Xã hội
An Giang: Thực hiện công tác giảm nghèo gắn với tiêu chí xây dựng nông thôn mới
04:39 PM 30/10/2017
Giảm nghèo là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, là một trong những mục tiêu hàng đầu trong quá trình chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế -xã hội.
Trong những năm gần đây, tỉnh An Giang đã nỗ lực triển khai thực hiện công tác giảm nghèo với nhiều nội dung và hình thức khác nhau, đặc biệt, công tác giảm nghèo được triển khai gắn với công cuộc xây dựng nông thôn mới đã góp phần đáng kể trong giảm tỷ lệ hộ nghèo, cải thiện đời sống người dân, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc.
Lễ bàn giao nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo

Tỉnh đã triển khai đầy đủ các chính sách giảm nghèo cho nhân dân trên địa bàn, nhất là vùng sâu, vùng xa, trong đó có thể kể đến một số chương trình như: Chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định 33/2015/QĐ-TTg ngày 10/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ (Chương trình 167), Chương trình hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã đặc biệt khó khăn (Chương trình 135), Chương trình hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn, Chương trình vay vốn ưu đãi đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo... Bên cạnh đó, tỉnh đã ban hành chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển sản xuất nông lâm nghiệp, ngoài ra còn có sự ủng hộ, đóng góp kinh phí của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân… 

Cùng với triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, công tác giảm nghèo đã huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn. Nhận thức trong nhân dân, người nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục có chuyển biến mạnh dẫn đến chuyển đổi hành vi để tự vươn lên thoát nghèo và phấn đấu vươn lên làm giàu. Nhiều dự án, chính sách giảm nghèo được thực hiện đồng bộ và phù hợp đã có tác động hỗ trợ mạnh mẽ giúp nhiều hộ nghèo nhanh chóng thoát nghèo.
Qua kết quả rà soát hộ nghèo và cận nghèo đến cuối năm 2016, hộ nghèo còn 36.726 hộ, chiếm tỷ lệ 6,75%, giảm 9.065 hộ, tỷ lệ 1,7% đạt vượt chỉ tiêu năm. Hộ cận nghèo có 32.845 hộ, chiếm tỷ lệ 6,04%. Huyện có tỷ lệ giảm nghèo cao nhất là huyện Tịnh Biên, Tri Tôn (giảm lần lượt 3,46%, 3,26%), huyện có tỷ lệ giảm nghèo thấp nhất là thành phố Châu Đốc (giảm 0,65%).
Tổng nguồn vốn đầu tư để thực hiện công tác giảm nghèo trong năm 2016,  là: 417,9 tỷ đồng, trong đó: Nguồn vốn Trung ương 149,4 tỷ đồng (mua BHYT người nghèo, cận nghèo, các chính sách hỗ trợ hộ nghèo,…); nguồn vốn từ ngân sách địa phương: 36,5 tỷ đồng (mua BHYT cận nghèo, hỗ trợ nhà ở, cứu trợ đột xuất, Chương trình MTQG giảm nghèo,…) và vốn cho vay từ Ngân hàng chính sách xã hội là 232 tỷ đồng (cho vay tín dụng hộ nghèo, cho vay làm nhà ở, hỗ trợ tiền điện,…)
Đặc biệt, cuộc vận động “Quỹ vì người nghèo”, xây dựng nhà Đại đoàn kết được các cấp ủy Đảng và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh An Giang đặc biệt quan tâm, chỉ đạo sát sao. Mặt trận Tổ quốc tỉnh với vai trò nòng cốt đã chủ động phối hợp với các tổ chức thành viên tuyên truyền, vận động nhân dân và các tổ chức doanh nghiệp, các nhà hảo tâm hưởng ứng tham gia. 
Hiện nay, tỉnh An Giang đang tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, giúp thay đổi tư duy trong sản xuất. Đồng thời chú trọng việc chuyển giao khoa học kỹ thuật, xem xét, khảo sát điều kiện thực tế của từng địa phương để triển khai các dự án đầu tư hiệu quả trong công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh./.
Vũ Hùng
Từ khóa: