Xã hội
Hà Nội: Tiểu thương thức trắng đêm, cây Tết vẫn ế ẩm
02:53 PM 21/01/2025
(LĐXHH) - Những ngày cận Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, không khí Tết ngập tràn khắp các tuyến phố Hà Nội với những chậu đào, quất được tiểu thương bày bán dọc hai bên đường.
Tại các điểm bán cây cảnh, nhiều tiểu thương dựng lều tạm để nghỉ ngơi, trông coi hàng hóa. Vào ban đêm, thay vì nghỉ ngơi, họ thức trắng túc trực, bảo vệ tài sản.
Chị Khắc Mai, một tiểu thương bán cây trên đường Lạc Long Quân (Quận Tây Hồ, TP Hà Nội), cho biết: "Tôi bắt đầu ra đây bán cây từ ngày 5 tháng Chạp âm lịch, nhưng đến ngày 18 vẫn chưa bán hết cây. Khách mua ít hơn mọi năm, chắc phải bán đến tận 29 Tết mới xong".
Chị Mai cho biết thêm vợ chồng chị thay phiên thức đêm để trông coi và bảo vệ cây đào thất thốn – loài hoa quý tiến vua xưa. Giá đào này dao động từ vài trăm nghìn đến hàng chục triệu đồng tùy vào chất lượng. Sau cơn bão Yagi tháng 9/2024, nhiều vườn đào thiệt hại, khiến đào khan hiếm, nhưng giá vẫn ổn định dù lượng bán giảm.
Anh Đạt, một tiểu thương đến từ Mộc Châu, đã gắn bó với nghề bán đào phai nhiều năm. Năm nay, anh mang đến hơn 200 gốc đào để phục vụ dịp Tết. Cùng với ba người anh em, anh thay phiên nhau thức đêm, không dám ngủ vì sợ mất cây.
Theo anh Đạt, anh phải dùng xích khóa cẩn thận từng gốc đào, nhưng vẫn sợ bị trộm mất cây. Năm ngoái, trộm đã lấy đi một gốc đào đắt tiền của anh.
Từ ngày 14 tháng Chạp, anh Đạt đã túc trực suốt bốn ngày, nhưng chỉ bán được vài cây. Cây đào phai của anh có giá từ 7 triệu đến 8 triệu đồng/ cây. Anh Đạt nói: ”Khách đến rồi lại đi, không ai dừng lại lâu. Tôi mong rằng trong những ngày tới, khách sẽ tìm đến nhiều hơn, để có thể bán hết số đào phai”.
Đồng quan điểm với chị Mai và anh Đạt, Anh Bền (51 tuổi, tỉnh Yên Bái), cho biết: "Năm nay khách hàng giảm khoảng 30% so với năm ngoái, công việc càng thêm khó khăn. Trời lạnh buốt, tôi phải dựng lều, mặc áo khoác dày khi đi ngủ, chỉ mong bán hết cây".
Theo anh Bền, những cây đào rừng anh bán có giá dao động từ 20 triệu đến 100 triệu đồng mỗi cây, tùy thuộc vào kích thước và chất lượng. Việc bán cây như một canh bạc. "Nhìn vậy thì tưởng có lợi nhuận lớn, nhưng chi phí vận chuyển từ Yên Bái lên Hà Nội đã tốn đến 3 triệu đồng mỗi chuyến, chưa kể các chi phí xe cộ khác" - anh nói.
Với những cây to, mỗi chuyến xe chỉ chở được hai cây, trong khi anh có hơn 300 gốc cần vận chuyển. Phải tính toán kỹ lưỡng, nếu không bán hết, anh sẽ không đủ tiền trả chi phí vận chuyển và các chi phí phát sinh khác.
Không chỉ tiểu thương, những người thuê trông cây cũng tận dụng mùa Tết để kiếm thêm thu nhập. Ông Cường (63 tuổi), sống tại Lạc Long Quân nói: "Tôi giúp bà con trong phố trông cây hộ họ. Nhiều chủ cây là phụ nữ, không thể thức đêm, nên tôi thay họ túc trực".
Theo ông Cường, ban ngày ông làm thợ hàn, tối đến ông lại thức khuya, thay phiên trông cây cảnh khỏi trộm cắp và hư hại.
Các tiểu thương nhận định năm nay, do kinh tế khó khăn, người dân thắt chặt chi tiêu. “Khách thường thuê cành lớn thay vì mua cây để tiết kiệm, trong khi cành nhỏ được ưa chuộng hơn. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chờ sát Tết để mua sắm, vừa tìm giá hợp lý, vừa tránh lo ngại cây bị ảnh hưởng bởi thời tiết thất thường”, ông Cường nói.
Tùng  Đoàn, Phương  Hồng