Xã hội
Tất cả vì sự an toàn của trẻ em
10:14 AM 14/06/2021
LĐXH – Trong khuôn khổ Tháng Hành động Vì trẻ em năm 2021, Cục Trẻ em - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) và Mạng lưới Quản trị Quyền Trẻ em (CRG) thực hiện tọa đàm trực tuyến “Nghỉ hè vui và an toàn cho mọi trẻ em” với sự hỗ trợ của Tổ chức Cứu trợ Trẻ em quốc tế (Save the Children).

Theo số liệu của các cơ quan quản lý Nhà nước, trung bình mỗi năm Việt Nam có tới khoảng 4.000 trẻ em bị tử vong do các nguyên nhân tai nạn, thương tích khác nhau, trong đó đuối nước và tai nạn giao thông là các nguyên nhân tử vong hàng đầu. Nhờ có những giải pháp can thiệp khá đồng bộ, số trẻ em tử vong do đuối nước giai đoạn 2016 - 2020 đã giảm so với giai đoạn 2010 - 2015; tỷ lệ trẻ em tử vong do đuối nước giảm trung bình từ 3-4%/năm, tương đương với tổng số khoảng 500 trẻ em được cứu sống mỗi năm. Tuy nhiên, trung bình mỗi năm ở Việt Nam vẫn còn khoảng hơn 2.000 trẻ em bị tử vong do đuối nước. Tỷ suất tử vong do đuối nước ở Việt Nam vẫn cao hơn tỷ suất tử vong do đuối nước của khu vực Tây Thái Bình Dương cao gấp 10 lần các nước có thu nhập cao.

Trong gần 2 năm qua, bệnh dịch với những diễn biến phức tạp trên thế giới gây ra nhiều hoang mang, lo lắng. Việc chăm sóc con cái trong mùa dịch trở thành vấn đề lâu dài, các bậc cha mẹ đều đang có nỗi lo chung là làm sao để chăm sóc, quản lý, giáo dục con, bảo đảm cho trẻ có một mùa hè an toàn, bổ ích, đặc biệt là lo lắng vấn đề tai nạn thương tích vì dù chỉ mới bắt đầu vào hè nhưng những ngày gần đây, liên tiếp những vụ việc trẻ tử vong thương tâm do đuối nước đã được báo cáo.

Các diễn giả tham gia tọa đàm

Bên cạnh nỗi lo lắng về dịch bệnh, Vì vậy, trong khuôn khổ Tháng Hành động Vì trẻ em năm 2021 với chủ đề “Chung tay bảo đảm thực hiện quyền trẻ em – Bảo vệ trẻ em trong thiên tai, dịch bệnh”, Cục Trẻ em và Viện MSD đã phối hợp thực hiện toạ đàm trực tuyến “Nghỉ hè vui và an toàn cho mọi trẻ em”. Toạ đàm được phát sóng vào lúc 15 giờ ngày 13/06/2021 trên các Fanpage: MSD Vietnam, Tổng đài Quốc gia Bảo vệ Trẻ em và Lan toả yêu thương, nhằm chia sẻ cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ các kiến thức để phòng tránh tai nạn thương tích cũng như ứng phó kịp thời, đúng cách với các tình huống không may có thể xảy ra, hạn chế tối đa các sự việc và hậu quả đáng tiếc.

Tại tọa đàm, Cục trưởng Cục trẻ em Đặng Hoa Nam chia sẻ về 4 vấn đề quan trọng trong bảo vệ trẻ em: nhận thức chính xác về tầm quan trọng của việc bảo vệ sinh mạng trẻ em và tìm kiếm giải pháp; tạo môi trường vật chất an toàn cho trẻ, bảo đảm môi trường trong gia đình và cộng đồng được an toàn; trẻ em và cha, mẹ, các thành viên gia đình cần học các kỹ năng về an toàn để bảo vệ chính trẻ em và bảo vệ con cháu; các chế tài cần được thúc đẩy để bảo vệ trẻ em trong gia đình và cộng đồng.

Cục trưởng Cục trẻ em Đặng Hoa Nam

Các diễn giả đã chia sẻ về hiện trạng, nguyên nhân của trẻ bị tai nạn thương tích tại gia đình và tại cộng đồng. Các ý kiến đều cho rằng tai nạn thương tích xảy ra đa số xung quanh nhà và trong khuôn viên nhà, nhiều nhất là vấn đề đuối nước khi trẻ tiếp xúc với các dụng cụ đựng nước như chum, vại, hay bị trượt ngã trong nhà vệ sinh… Bên cạnh đó, các em bé có thể chọc que vào ổ điện, tiếp xúc với chất tẩy rửa, uống nhầm các loại thuốc của người lớn không phù hợp với trẻ,… Trong gia đình mình, chúng ta thường chủ quan đây là môi trường an toàn nhưng thực tế lại tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ.

Chính vì thế, theo ông Nguyễn Trọng An, nguyên Phó Cục trưởng Cục trẻ em, người đã dành nhiều tâm huyết cho các hoạt động bảo vệ, chăm sóc trẻ em, vai trò của gia đình trong bảo vệ trẻ em, xây dựng mô hình Ngôi nhà an toàn là vô cùng quan trọng. Theo ông An, mô hình ngôi nhà an toàn đảm bảo cung cấp cho cha mẹ kiến thức, cách phát hiện những nguy cơ gây ra tai nạn cho trẻ trong nhà như vị trí để phích nước như thế nào, tủ thuốc phải cất ở nơi không trong tầm với của trẻ, dao nhọn phải cất cao, không được đựng hoá chất trong các chai lọ như nước khoáng, nước ngọt… Cha mẹ phải nhận thức được trong nhà mình đang tiềm ẩn những nguy hiểm gì. Mô hình cũng khuyến cáo rằng những trẻ em dưới 3 tuổi phải có cũi. Việc này có thể giúp cứu hàng triệu trẻ em thoát chết.

Bà Nguyễn Hải Anh, Quản lý dự án Viện MSD chia sẻ: “Có một câu ngạn ngữ là "Cần cả một ngôi làng để nuôi dưỡng một đứa trẻ" – điều đó có nghĩa là việc bảo đảm an toàn cho trẻ không chỉ là trách nhiệm của cha mẹ, người chăm sóc mà còn là trách nhiệm của cả cộng đồng. Chính vì vậy, nếu thấy trẻ rơi vào những tình huống có nguy cơ bị tai nạn thương tích thì mỗi người đều cần nhắc nhở, cảnh báo để bảo vệ an toàn cho trẻ. Như khi đi ra đường mà chúng ta thấy bố mẹ nào đèo con mà không đội mũ bảo hiểm cho con, không có đai đeo an toàn, cho trẻ nhỏ ngồi chơi vơi ở phía trước,… thì chúng ta cũng cần lên tiếng nhắc nhở. Mỗi phụ huynh cần làm gương cho con trong việc chấp hành các quy định an toàn giao thông và trang bị cho con những đồ bảo hộ an toàn để tạo thành thói quen tốt cho trẻ.”

Ở phần hai của chương trình, các diễn giả chia sẻ sâu hơn về cách phòng tránh tai nạn đuối nước ở trẻ - nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong của trẻ trong mùa hè. Ông Đặng Hoa Nam chia sẻ các giải pháp tổng hợp cho việc bảo vệ trẻ khỏi đuối nước. Đối với gia đình, ông Nam lưu ý các gia đình không thể chỉ coi việc cho trẻ đi học bơi là mấu chốt giải quyết mọi vấn đề liên quan đến đuối nước ở trẻ. “Đối với trẻ, biết bơi chỉ là điều kiện đủ để trẻ tự bảo vệ bản thân. Trẻ cần phải có kỹ năng an toàn trong môi trường nước như khi đang bơi bị chuột rút thì phải làm gì. Nhiều trẻ dù biết bơi, bơi quen ở một số khu vực nhưng vẫn bị đuối nước. Các em chưa được nhắc nhở thường xuyên về những kĩ năng an toàn, nên chưa có phản xạ xử trí khi gặp nguy cơ đuối nước. Ngoài việc giáo dục kỹ năng về chống đuối nước thì kỹ năng cứu đuối và sơ cấp cứu vào thời điểm vàng cho trẻ bị đuối nước nói riêng và tai nạn thương tích nói chung cũng đặc biệt quan trọng. Vì vậy, tôi muốn nhấn mạnh rằng trẻ cần phải được học bơi an toàn và bổ sung đầy đủ kĩ năng an toàn trong môi trường nước”.

Bác sỹ Nguyễn Trọng An chia sẻ nhiều thông tin về chăm sóc trẻ, hạn chế tối đa tai nạn thương tích đối với trẻ 

Theo gợi ý của Bác sỹ Nguyễn Trọng An, trong trường hợp sơ cấp cứu khi bị đuối nước đối với cả người lớn bị đuối nước, không được phép bơi ra bế trẻ lên, trừ trường hợp trẻ ở chỗ nước nông. Nếu ở chỗ nước sâu, cần phải hô hoán để mọi người cùng đến cứu giúp. Cần quan sát xung quanh có vật gì để bám vào không, hoặc dây để kéo vào bờ, hãy ném vật đấy cho người đuối nước để họ bám vào. Nếu bản thân có khả năng cứu đuối tốt thì có thể trực tiếp cứu đứa bé, nhưng nếu không có khả năng cứu đuối, nên hô hoán để tìm sự giúp đỡ từ mọi người. Sau khi cứu em bé, chúng ta phải ngay lập tức thông đường thở của bé. Đây là kĩ năng hồi sức tim phổi cần phải có sự phối hợp chặt chẽ, luyện tập đàng hoàng, thông tin chính xác và thực hành hà hơi thế nào, hô hấp nhân tạo thế nào để phù hợp với trẻ ở từng lứa tuổi.

Đăng Doanh

Từ khóa: