Cụ thể, trong năm 2023, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em trên địa bàn tỉnh, đồng thời ban hành nhiều văn bản đôn đốc, hướng dẫn, phối hợp các sở, ban, ngành, các địa phương triển khai tăng cường các biện pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em như: Kế hoạch số 84/KH-UBND ngày 18/5/2023 triển khai Tháng hành động vì trẻ em năm 2023; Công văn số 8523/UBND-VP ngày 05/07/2023 về tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng chống đuối nước và phòng chống xâm hại trẻ em; Công văn số 1874/UBND-VP ngày 27/12/2023 về thực hiện giải pháp bảo vệ quyền học tập của trẻ em; Công văn đề nghị chấn chỉnh việc thực hiện quy trình can thiệp, hỗ trợ trẻ em bị xâm hại...
Cần đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em Các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương đã triển khai đa dạng các hoạt động truyền thông về phòng chống xâm hại trẻ em cho cán bộ, nhà trường, người dân, trẻ em thu hút trên 800.000 lượt người tham gia như: Lễ phát động Tháng hành động, Diễn đàn trẻ em, thực hiện các sản phẩm truyền thông (băng rôn, pano, sổ tay, bút viết, tờ rơi..), tuyên truyền trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, các trang mạng xã hội, tổ chức các lớp tuyên truyền, hội nghị trực tuyến, hội thi, trang bị kỹ năng về phòng chống xâm hại trẻ em.
Bên cạnh đó, các ngành, đoàn thể duy trì, thực hiện tốt các mô hình phòng ngừa xâm hại trẻ em. Chẳng hạn như, ngành Y tế đã duy trì được 76 điểm cung cấp dịch vụ thân thiện vị thành niên-thanh niên tại các trạm y tế; 37 góc tư vấn thân thiện vị thành niên thanh niên tại các trường học đều cung cấp các hoạt động tư vấn sức khỏe sinh sản, tâm sinh lý cho các đối tượng có nhu cầu; 10 câu lạc bộ về chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên thanh niên đã triển khai, cung cấp các tài liệu truyền thông và thực hiện giám sát các điểm cung cấp dịch vụ y tế thân thiện vị thành niên-thanh niên tại 7 huyện/ thị xã/thành phố; 100% cơ sở y tế thực hiện tiếp nhận khám chữa bệnh, phòng ngừa và hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục. Trung tâm Pháp y tỉnh thực hiện giám định 51 trường hợp trẻ em nghi bị xâm hại.
Hội Liên hiệp phụ nữ duy trì 97 mô hình địa chỉ tin cậy - nhà tạm lánh tại cộng đồng tại 07 huyện, thị, thành phố nhằm ứng phó khẩn cấp và bảo vệ, hỗ trợ các nạn nhân khi bạo lực xảy ra; 113 Tổ tư vấn pháp luật về hôn nhân gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình với 445 thành viên; 31 tổ "kết nối thông tin”, tổ phụ nữ "can thiệp trẻ em bị xâm hại”, 39 nhóm “Cha mẹ có con từ 0 - 16 tuổi” tại các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh với 1.088 thành viên nhằm kịp thời cập nhật chia sẻ, tham gia giải quyết các vấn đề liên quan đến trẻ em và phụ nữ.
Câu lạc bộ bảo vệ trẻ em tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2021-2026 gồm 14 thành viên được duy trì, hoạt động hiệu quả trong tư vấn, trợ giúp trẻ em, thực hiện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của trẻ em; lên tiếng bảo vệ trẻ em trước các vụ việc xâm hại trẻ em, phát huy vai trò của tổ chức Đoàn, Đội trong công tác bảo vệ trẻ em.
Các huyện, thị, thành phố duy trì 30 điểm tư vấn cộng đồng, 186 điểm tư vấn trường học nhằm hỗ trợ tư vấn miễn phí cho trẻ em và phụ huynh tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, bảo hiểm y tế, trợ cấp xã hội hàng tháng, cấp giấy khai sinh, học nghề và việc làm cho trẻ mồ côi, khuyết tật, trẻ em bị xâm hại, bạo lực học đường…
Đặc biệt, trong năm 2023, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức thanh tra, kiểm tra công tác trẻ em, phòng chống xâm hại, lao động trẻ em tại các huyện, thị, thành phố, các doanh nghiệp, các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm nhằm kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, kiến nghị các đơn vị, địa phương khắc phục những tồn tại, đồng thời có những giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, bất cập và xử lý nghiêm các vi phạm trong công tác phòng chống xâm hại trẻ em. Trong năm đã phát hiện và xử lý 1 cơ sở sử dụng 02 trẻ em vào mục đích mại dâm, khiêu dâm.
Công an các địa phương đẩy mạnh công tác nghiệp vụ cơ bản, quản lý địa bàn, quản lý đối tượng, nhất là các đối tượng có tiền án, tiền sự về hành vi xâm hại tình dục trẻ em; đồng thời thường xuyên tổ chức tuần tra những địa điểm có nguy cơ xảy ra tội phạm xâm hại trẻ em để kịp thời phát hiện, ngăn chặn tội phạm; rà soát các đối tượng có biểu hiện vi phạm pháp luật, từ đó có biện pháp vận động, quản lý, giáo dục kịp thời phòng ngừa người chưa thành niên phạm tội. Thời gian qua, người dân đã mạnh dạn tố giác tội phạm xâm hại trẻ em nên số vụ việc trẻ em bị xâm hại được phát hiện và xử lý tăng cao hơn so với năm 2022. Năm 2023 phát hiện 55 vụ/57 trẻ em bị xâm hại, trong đó xâm hại tình dục: 42 vụ/44 trẻ (tăng 8 vụ/10 trẻ so với năm 2022), bỏ rơi: 5 vụ /5 trẻ, bạo lực: 5 vụ /5 trẻ, mua bán trẻ em: 1 vụ/1 trẻ, xâm hại quyền học tập: 2 vụ/2 trẻ.
Trước tình hình xâm hại trẻ em vẫn diễn biến phức tạp, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu hiện tiếp tục chỉ đạo các sở, ban, ngành, Ủy ban Mặt trận TQVN và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên và toàn xã hội lên án mạnh mẽ, kịp thời phát hiện, thông tin, tố giác các hành vi hành hạ, xâm hại trẻ em; sửa đổi Quyết định về quy trình phối hợp hỗ trợ, can thiệp đối với các trường hợp trẻ em bị xâm hại trên địa bàn tỉnh; tăng cường giám sát việc thực thi pháp luật về bảo vệ trẻ em./.
Mỹ Hạnh