Xã hội
Huyện Ba Vì đạt chuẩn nông thôn mới và vinh dự nhận Huân chương Lao động hạng Ba
02:37 PM 02/10/2023
(LĐXH)- Ngày 30/9/2023, huyện Ba Vì tổ chức long trọng Lễ công bố và đón nhận Quyết định công nhận chuẩn nông thôn mới và Huân chương lao động hạng Ba nhân Kỷ niệm 55 năm thành lập...
Báo cáo tại buổi lễ, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng cho biết, sau hơn 10 năm triển khai thực hiện hiện Nghị quyết số 26 ngày 05/8/2008 của BCH T.Ư Đảng khóa 10 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Chương trình quốc gia về xây dựng Nông thôn mới của Chính phủ, sự chỉ đạo của Thành ủy và UBND TP Hà Nội, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân huyện Ba Vì luôn đoàn kết, chung sức đồng lòng, vượt qua mọi khó khăn, nỗ lực phấn đấu để đạt được kết quả toàn diện.
Tuy gặp không ít khó khăn giai đoạn đầu, song với sự đồng lòng và triển khai đồng loạt đến 30 xã và 1 thị trấn, huyện đã đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới, triển khai đồng bộ, bài bản từ huyện tới cơ sở, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân; Tập trung tuyên truyền sâu rộng đến toàn thể cán bộ, Đảng viên và nhân dân, phát động phong trào thi đua, từ đó đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nội lực toàn dân, tạo ra những đột phá trong công tác xây dựng nông thôn mới của huyện Ba Vì.

Huyện Ba Vì nhận Huân chương lao động hạng Ba. (Ảnh Phạm Hùng)

Cụ thể, về công tác quy hoạch của huyện đã phê duyệt đồ án quy hoạch nông thôn mới của 30/30 xã năm 2012. Xây dựng hạ tầng được xác định là động lực, tiền đề để phát triển, trong đó huyện đã bố trí và huy động vốn thực hiện đầu tư với hơn 9.943 tỷ đồng. Đặc biệt, vốn đóng góp từ nhân dân đạt trên 329 tỷ đồng để xây mới, cải tạo nâng cấp hơn 1.000 km đường giao thông, 400 km rãnh thoát nước ở khu dân cư cũng như cải tạo, xây mới 230 km kênh mương; xây dựng mới và cải tạo sửa chữa 110 trường học, 30/30 xã có hội trường; 208/208 thôn có nhà văn hóa thôn; 28 chợ; 30/30 trạm y tế xã...
 Phát triển kinh tế được coi là nhiệm vụ trọng tâm, với lợi thế vị trí và địa hình đẹp, huyện có nhiều địa điểm du lịch sinh thái, tâm linh, nghỉ dưỡng thu hút trên 2,5 triệu lượt khách/năm, đem lại giá trị kinh tế cao, tạo việc làm ổn định cho hơn 2.000 người, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện theo hướng du lịch dịch vụ. Thu nhập bình quân toàn huyện năm 2022 đạt 55,6 triệu đồng/người/năm (tăng 43,1 triệu đồng so với năm 2010).
Ngoài ra, công tác giáo dục cũng được đề cao khi có tỷ lệ 100% giáo viên đạt chuẩn, 86% trường đạt chuẩn quốc gia; tỷ lệ phổ cập trung học phổ thông và tương đương đạt 96%; chất lượng dạy và học được nâng cao năm 2022 xếp thứ 16/30 quận huyện của TP Hà Nội. Công tác văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao có nhiều tiến bộ, toàn huyện có trên 91% hộ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa, 84% thôn làng văn hoá.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến trao chứng nhận đạt chuẩn nông thôn mới cho huyện Ba Vì  (Ảnh Phạm Hùng)

Đặc biệt, huyện đã triển khai phong trào và cuộc thi thôn, ngõ xóm “Sáng, xanh, sạch, đẹp và an toàn” đã tạo cảnh quan môi trường nông thôn khang trang, sạch sẽ và đẹp”, huy động xã hội hóa được trên 90 tỷ đồng; vận động 294 hộ dân hiến đất mở rộng đường giao thông nông thôn với tổng số diện tích 7.974 m2, lắp đặt đạt tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn, thẩm mỹ trên 81.319 đèn chiếu sáng, trồng mới 75.788 cây xanh. 30/30 xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và gần 97% người dân hài lòng với kết quả xây dựng nông thôn mới của huyện.
Với những kết quả đạt được, Chủ tịch Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã tặng thưởng Huân chương lao động hạng Ba cho Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân huyện Ba Vì; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định công nhận huyện Ba Vì đạt chuẩn nông thôn mới. Đây là sự ghi nhận, là nguồn cổ vũ động viên to lớn của Đảng và Nhà nước đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Ba Vì.

Đồng chí Đỗ Mạnh Hưng, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Ba Vì báo cáo tại buổi lễ (Ảnh Phạm Hùng)

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đánh giá: Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Chương trìnhmục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, mặc dù còn nhiều khó khăn do đặc điểm tự nhiên và ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Song dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của T.Ư, TP, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và Nhân dân, huyện Ba Vì đã rất tích cực triển khai thực hiện Chương trình số 02 của Thành ủy (khóa 15, 16) và Chương trình số 04 của Thành ủy (khóa 17) một cách chủ động, sáng tạo, với nhiều giải pháp mang tính đột phá, nhiều mô hình mới và cách làm hay, mang lại những hiệu quả thiết thực.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đề nghị Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân huyện Ba Vì tiếp tục khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế, đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Huyện theo hướng phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch; coi trọng phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sạch, nông nghiệp sinh thái hiệu quả và bền vững, ứng dụng khoa học - công nghệ cao gắn với công nghệ chế biến, bảo quản nông sản, hàng hóa, kết nối với thị trường tiêu thụ sản phẩm, tạo vành đai xanh cho TP Hà Nội. Thực hiện hiệu quả việc ứng dụng công nghệ chuyển đổi số trong phát triển kinh tế và xây dựng Nông thôn mới của huyện. Tiếp tục triển khai thực hiện các chương trình, dự án phát triển sản xuất nông nghiệp, Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP đảm bảo yêu cầu, hiệu quả và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm đồng bộ. Tiếp tục huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho nông nghiệp, nông thôn, từng bước xây dựng: “Kinh tế xanh - nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái - nông thôn hiện đại - nông dân văn minh”.

Đồng chí Dương Cao Thanh, Bí thư Huyện uỷ Ba Vì  phát động phong trào thi đua toàn huyện (Ảnh Phạm Hùng)

Ngoài ra, huyện cần thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về đất đai, trật tự xây dựng và bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng. Rà soát lại các quy hoạch; tích hợp quy hoạch phát triển ngành nông nghiệp, quy hoạch vùng huyện để tiếp tục duy trì và nâng cao hơn nữa chất lượng các tiêu chí xây dựng Nông thôn mới theo hướng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, gắn với phát triển đô thị xanh, nông nghiêp sinh thái và du lịch xanh. Đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của địa phương; đôn đốc đẩy nhanh tiến độ bồi thường, hỗ trợ tái định cư, tiến độ thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn huyện; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các cụm công nghiệp, khu công nghiệp đã được phê duyệt; nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch trên địa bàn. Thực hiện tốt kế hoạch đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa trong giai đoạn 2022 - 2025. Trong đó, chú trọng Quy hoạch, đầu tư và phát triển du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch trải nghiệm như các di tích Đền thờ Tản Viên Sơn Thánh với đền Thượng, đền Trung, đền Hạ và quản lý tốt Vườn Quốc gia Ba Vì... Đồng thời, tiếp tục nâng cao chất lượng các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe Nhân dân; làm tốt công tác giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo ngày càng tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, bảo tồn văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Bên cạnh đó, huyện Ba Vì cần bám sát Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của BCH T.Ư Đảng khóa 13 “về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và Chương trình số 04 của Thành ủy để tiếp tục xây dựng nông thôn mới nâng cao trong giai đoạn tới. Chủ động phối hợp với Sở NN&PTNN; các sở, ngành liên quan để thực hiện các Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Trên cơ sở đó, chỉ đạo các xã đã được công nhận nông thôn mới chú trọng công tác lập kế hoạch xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu với lộ trình rõ ràng, đảm bảohoàn thành mục tiêu chung của huyện giai đoạn 2020-2025 có 13 xã đạt nông thôn mới nâng cao, 3 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu, kết hợp thực hiện các chương trình mục tiêu dành cho khu vực miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số./.
Thảo Lan