Theo đó, hàng năm, ngành Lao động – Thương binh và Xã hội Bắc Giang đã chủ động phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan giải quyết đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách ưu đãi với từng đối tượng chính sách; thường xuyên rà soát, nắm bắt tình hình đời sống người có công; quan tâm đến công tác giáo dục đào tạo, dạy nghề, tạo việc làm cho người có công và con em của họ; giúp đỡ các gia đình chính sách về vật chất cũng như tinh thần, đặc biệt là đối với những người, những gia đình chính sách còn nhiều khó khăn trong cuộc sống… Đến nay, toàn tỉnh không có hộ nghèo, cận nghèo là người có công. 100% hộ người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư nơi cư trú.
Tuy nhiên, trong thực tiễn triển khai công tác người có công ở Bắc Giang vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Cụ thể ở một số nội dung: Việc hỗ trợ di chuyển hài cốt liệt sĩ, người đang hưởng trợ cấp thờ cúng liệt sĩ do tuổi cao, ốm nặng hoặc vì lý do nào đó mà không trực tiếp đi di chuyển hài cốt liệt sĩ nên ủy quyền cho người khác thì theo quy định tại khoản 2 Điều 155 Nghị định số 131/2021/NĐ-CP và Điều 10 Nghị định số 75/2021/NĐ-CP của Chính phủ người được ủy quyền sẽ không được hỗ trợ khi đi di chuyển hài cốt liệt sĩ. Về cơ bản hiện nay trên địa bàn tỉnh Bắc Giang các gia đình liệt sĩ đã được giải quyết chế độ trợ cấp thờ cúng liệt sĩ theo quy định. Tuy nhiên còn một số trường hợp người trong hàng thừa kế theo quy định tại Bộ Luật Dân sự năm 2015 vì nhiều lý do mà chưa thống nhất ủy quyền cho một người đại diện hưởng chế độ thờ cúng liệt sĩ.
Theo Nghị định số 131/2021/NĐ-CP đối tượng đang hưởng chế độ bệnh binh hoặc mất sức lao động (bên Bảo hiểm xã hội), nay đề nghị giải quyết thêm chế độ thương binh; mà chưa có quy định đề nghị hưởng thêm chế độ bệnh binh hoặc mất sức lao động (bên Bảo hiểm xã hội) nên đối tượng rất bức xúc. Chế độ Bảo hiểm y tế đối với thân nhân người có công với cách mạng có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên còn sống thì thân nhân chưa được hưởng tiền tuất hằng tháng nên không có tên trong hồ sơ và người phục vụ đối với người có công có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên thì theo quy định Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành quyết định trợ cấp ưu đãi cho cá nhân là người có công, không quy định ban hành quyết định cá biệt đối với người phục vụ. Do đó các đối tượng này không có tên trong danh sách chi trả hoặc hồ sơ người có công nên không có giấy tờ làm căn cứ tham gia BHYT theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Thông tư số 30/2019/TT-BLĐTBXH ngày 26/12/2019 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Vừa qua, tỉnh Bắc Giang đã giải quyết cơ bản các trường hợp hy sinh trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đã được nhân dân và chính quyền địa phương suy tôn là liệt sĩ nhưng chưa được Thủ tướng Chính phủ cấp Bằng Tổ quốc ghi công (83/154 trường hợp đã giải quyết xong, số còn lại đang trình Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội). Tuy nhiên, vẫn còn một số trường hợp bị mất hết giấy tờ chứng minh về thời gian và địa bàn công tác, đơn vị cũ đã giải thể, sáp nhập, công tác lưu trữ sổ sách giấy tờ liên quan không còn đầy đủ; mặt khác hiện nay chủ yếu là hàng cháu, chắt không nắm được các thông tin liên quan nên chưa có cơ sở để thiết lập hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ hoặc thương binh.
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Bắc Giang đã báo cáo tình hình tổ chức hoạt động và xin ý kiến Cục Người có công (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc tại địa phương.
Tới đây, địa phương sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền các văn bản chính sách về người có công đến các xã, phường và tới người dân nhằm thực hiện tốt công tác giải quyết các chế độ ưu đãi đối với người có công và thân nhân, trong đó tiếp tục chú trọng đến việc giải quyết số đối tượng mới phát sinh theo quy định mới; Các cấp tổ chức triển khai, hướng dẫn tổ chức xét duyệt, giải quyết các chế độ chính sách đối với người có công đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch và đúng quy định; Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc quản lý đối tượng và thực hiện chế độ chính sách ưu đãi người có công ở cấp cơ sở để kịp thời phát hiện, uốn nắn những sai sót trong quá trình thực hiện chính sách người có công.
Cùng với đó, Sở cũng sẽ đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chế độ một cửa liên thông tại trung tâm hành chính công của tỉnh đến phòng Lao động – Thương binh và Xã hội các huyện, thành phố và UBND các xã, phường, thị trấn đảm bảo các thủ tục hành chính được công khai, minh bạch, nhanh gọn, kịp thời phục vụ đối tượng.
Trần Huyền
-
Hà Nội: Tiểu thương thức trắng đêm, cây Tết vẫn ế ẩm
21-01-2025 14:53 58
-
Đi mua cá chép cúng ông Táo tại chợ cá lớn nhất miền Bắc
21-01-2025 14:53 47
-
Cụ bà 124 tuổi thích ăn cơm trộn mỡ lợn, chia sẻ bí quyết sống lâu
21-01-2025 09:12 54
-
Năm 2030 sẽ triển khai tàu khách tốc độ 120 km/h
20-01-2025 11:41 22
-
Nhộn nhịp chợ hoa Quảng An, Hà Nội ngày cận Tết Ất Tỵ 2025
20-01-2025 07:43 42
-
Hội chợ Tết 3 miền Xuân Ất Tỵ: “Đậm tình nguồn cội, Trọn nghĩa yêu thương”
19-01-2025 23:43 35