Xã hội
Bắc Giang: Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới
11:40 AM 30/05/2024
(LĐXH) - Thời gian qua, tỉnh Bắc Giang luôn coi trọng công tác bình đẳng giới, phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới. Với nhiều hoạt động và mô hình phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới được triển khai nhằm đảm bảo mọi phụ nữ và trẻ em gái được sống trong môi trường bình đẳng và an toàn.
Tuyên truyền về bình đẳng giới trong đồng bào dân tộc thiểu số
Thực hiện Chương trình phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, tỉnh mở rộng các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi hành vi và trang bị các kiến thức, kỹ năng cần thiết cho người bị bạo lực, người có nguy cơ bị bạo lực, người gây bạo lực và người có nguy cơ gây bạo lực như: hội thảo, tọa đàm, tập huấn, hội thi kiến thức, kỹ năng, thảo luận nhóm, tư vấn hỗ trợ cá nhân trực tiếp hoặc gián tiếp; Tăng cường truyền thông ở các khu vực còn tồn tại nhiều định kiến giới; các hoạt động tuyên truyền mang tính tương tác cao tại các khu công nghiệp, doanh nghiệp, trường học,... Năm 2023, 100% trường hợp có nhu cầu trợ giúp về bạo lực trên cơ sở giới được trợ giúp bằng các hình thức khác nhau. Ban Dân tộc tỉnh tổ chức 10 hội nghị truyền thông xóa bỏ định kiến và khuôn mẫu giới, phòng chống mua bán người, di cư an toàn, xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em; 19 cuộc phát động với chủ đề “Thay đổi nếp nghĩ, cách làm” gắn với phát triển kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số và xây dựng gia đình hạnh phúc; 68 hội nghị và phát hành 43.000 tờ rơi tuyên truyền về giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào Dân tộc thiểu số và miền núi; 03 hội nghị tuyên truyền kiến thức, pháp luật về bình đẳng giới cho 186 người dân tộc thiểu số, cán bộ thôn, bản, người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn xã Vô Tranh, huyện Lục Nam. Qua đó đã giúp nâng cao nhận thức của người dân, trách nhiệm của cán bộ vùng dân tộc thiểu số của tỉnh về vấn đề bình đẳng giới.
Tiếp tục duy trì hoạt động của các mô hình về bình đẳng giới như: Mô hình địa chỉ tin cậy, nhà tạm lánh và Mô hình câu lạc bộ hỗ trợ phụ nữ có nguy cơ bị ép kết hôn với người nước ngoài tại xã Tam Dị, huyện Lục Nam; Các hoạt động triển khai chủ yếu: Duy trì sinh hoạt câu lạc bộ; tổ chức lồng ghép các hội nghị tuyên truyền nâng cao kiến thức, pháp luật cho người dân về bình đẳng giới, hôn nhân gia đình, hôn nhân có yếu tố nước ngoài, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực trên cơ sở giới, ... Hiện nay, trên toàn tỉnh có 1.542 câu lạc bộ phòng, chống bạo lực gia đình với trên 25.000 hội viên, 01 mô hình phòng chống bạo lực gia đình (theo chuẩn của Bộ Văn hoá thể thao và du lịch); 523 mô hình hoạt động độc lập, 1.359 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình; 647 địa chỉ tin cậy ở cộng đồng, 516 đường dây nóng. Việc bố trí nơi tạm lánh, hỗ trợ tư vấn và khám, chữa bệnh, cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình được bố trí tại 209/209 trạm y tế xã, phường, thị trấn; Số hộ gia đình đăng ký đạt danh hiệu gia đình văn hoá năm 2023 đạt 96,4%.
Đến nay, số giờ trung bình làm công việc nội trợ và chăm sóc trong gia đình không được trả công của phụ nữ so với nam giới giảm còn 1,46 lần; 100% người bị bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới được phát hiện được tiếp cận ít nhất một trong các dịch vụ hỗ trợ cơ bản; 100% người gây bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới được phát hiện ở mức chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự được tư vấn, tham vấn; 100% số nạn nhân bị mua bán trở về được phát hiện có nhu cầu hỗ trợ được hưởng các dịch vụ hỗ trợ và tái hòa nhập cộng đồng; 100% cơ sở trợ giúp xã hội công lập triển khai các hoạt động trợ giúp, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới./.
Hưng Minh