Xã hội
Bắc Giang: Tập trung thực hiện Dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng
11:27 AM 25/02/2025
(LĐXH)-Trong năm 2024, tỉnh Bắc Giang được phân bổ kinh phí thực hiện Dự án 3: Hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng của Chương trình MTQG giảm nghèo là 30,3 tỷ đồng (vốn chuyển nguồn năm 2023 là 6,7 tỷ đồng, vốn năm 2024 là 23,6 tỷ đồng). Đến ngày 31/01/2025, đã giải ngân được 28,5 tỷ đồng (ngân sách trung ương), đạt 94% kế hoạch.
Mô hình hỗ trợ giảm nghèo được tỉnh chú trọng thực hiện
Thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các nghị quyết, quyết định, văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh về lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững và mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể cần đạt được về công tác giảm nghèo năm 2024 tới từng cấp, từng ngành, từng địa phương trong toàn tỉnh.
Trong năm 2024, thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, tỉnh Bắc Giang được phân bổ tổng nguồn vốn 289 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách trung ương là 221,8 tỷ đồng, vốn đối ứng từ ngân sách tỉnh 67,2 tỷ đồng. Đối với Dự án 3: Hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng, tổng kế hoạch vốn ngân sách trung ương phân bổ cho tỉnh là 30,3 tỷ đồng (vốn chuyển nguồn năm 2023 là 6,7 tỷ đồng, vốn năm 2024 là 23,6 tỷ đồng). Đến ngày 31/01/2025 giải ngân được 28,5 tỷ đồng (ngân sách trung ương), đạt 94% kế hoạch.
Theo đó, tỉnh Bắc Giang đã tập trung thực hiện Tiểu dự án 1. Hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp như đã thực hiện 68 dự án (huyện Sơn Động 10 dự án; Lục Ngạn 12 dự án; Lục Nam 23 dự án; Lạng Giang 4 dự án Việt Yên 2 dự án; Yên Thế 4 dự án; Tân Yên 4 dự án; Yên Dũng 3 dự án; Hiệp Hoà 6 dự án). Tỷ lệ giải ngân đạt 96,3% kế hoạch vốn.
Còn đối với Tiểu dự án 2. Cải thiện dinh dưỡng, tổng kế hoạch vốn 7,79 tỷ  đồng, tỉnh đã giao cho Sở Y tế chủ trì xây dựng kế hoạch và phân bổ vốn cho 10 huyện, thị xã, thành phố; triển khai thực hiện đồng bộ các hoạt động can thiệp về phòng chống suy dinh dưỡng, thiếu vi chất dinh dưỡng cho bà mẹ mang thai và cho con bú, trẻ em 0-16 tuổi và các hoạt động truyền thông dinh dưỡng. Thực hiện tư vấn về dinh dưỡng trong thời kỳ mang thai, bổ sung viên sắt - Folic/đa vi chất, nuôi con bằng sữa mẹ, ăn bổ sung hợp lý cho 3.687 bà mẹ có con nhỏ và 2.220 bà mẹ từ lúc mang thai cho đến khi trẻ được 2 tuổi. Bổ sung vi chất dinh dưỡng cho 1.813 trẻ em từ 6 tháng đến 59 tháng tuổi bị suy dinh dưỡng thấp còi và 4.506 trẻ em từ 5 tuổi đến dưới 16 tuổi bị suy dinh dưỡng; Bổ sung vi chất sắt cho 3.980 trẻ em gái vị thành niên từ 12 đến dưới 16 tuổi. Bổ sung Vitamin A liều cao cho 14.685 trẻ em từ 6 tháng đến 59 tháng có nguy cơ thiếu Vitamin A; bổ sung Vitamin A liều cao cho 174.133 trẻ trong chiến dịch năm 2024. Tổ chức 11 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho 547 cán bộ y tế tuyến cơ sở, nhân viên y tế thôn bản, y tế trường học, giáo viên, cán bộ làm công tác dinh dưỡng ở trường học và liên ngành khác về cải thiện chăm sóc dinh dưỡng bà mẹ và trẻ em.
Bên cạnh đó, còn tổ chức các hoạt động về truyền thông dinh dưỡng trên hệ thống lô, đài các địa phương: chương trình Vitamin A 15.387 lượt; tuần lễ nuôi con bằng sữa mẹ 3.312 lượt; tuần lễ Dinh dưỡng và phát triển 2.148 lượt; dinh dưỡng cộng đồng 8.741 lượt. Lồng ghép trong các chương trình dinh dưỡng khác đang triển khai tại cộng đồng như thực hiện 278 buổi truyền thông trực tiếp cho 3.407 lượt đối tượng là người dân, phụ nữ có thai, bà mẹ nuôi con nhỏ, người chăm sóc trẻ về dinh dưỡng hợp lý; phòng chống suy dinh dưỡng và thiếu vi chất dinh dưỡng; chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời; phòng chống giun sán… Đến ngày 31/01/2025, giải ngân 6,8 tỷ đồng (ngân sách trung ương), đạt 87,2% kế hoạch.
Nhìn chung, qua nắm bắt tình hình thực tế trên địa bàn tỉnh, đã kịp thời hướng dẫn UBND cấp huyện tổ chức thực hiện, giải quyết những khó khăn, vướng mắc của địa phương trong quá trình triển khai thực hiện các dự án, hoạt động, chính sách giảm nghèo cụ thể. Các thành viên Ban chỉ đạo tỉnh đã xây dựng kế hoạch kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hàng năm, các dự án giảm nghèo được giao chủ trì thực hiện tại địa bàn được phân công phụ trách, kịp thời tháo gỡ các khó khăn vướng mắc ở địa phương, cơ sở đẩy nhanh tiến độ thực hiện các hoạt động, dự án, chính sách về giảm nghèo đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt triển khai thực hiện.
Thời gian tới, tỉnh Bắc Giang sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách, chương trình giảm nghèo và an sinh xã hội cũng như các chính sách có liên quan đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt giám sát việc đầu tư ngân sách để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ giảm nghèo tại các địa phương. Tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác giảm nghèo tại các thôn, xã có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhằm nâng cao nhận thức và hỗ trợ hiệu quả cho người nghèo, đối tượng yếu thế tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản./.
Hồng Phượng
Từ khóa: