Xã hội
Bắc Kạn: Các huyện 30a “vươn mình” thoát nghèo
11:17 AM 30/09/2020
(LĐXH)-Bắc Kạn là tỉnh phía Đông Bắc của Tổ Quốc, tình hình kinh tế của tỉnh khó khăn nhất trong cả nước, vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên không thuận lợi; địa hình các huyện vùng cao, các xã đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa chia cắt, thiếu đất sản xuất, thiếu vốn, thiếu phương tiện sản xuất. Sản xuất nông nghiệp phụ thuộc chủ yếu vào điều kiện tự nhiên trong khi thiên tai, dịch bệnh thường xuyên xảy ra làm ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất, thu nhập của người dân. Đặc biệt, nguồn lực từ ngân sách địa phương để đầu tư cho công tác giảm nghèo còn hạn chế; số doanh nghiệp trên địa bàn ít, doanh thu nhỏ, chưa thu hút được nhiều lao động vào làm việc để chuyển dịch cơ cấu lao động.
Tỉnh có 03 huyện được hưởng chính sách theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo (gọi tắt là Nghị quyết 30a). Trong đó, huyện Ba Bể và huyện Pác Nặm nằm trong danh sách các huyện nghèo được hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết từ năm 2009 – 2018, riêng huyện Ngân Sơn được hưởng cơ chế hỗ trợ từ năm 2018 theo Quyết định 275/QĐ-TTg ngày 07/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ.
Hỗ trợ người nghèo phát triển sản xuất
Với nguồn lực được hỗ trợ từ Trung ương, tỉnh Bắc Kạn đã triển khai chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng (giai đoạn 2009 - 2020) đã đầu tư 413 công trình với tổng số tiền hơn 795 tỷ đồng. Trong đó, huyện Pác Nặm 221 công trình, số tiền hơn 413 tỷ đồng; huyện Ngân Sơn 14 công trình, số tiền hơn 80 tỷ đồng; huyện Ba Bể 178 công trình, số tiền hơn 300 tỷ đồng. Tỉnh cũng thực hiện duy tu bảo dưỡng 199 công trình, gồm các công trình giao thông, thủy lợi, dân dụng... với số tiền hơn 34 tỷ đồng (huyện Pác Nặm 170 công trình - chưa bao gồm các công trình năm 2020, với tổng số tiền gần 27 tỷ đồng; huyện Ba Bể 29 công trình, số tiền hơn 7 tỷ đồng). Nhìn chung các công trình đầu tư có hiệu quả cao, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội, phát huy được những tiềm năng, thế mạnh của địa phương.
Nhằm góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả bảo vệ rừng, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân địa phương trong hoạt động bảo vệ rừng và góp phần tích cực trong việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội chung cho toàn tỉnh, tỉnh đã thực hiện hỗ trợ cho bà con dân tộc thông qua khoán chăm sóc, bảo vệ rừng, giao rừng và giao đất để trồng rừng sản xuất. Việc hỗ trợ khoán chăm sóc, bảo vệ rừng tại các huyện 30a chủ yếu được thực hiện thông qua Dự án bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2011 - 2020 (nay là Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Bắc Kạn). Kết quả, trong giai đoạn 2009-2020, tổng diện tích thực hiện khoán chăm sóc, bảo vệ rừng tại các huyện 30a là hơn 115.000 lượt héc-ta với hơn 14.000 hộ tham gia; kinh phí thực hiện hơn 48 tỷ đồng.
Cây chè giúp bà con huyện nghèo thoát nghèo
Về hoạt động trồng rừng, trên địa bàn các huyện 30a (huyện Ba Bể và Pác Nặm) giai đoạn 2009 - 2018 (năm 2019 không thực hiện hỗ trợ trồng rừng tập trung) đã trồng hơn 13.000ha, với hơn 17.700 hộ tham gia. Các hỗ được hỗ trợ kinh phí trồng là hơn  67 tỷ đồng. Trước đó, giai đoạn 2009 – 2015, các huyện nghèo đã triển khai hỗ trợ gạo đối với 661 hộ nghèo tham gia khoán bảo vệ, chăm sóc rừng trên diện tích hơn 4.700ha, kinh phí thực hiện là gần 1,9 tỷ đồng. Việc hỗ trợ gạo hộ nghèo, nhận khoán bảo vệ, trồng và chăm sóc rừng đã tạo điều kiện để người dân yên tâm bám đất, bám rừng, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần.
Bên cạnh đó, tỉnh Bắc Kạn còn thực hiện chính sách hỗ trợ sản xuất cho các hộ nghèo. Giai đoạn 2009 - 2018, toàn tỉnh đã hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho 8.569 hộ với kinh phí thực hiện hơn 45 tỷ đồng; hỗ trợ mua giống vật nuôi cho hơn 11.600 hộ (trâu, bò, lợn, dê...) với kinh phí hơn 75 tỷ đồng; hỗ trợ làm chuồng trại cho 922 hộ nghèo với kinh phí gần 1,5 tỷ đồng... Ngoài ra, tổ chức 110 lớp tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật với hơn 3.200 lượt người tham gia.
Thực hiện chính sách tăng cường cán bộ, trí thức trẻ cho các huyện nghèo theo Quyết định số 70/2009/QĐ-TTg ngày 27/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ, giai đoạn từ 2016 - 2020, UBND các huyện đã thực hiện việc luân chuyển 19 cán bộ, công chức tăng cường cho các xã khó khăn. Đến nay, số cán bộ, công chức trên đã hoàn thành nhiệm vụ và được UBND các huyện điều động, tiếp nhận về công tác tại các phòng, ban chuyên môn cấp huyện.
 
Thực hiện Quyết định số 170/QĐ-TTg ngày 26/01/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm phó chủ tịch UBND các xã thuộc 62 huyện nghèo, UBND tỉnh đã chủ trì phối hợp với Ban Quản lý dự án Bộ Nội vụ tổ chức tuyển chọn được 22 người. Trong đó, huyện Ba Bể 14 người, huyện Pác Nặm 08 người. Sau 5 năm kết thúc dự án số đội viên được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên được UBND các huyện đề nghị UBND tỉnh tiếp nhận, bố trí công tác tại UBND cấp huyện và cấp xã trên địa bàn tỉnh.
Cùng với đó, tỉnh đã triển khai thực hiện Quyết định số 1758/QĐ-TTg ngày 30/9/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013 - 2020 (Đề án 500); thực hiện Quyết định số 3066/QĐ-UBND ngày 06/10/2009 của UBND tỉnh phê duyệt Đề án “Tăng cường cán bộ cho các xã và khuyến khích, thu hút trí thức trẻ, cán bộ chuyên môn kỹ thuật về tham gia công tác tại các xã thuộc huyện Ba Bể và Pác Nặm”; Quyết định số 1157/QĐ-UBND ngày 10/7/2019 của UBND tỉnh phê duyệt Đề án “Tăng cường trí thức trẻ có trình độ tham gia tình nguyện công tác tại các xã nghèo thuộc huyện Ngân Sơn và huyện Pác Nặm”.
Các chính sách hỗ trợ được triển khai đã làm thay đổi đáng kể diện mạo vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của các địa phương thuộc huyện nghèo trên địa bàn tỉnh. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân từng bước được nâng lên, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản. Giai đoạn 2016 – 2019, mỗi năm bình quân huyện Ba Bể và Pác Nặm giảm được hơn 3% hộ nghèo. Đối với huyện Ngân Sơn, từ năm 2016 đến năm cuối năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo giảm 16,7% (giảm từ 50,9% xuống còn 34,1%) trung bình mỗi năm giảm 4,1%. Người dân ngày càng tích cực hơn trong thực hiện các hoạt động sản xuất, giải quyết việc làm, tham gia các lớp dạy nghề để từng bước thoát nghèo bền vững. Số hộ nghèo năm sau giảm so với năm trước, điều này đã khẳng định các chính sách hỗ trợ giảm nghèo đã tác động rất lớn đến mục tiêu giảm nghèo của các huyện nghèo./.
Nhật Minh
 
 
Từ khóa: