Xã hội
Bắc Kạn phấn đấu đến năm 2030, cơ bản không còn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn
12:15 PM 22/11/2021
Triển khai Kế hoạch của Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030, Bắc Kạn phấn đấu cơ bản không còn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn.
Được sự quan tâm của Trung ương và sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, nhà tài trợ và nguồn ngân sách tỉnh, những năm qua, tỉnh Bắc Kạn đầu tư hàng trăm công trình giao thông, thủy lợi, điện, trường, lớp học, trạm y tế, nhà sinh hoạt cộng đồng, nước sinh hoạt tập trung tại các huyện nghèo và các xã đặc biệt khó khăn. Các công trình đã được hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng góp phần mở rộng giao thương, cải thiện điều kiện sinh sống và sản xuất nông, lâm nghiệp của người dân.
Song song với xây dựng hạ tầng, tỉnh đã triển khai có hiệu quả các mô hình sinh kế, các dự án sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, Chương trình 135, Chương trình 30a, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, qua đó thúc đẩy hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tham gia phát triển kinh tế theo hình thức kinh tế tập thể, phát huy nội lực trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo.

Người dân tại xã nghèo Xuân Lạc, huyện Chợ Đồn tập trung phát triển kinh tế để giảm nghèo bền vững


Cùng với đó, các chính sách hỗ trợ về giáo dục và đào tạo, y tế, nhà ở, tiếp cận các dịch vụ trợ giúp pháp lý, hỗ trợ người nghèo, cận nghèo hưởng thụ văn hóa thông tin, hỗ trợ tiền điện và các chính sách hỗ trợ giảm nghèo đặc thù được triển khai kịp thời, đúng quy định đã giúp người nghèo tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.
Nhờ sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, công tác giảm nghèo của tỉnh đã có được những chuyển biến đáng ghi nhận. Nếu như đầu năm 2016, toàn tỉnh có tổng số 22.706 hộ nghèo và 9.269 hộ cận nghèo thì đến năm 2020 giảm xuống còn 14.982 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 18,5% và còn 8.469 hộ cận nghèo chiếm tỷ lệ 10,46%.
Mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định, song Bắc Kạn vẫn là một trong những địa phương còn nhiều khó khăn của cả nước. Hiện tại, Bắc Kạn vẫn còn 2 huyện nghèo và 67 xã đặc biệt khó khăn.
Thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững trong giai đoạn tiếp theo, Bắc Kạn phấn đấu giai đoạn 2021 - 2025, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hằng năm từ 2% - 2,5%, huyện nghèo giảm từ 3,5% - 4%; duy trì mức giảm tỷ lệ hộ nghèo đến năm 2030; phấn đấu đến năm 2030, cơ bản không còn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn.
Để thực hiện mục tiêu này, cùng với công tác tuyên truyền, Bắc Kạn tập trung đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó tranh thủ các nguồn lực và huy động các nguồn xã hội hóa để đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo; xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội liên kết vùng, thiết yếu, phục vụ dân sinh, sản xuất trên địa bàn các huyện nghèo, hỗ trợ các địa bàn nghèo thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo bền vững. Việc huy động và phân bổ nguồn lực chương trình giảm nghèo đảm bảo đúng nguyên tắc, công khai, minh bạch, tập trung theo thứ tự ưu tiên, tránh tình trạng đầu tư dàn trải. Cùng với đó là lồng ghép và sử dụng hiệu quả nguồn lực Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2030, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Để giúp người dân vươn lên giảm nghèo bền vững, các đơn vị, địa phương trong tỉnh tiếp tục hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế, xây dựng, phát triển các mô hình giảm nghèo, dự án giảm nghèo để tạo việc làm, sinh kế bền vững, có thu nhập tốt, nâng cao chất lượng cuộc sống. Từ đó góp phần thực hiện mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, phát huy các giá trị văn hoá của dân tộc, thế mạnh của địa phương để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Bắc Kạn sẽ hỗ trợ thí điểm, xây dựng, phát triển, nhân rộng các mô hình giảm nghèo, dự án giảm nghèo; tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, thương mại, du lịch (thông qua các hình thức như hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ tự quản, tổ thoát nghèo, doanh nghiệp, cơ sở đào tạo, cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoặc mô hình khác) để tạo việc làm, sinh kế bền vững, có thu nhập tốt cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người khuyết tật.
Với thế mạnh về nông lâm nghiệp, địa phương tiếp tục hỗ trợ phát triển sản xuất để bảo đảm an ninh lương thực và đáp ứng nhu cầu cho người dân tại các vùng nghèo, vùng đặc biệt khó khăn. Hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp cho người nghèo theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ, nâng cao chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Tăng cường kết nối giữa người sản xuất và các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị, ưu tiên phát triển các sản phẩm có tiềm năng, thế mạnh tại địa phương, tạo giá trị gia tăng cho người sản xuất để nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.
Cùng với đó là thực hiện các chính sách hỗ trợ giảm nghèo như chính sách tín dụng ưu đãi, chính sách dạy nghề, tạo việc làm, chính sách hỗ trợ về giáo dục, đào tạo, y tế, trợ giúp pháp lý cho người nghèo, hỗ trợ nhà ở…
Bắc Kạn cũng tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá đối với công tác giảm nghèo. Trong đó tổ chức thực hiện tốt công tác điều tra rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo đúng quy định, đánh giá, xác định phân loại hộ nghèo chính xác theo tiêu chí đa chiều, đảm bảo chính xác, khách quan, phản ánh đúng thực trạng nghèo của địa phương. Niêm yết công khai danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng xác định không đúng hộ nghèo, hộ cận nghèo để được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.
Các ngành, các cấp tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đánh giá kết quả thực hiện gắn với sơ kết, tổng kết, rút ra bài học kinh nghiệm trong công tác tổ chức triển khai chương trình giảm nghèo; kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các vi phạm trong quá trình thực hiện. Đặc biệt coi trọng vai trò của cấp cơ sở, đảm bảo sự tham gia của người dân trong việc giám sát và đánh giá.
Là địa phương còn nhiều khó khăn, Bắc Kạn sẽ nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người người dân, thực hiện có hiệu quả mục tiêu giảm nghèo bền vững trong giai đoạn tới./.
Hương Lan
Từ khóa: