Bắc Kạn: Từng bước giảm tỷ lệ hộ nghèo theo hướng bền vững
Sau hai năm rưỡi thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn lần thứ XI về Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, tỉnh Bắc Kạn đã thực hiện hoàn thành 9 xã đạt chuẩn nông mới; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 24,53% (giảm 4,87% so với đầu năm 2016).
Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn lần thứ XI về Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững đặt mục tiêu đến năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm 2-2,5% theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016 - 2020, trong đó tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn giảm bình quân từ 3,5 - 4%/năm.
Đến cuối năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Bắc Kạn còn 24,53% (bình quân mỗi năm giảm 2,43%), tỷ lệ hộ nghèo của các huyện nghèo 33,6% (bình quân mỗi năm giảm 3,3%). Như vậy, mức giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân chung toàn tỉnh đạt mục tiêu Nghị quyết, tuy nhiên, mức giảm tỷ lệ hộ nghèo của các huyện nghèo không đạt mục tiêu.
Triển khai thực hiện các chính sách giảm nghèo, từ năm 2016 đến hết quý I/2018, trên địa bàn tỉnh đã có 14.961 lượt hộ nghèo được vay vốn, doanh số đạt 448,918 tỷ đồng. Có 3.008 lượt hộ cận nghèo vay vốn, doanh số 157,979 tỷ đồng. Từ nguồn vốn ưu đãi đã bổ sung nguồn lực cho các đối tượng thực hiện kế hoạch sản xuất, phát triển kinh tế, mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, tạo thêm việc làm, tạo động lực cho người nghèo cải thiện điều kiện sản xuất tăng thu nhập, nâng cao mức sống và từng bước thoát nghèo. Ngoài ra, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 10.752 lao động; tư vấn việc làm cho 10.211 lao động; dạy nghề cho 12.728 lao động.
Với việc thực hiện hiệu quả các chính sách giảm nghèo, người dân trong tỉnh đã có cuộc sống ổn định, vươn lên thoát nghèo bền vững
Trong hai năm 2016-2017, đã có 33.393 lượt học sinh là con hộ nghèo, cận nghèo được miễn giảm học phí với số tiền lên đến là 5,469 tỷ đồng, hỗ trợ tiền ăn cho 20.315 lượt trẻ em mẫu giáo thuộc hộ nghèo với số tiền 24.852 tỷ đồng. Năm 2018, đảm bảo 100% các học sinh là đối tượng chính sách được hỗ trợ với kinh phí đã bố trí là 55,016 tỷ đồng.
Tỉnh Bắc Kạn thực hiện hỗ trợ tiền điện cho 80.117 lượt hộ nghèo, hộ chính sách xã hội với kinh phí 17,74 tỷ đồng trong hai năm 2016 - 2017. Năm 2018, kinh phí đã bố trí là 12,796 tỷ đồng, đảm bảo triển khai đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng thuộc diện được hỗ trợ chính sách.
Thực hiện Quyết định số 33/2015/QĐ-TTg, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án hỗ trợ hộ nghèo làm nhà ở. Trong năm 2016, đã hỗ trợ 151 hộ với số vốn được giao là 3,775 tỷ đồng. Năm 2017, đã thực hiện 240 hộ/300 hộ kế hoạch với số tiền từ Ngân hàng CSXH cho vay là 6 tỷ đồng/7,5 tỷ đồng kế hoạch. Năm 2018 hiện nay đang thực hiện hỗ trợ 80 hộ/377 hộ kế hoạch với số tiền 2 tỷ đồng/9,425 tỷ đồng. Đặc biệt, trong năm 2017, tỉnh Bắc Kạn thực hiện hỗ trợ cho 25.897 lượt hộ nghèo vùng khó khăn với tổng kinh phí 10,476 tỷ đồng.
Địa phương đã tổ chức lồng ghép tuyên truyền về công tác giảm nghèo trên 112 buổi cho hơn 15.700 lượt người nghe; gắn công tác tuyên truyền thông qua chiếu phim lưu động tại các vùng sâu, vùng xa được 832 buổi cho 50.000 lượt người. Cấp 297.054 số báo cho 78.980 lượt đối tượng vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn thụ hưởng.
Triển khai Đề án “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (Đề án OCOP), tỉnh Bắc Kạn đã tổ chức điều tra và có 28 sản phẩm thế mạnh, thuộc 5 nhóm sản phẩm, trong đó nhóm thực phẩm có 17 sản phẩm, nhóm đồ uống có 6 sản phẩm, nhóm thảo dược có 2 sản phẩm; nhóm lưu niệm - nội thất - trang trí có 2 sản phẩm, dịch vụ du lịch nông thôn có 1 sản phẩm; Có 11 sản phẩm có đăng ký công bố chất lượng, 5 sản phẩm có đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ. UBND tỉnh đã chính thức phê duyệt Kế hoạch thực hiện Đề án “Mỗi xã, phường một sản phẩm” tỉnh Bắc Kạn năm 2018 để tổ chức triển khai thực hiện.
Giảm nghèo là một trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Chỉ tiêu về giảm nghèo thực hiện thành công góp phần thực hiện xây dựng nông thôn mới. Với những kết quả đã đạt được trong hai năm rưỡi triển khai Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn lần thứ XI về Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn đã thay da đổi thịt, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm và đời sống người dân không ngừng được nâng lên. Đây là tiền đề quan trọng để Bắc Kạn thực hiện tốt chương trình giảm nghèo bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn tới.
Từ năm 2016 - 2018, ở Bắc Kạn đã có 635.331 lượt đối tượng là người nghèo, người dân tộc thiểu số, trẻ em dưới 16 tuổi... được cấp thẻ bảo hiểm y tế, với số tiền mua thẻ khoảng hơn 400 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 100%. Đến nay, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế trên địa bàn toàn tỉnh đạt 98%, trong đó 100% người nghèo, dân tộc thiều số tại các xã khó khăn và đặc biệt khó khăn do ngân sách nhà nước đảm bảo 100%. Một trong những tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới là phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân. Đây là nhiệm vụ trọng tâm, các ngành, các cấp đã triển khai ngay từ đầu giai đoạn Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng liên kết chuỗi giá trị để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Năm 2016, nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới năm 2016 được giao là 10,93 tỷ đồng, phân bổ cho 25 xã. Nguồn vốn hỗ trợ được các xã triển khai thực hiện mô hình trình diễn Chanh xen Hồng; hỗ trợ giống cây ăn quả; Mô hình chăn nuôi lợn sinh sản hướng nạc theo hướng an toàn sinh học; hỗ trợ trâu cái sinh sản, lợn nái sinh sản, dê sinh sản, hỗ trợ máy móc cho tổ hợp tác... Đến năm 2017, nguồn vốn này được giao là 14,6 tỷ đồng, ưu tiên hỗ trợ cho 26 xã trong lộ trình đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2016-2020. Theo số liệu tổng hợp từ các địa phương, các xã đã thực hiện được 52 mô hình. Đến năm 2018, nguồn vốn được UBND tỉnh phân bổ đạt 22,6 tỷ đồng cho 26 xã. Hiện nay, các huyện, thành phố đang triển khai thực hiện.
Bên cạnh đó, công tác đào tạo nghề lao động cho nông thôn được tỉnh quan tâm triển khai thực hiện. Giáo dục ở khu vực nông thôn luôn được quan tâm chỉ đạo và duy trì. Hệ thống y tế cơ sở được củng cố và hoạt động hiệu quả, các trạm y tế xã được đầu tư, nâng cấp. Trong những năm qua, Bắc Kạn đã tổ chức thực hiện tốt Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, các hệ thống thiết chế văn hóa ở cơ sở từng bước được xây dựng, tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao. Hoạt động vệ sinh môi trường nông thôn, khắc phục, xử lý ô nhiễm và cải thiện môi trường tại các làng nghề được chú trọng, đồng thời triển khai xây dựng nông thôn mới, quốc phòng, an ninh và trật tự xã hội được giữ vững.
Có thể nói, việc triển khai thành công Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững tại Bắc Kạn đã góp phần nâng cao đời sống người dân, hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới. Qua thực tiễn cho thấy, việc kết hợp triển khai Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững giúp vùng quê ngày càng “thay da đổi thịt” toàn diện./.
Minh Anh
Từ khóa:
-
TP Lào Cai tặng quà Tết cho gia đình người có công bị ảnh hưởng cơn bão số 3
18-01-2025 10:32 19
-
Ngân hàng Chính sách xã hội TP Hà Nội tích cực tổ chức các hoạt động từ thiện, xã hội nhân dịp Tết Ất Tỵ
17-01-2025 17:06 58
-
Nhân rộng phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” trên vùng đất Thép Thái Nguyên
17-01-2025 15:30 19
-
Đắk Lắk: Chăm lo chu đáo đời sống đối tượng bảo trợ xã hội
14-01-2025 11:10 58
-
Chương trình “Xuân biên cương - Tết ấm cho em – Hội chợ Tết 0 đồng”
14-01-2025 11:10 55
-
Người dân Hà Nội 'xé rào', đi ngược chiều trên đường Lê Quang Đạo
13-01-2025 13:46 21