Bắc Ninh ban hành nhiều chính sách thiết thực đối với người cao tuổi
(LĐXH)- Bắc Ninh hiện có 234.385 hội viên Hội Người cao tuổi, trong đó người cao tuổi (đủ 60 tuổi trở lên) có 191.860 người, chiếm 13,32% dân số; người cao tuổi đang tham gia lao động sản xuất có 62.176 người, chiếm 32,40% người cao tuổi. Trong những năm qua, tỉnh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, ban hành các cơ chế chính sách đối với người cao tuổi.
Gần đây, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 11/2023/NQ - HĐND về việc hỗ trợ kinh phí tham gia bảo hiểm y tế đối với người cao tuổi. Theo đó, hỗ trợ 100% kinh phí tham gia bảo hiểm y tế hằng năm đối với người cao tuổi từ đủ 60 tuổi đến dưới 80 tuổi, có hộ khẩu thường trú và đang sinh sống trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh theo quy định của Luật Cư trú và chưa tham gia bảo hiểm y tế theo các đối tượng khác (áp dụng từ ngày 1/1/2024).
Bắc Ninh là tỉnh đầu tiên trong cả nước đạt bao phủ bảo hiểm y tế đối với 100% người cao tuổi, giúp người cao tuổi có cơ hội được chăm sóc sức khỏe tốt hơn.
Năm 2023, triển khai thực hiện “Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam”, Ban đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh và các cấp Hội chủ động phối hợp với các ngành, các cấp tham mưu cấp ủy Đảng, chính quyền ban hành kế hoạch thực hiện.Trung tâm Y tế TP Bắc Ninh tổ chức khám sức khỏe cho người cao tuổi trên địa bàn
Trong đó tổ chức nhiều hoạt động phong phú, thiết thực, nhất là các hoạt động chăm sóc vật chất, sức khỏe, tinh thần cho người cao tuổi; tổ chức các đoàn đi thăm và tặng quà cho người cao tuổi nghèo, người cao tuổi cô đơn, khó khăn, không nơi nương tựa; tổ chức các hoạt động khám sức khỏe định kỳ, khám bệnh về mắt, phát thuốc miễn phí cho hàng nghìn người cao tuổi; giao lưu văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao…
Theo Chương trình chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, Bắc Ninh phấn đấu đến năm 2030, 100% người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 01 lần/năm, được lập hồ sơ theo dõi, quản lý sức khỏe; 90% người cao tuổi được phát hiện, điều trị, quản lý các bệnh không lây nhiễm (ung thư, tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, sa sút trí tuệ…); 90% người cao tuổi có khả năng tự chăm sóc được cung cấp kiến thức, kỹ năng tự chăm sóc sức khỏe; 100% người cao tuổi không có khả năng tự chăm sóc, được chăm sóc sức khỏe bởi gia đình hoặc các cơ sở bảo trợ.
100% Câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau và các loại hình câu lạc bộ khác của người cao tuổi có nội dung chăm sóc sức khỏe; 90% xã, phường, thị trấn có ít nhất 01 câu lạc bộ chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, có ít nhất 01 đội tình nguyện viên (từ 5-7 người) tham gia chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi; 100% người cao tuổi khi bị bệnh được khám và điều trị.Người cao tuổi luyện tập thể thao (ảnh: Tư liệu)
100% người cao tuổi cô đơn, bị bệnh nặng không thể đến khám chữa bệnh tại cơ sở Y tế, được khám và điều trị tại nơi ở; 100% bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh (trừ bệnh viện Sản Nhi) có khoa lão khoa và Trung tâm y tế tuyến huyện bố trí một số giường để điều trị bệnh cho người cao tuổi; 100% người đủ 60 tuổi trở lên có thẻ BHYT; 90% số xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí môi trường thân thiện với người cao tuổi; 50% số huyện có mô hình Trung tâm chăm sóc sức khoẻ ban ngày cho người cao tuổi; xây dựng 01 mô hình Trung tâm dưỡng lão theo hình thức xã hội hoá thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi.
Trong giai đoạn đến 2025, tỉnh sẽ tập trung đẩy mạnh các hoạt động chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cộng đồng; nâng cao năng lực khám chữa bệnh cho người cao tuổi đối với phòng khám lão khoa, khoa lão khoa, khu có giường điều trị người bệnh là người cao tuổi thuộc các bệnh viện đa khoa; xây dựng Đề án Bệnh viện Lão khoa.
Giai đoạn 2026 - 2030, bổ sung và nhân rộng các mô hình đã thí điểm thành công ở giai đoạn 1; hoàn thiện thủ tục đầu tư xây dựng, đưa Bệnh viện Lão khoa đi vào hoạt động.
Để thực hiện được mục tiêu đã đề ra, tỉnh triển khai thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp, trong đó tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền về công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; đẩy mạnh tuyên truyền vận động thay đổi hành vi tạo môi trường xã hội ủng hộ và tham gia chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.
Củng cố, phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, phòng chống bệnh không lây nhiễm, khám chữa bệnh cho người cao tuổi; từng bước xây dựng mô hình chăm sóc sức khỏe dài hạn cho người cao tuổi.
Đào tạo, tập huấn chuyên môn cho đội ngũ làm công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.
Hoàn thiện chính sách pháp luật liên quan đến chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Xây dựng hệ thống chỉ báo thống kê, giám sát; hệ thống thông tin quản lý và cơ sở dữ liệu điện tử quản lý công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi./.
Từ khóa:
-
Hơn 250 đại biểu dự Hội nghị quốc gia về thực hiện Đề án 161 do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh
14-11-2024 15:18 23
-
Thanh Trì: Tập huấn Bình đẳng giới trong tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội
14-11-2024 15:17 59
-
Hà Nội: Lan toả tinh thần “Chấm dứt bạo lực, vun đắp yêu thương”
14-11-2024 14:13 55
-
Nam Định quan tâm tu bổ các công trình ghi công liệt sĩ
12-11-2024 17:27 25
-
Vay vốn tín dụng chính sách để phát triển nghề đồ gỗ mỹ nghệ
12-11-2024 17:27 08
-
Tăng cường tuyên truyền, nâng cao năng lực phòng, chống tội phạm mua bán người
12-11-2024 14:29 01