Xã hội
Bắc Ninh: Ghi nhận những kết quả trong công tác giảm nghèo
10:34 PM 24/11/2021
Giai đoạn 2016-2020, bằng nhiều giải pháp cụ thể, các cấp ngành, địa phương tỉnh Bắc Ninh đã thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội. Đây là tiền đề quan trọng để tỉnh hướng đến các mục tiêu giảm nghèo bền vững theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2021-2025.

Gia đình bà Nguyễn Thị Thảo từng là một trong những hộ nghèo lâu năm tại khu Khúc Toại, phường Khúc Xuyên (thành phố Bắc Ninh). Bà là trụ cột chăm sóc cha mẹ già, nuôi ba con ăn học và lo chi phí chữa trị cho người chồng mắc bệnh ung thư gan. Khi chồng mất cũng là lúc gia đình lâm vào cảnh kiệt quệ. Năm 2016, nhận được số tiền hỗ trợ 50 triệu đồng của tỉnh, bà vay mượn thêm tiền của người thân, đồng thời mạnh dạn vay thêm 50 triệu đồng từ nguồn vốn vay ưu đãi hộ nghèo đầu tư mua một số thiết bị máy móc mở xưởng mộc cho con trai làm tại nhà. Sau 3 năm chăm chỉ làm ăn, gia đình bà Thảo đã chính thức thoát nghèo, vươn lên thành hộ khá trong khu.

Ủy ban MTTQ huyện Tiên Du bàn giao nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo tại xã Phật Tích.


Gia đình ông Phương Văn Khanh (thôn Duyệt Dương, xã Phú Hòa, huyện Lương Tài) nhờ các chính sách hỗ trợ của tỉnh cũng đã vươn lên thoát nghèo. Giờ đây khi đã là chủ một trong những trang trại nuôi thả cá giống lớn nhất xã, vợ chồng ông Khanh vẫn miệt mài lao động, trợ giúp những gia đình khó khăn khác cùng phát triển kinh tế. Ông Khanh cho hay: “Vào thời điểm không có gì trong tay, các chính sách hỗ trợ giảm nghèo của tỉnh như chiếc phao cứu sinh cho gia đình tôi. Tổng số vốn vay ưu đãi của gia đình trong 5 năm qua để đầu tư làm trang trại là khoảng 200 triệu đồng. Bên cạnh đó tôi còn được các cấp chính quyền quan tâm thường xuyên hỗ trợ về y tế, học nghề, kỹ thuật sản xuất… Sự hỗ trợ nhiều chiều đã tạo động lực để gia đình tôi nỗ lực vươn lên”.
Gia đình bà Thảo, ông Khanh là những hộ thoát nghèo tiêu biểu của tỉnh trong giai đoạn 2016-2020. Điểm chung của các hộ là ý chí, nghị lực, quyết tâm vươn lên và được trợ lực từ rất nhiều chính sách giảm nghèo. Trong đó, bên cạnh chế độ chính sách của Trung ương, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế chính sách đặc thù để đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của người dân như: Nâng mức hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho người nghèo, người có công;  hỗ trợ tín dụng để lao động nghèo tham gia xuất khẩu lao động; người nghèo, người cận nghèo được cấp miễn phí Bảo hiểm y tế, hỗ trợ tiền đi lại, tiền ăn ở trong quá trình khám, chữa bệnh; 100% học sinh là con hộ nghèo đang học tại các cấp phổ thông trong tỉnh được miễn, giảm học phí…

Từ năm 2016 đến 2020, toàn tỉnh đã có 1.912 người nghèo gặp khó khăn về nhà ở được hỗ trợ sửa chữa, xây mới nhà với tổng kinh phí gần 96 tỷ đồng;  hơn 10 nghìn lao động nông thôn được hỗ trợ đào tạo nghề, tỷ lệ có việc làm sau khi học nghề đạt 75%; gần 5,5 nghìn hộ nghèo, hơn 6 nghìn hộ cận nghèo được hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất với tổng kinh phí gần 544 tỷ đồng. Tỉnh cũng đã trích ngân sách hơn 121 tỷ đồng cấp miễn phí 73.155 thẻ BHYT cho người nghèo; 96.774 thẻ BHYT cho người thuộc hộ cận nghèo, mới thoát nghèo. Các chính sách hỗ trợ giáo dục, tiền điện, vệ sinh… được quan tâm đúng mức, góp phần cải thiện đời sống cho người dân. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm nhanh từ 2,59% (cuối năm 2016) xuống còn 1,27% (năm 2020), bình quân giảm 0,44%/năm.
Đánh giá về công tác giảm nghèo giai đoạn 2016-2020, ông Nguyễn Văn Cậy, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng: “Với các chính sách giảm nghèo đã được triển khai trong những năm qua, thu nhập của đại đa số người dân được nâng lên đáng kể nhờ đó tỷ lệ hộ nghèo giảm rõ rệt. Tuy nhiên hộ nghèo được tách thành 2 nhóm: Hộ nghèo về thu nhập và hộ nghèo về thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản chưa phù hợp. Một số chỉ số đo lường tiếp cận nghèo đa chiều chưa cụ thể, chưa định lượng nên khó xác định khi thực hiện hoặc không còn phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội giai đoạn tới…”.
Với chuẩn nghèo đa chiều quốc gia áp dụng giai đoạn 2021 - 2025, bên cạnh điều chỉnh, nâng tiêu chí đo lường về thu nhập thì việc đánh giá nghèo được thực hiện đa chiều, cụ thể hơn. Ngoài 5 chỉ số dịch vụ xã hội cơ bản để đo lường (Y tế, giáo dục, thông tin, nước sạch, nhà ở) bổ sung thêm tiêu chí việc làm thành 6 tiêu chí đồng thời sửa đổi, bổ sung một số chỉ số đo lường các chiều thiếu hụt về y tế, dinh dưỡng, giáo dục - đào tạo, nhà ở, nước sạch, vệ sinh, thông tin và người phụ thuộc trong gia đình. Hộ nghèo là hộ phải đáp ứng cả hai tiêu chí thiếu hụt về thu nhập và các chiều dịch vụ xã hội cơ bản…
Cách đo lường đa chiều này sẽ giải quyết các vấn đề, chiều thiếu hụt phát sinh hoặc mới được nhận diện để đảm bảo phù hợp với thực tế, hướng tới mục tiêu hỗ trợ toàn diện, bao trùm người nghèo, người dân sinh sống trên địa bàn nghèo. Đặc biệt nhấn mạnh tạo việc làm bền vững cho người nghèo là một tiêu chí quan trọng trong quá trình thực hiện nghèo đa chiều, từ đó giúp hộ nghèo nâng cao chất lượng cuộc sống, đáp ứng nhu cầu về điều kiện sống an toàn, tiếp cận, sử dụng hiệu quả các dịch vụ xã hội cơ bản…
Mục tiêu tỉnh đặt ra cho giai đoạn 2021 - 2025 là phấn đấu giảm 1/2 số hộ nghèo trong 5 năm. Hiện toàn tỉnh Bắc Ninh đang thực hiện tổng rà soát hộ nghèo, cận nghèo, hộ có mức sống trung bình năm 2021. Đây sẽ là căn cứ giúp các cấp, ngành nhận diện chính xác, toàn diện hơn về hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng khác thụ hưởng các chính sách xã hội để đề ra những kế hoạch giảm nghèo theo hướng tập trung, căn cơ, bài bản hơn; rà soát, bổ sung, sửa đổi và hoàn thiện các chính sách an sinh, phúc lợi xã hội hướng đến chăm lo vật chất, tinh thần cho đối tượng bảo trợ xã hội, yếu thế trên địa bàn, tạo thêm nhiều cơ hội cho hộ nghèo vươn lên trong cuộc sống…

PV

Từ khóa: