Trên thực tế, trước đây việc làm của NKT hiện nay chủ yếu do họ tự tạo ra, là những công việc có thể làm tại nhà như: Sửa chữa đồ điện tử, may mặc, tẩm quất, làm đẹp, thủ công mỹ nghệ, bán vé số, phụ bán hàng… với mức thu nhập thấp. Khi Luật Người Khuyết tật được ban hành và có hiệu lực, cánh cửa việc làm cho NKT tại các công ty, doanh nghiệp đã rộng mở hơn. Đơn cử như Công ty TNHH Intops Việt Nam (KCN Yên Phong) chủ động tìm đến Trung tâm Nuôi dưỡng người có công và bảo trợ xã hội tỉnh để tuyển dụng lao động. Năm 2020, có 20 học sinh từ trung tâm đủ điều kiện tuyển dụng vào làm việc tại công ty với mức thu nhập ổn định từ 5-7 triệu đồng/tháng.
Bà Nguyễn Thị Thuận, Giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng người có công và bảo trợ xã hội tỉnh cho hay: “Việc các doanh nghiệp chủ động tìm đến là tín hiệu đáng mừng cho thấy cái nhìn đúng đắn về nguồn nhân lực NKT. Như tại Công ty TNHH Intops Việt Nam, sau khi trải qua thời gian đào tạo, NKT được sắp xếp vào dây chuyền kiểm tra chất lượng vỏ điện thoại. Theo phản hồi từ phía doanh nghiệp, dây chuyền do lao động khuyết tật làm việc thậm chí đạt năng suất cao hơn các dây chuyền của lao động bình thường. Điều này khẳng định, nếu trao cho NKT cơ hội việc làm phù hợp, NKT sẽ phát huy được hết năng lực bản thân, tạo nên giá trị riêng”.
Ông Đỗ Quang Quyển, Chủ tịch Hội Bảo trợ Người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh cho rằng: “Để khai thác, phát huy đầy đủ năng lực của NKT vào sự phát triển cộng đồng hướng tới xây dựng một xã hội hoà nhập, bình đẳng thì NKT cần được ưu tiên tiếp cận với các cơ hội việc làm phù hợp. Nếu không chú trọng công ăn, việc làm của họ thì sẽ rất lãng phí nguồn nhân lực”.
Toàn tỉnh hiện có 18.225 NKT nặng và đặc biệt nặng đang được hưởng trợ cấp thường xuyên. Ngoài ra, còn khoảng gần 20 nghìn NKT có khả năng lao động. Tuy nhiên theo khảo sát của Hội Bảo trợ Người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh, NKT thường khó tìm được việc làm phù hợp. Lý do chủ yếu là: Thiếu vốn, phương tiện sản xuất, kỹ năng, chuyên môn, bị phân biệt kỳ thị, học vấn thấp…
Thực trạng đó đòi hỏi công tác đào tạo nghề, tạo việc làm cho NKT cần sự quan tâm phối hợp có hiệu quả hơn nữa của các ngành chức năng và toàn xã hội. Cụ thể, cần thúc đẩy nhiều hơn các hoạt động tập huấn hướng nghiệp, định hướng nghề nghiệp, tuyên truyền chính sách của nhà nước, trợ giúp pháp lý cho lao động NKT. Các huyện, thị xã, thành phố có chính sách tạo điều kiện để NKT tìm được việc làm tại chỗ, tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân để xóa bỏ rào cản, sự kỳ thị đối với NKT.
Đặc biệt, các doanh nghiệp cần vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa trong công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động là NKT. Trước hết là thay đổi quan niệm trong tuyển dụng với NKT, coi họ không chỉ là đối tượng cần ưu tiên, mà còn là những lao động đầy tiềm năng. Tuyển dụng NKT không phải là làm từ thiện, mà vì năng lực của họ đáp ứng được yêu cầu công việc…
Thực tế đã chứng minh nếu được đào tạo và trao cơ hội phù hợp, NKT hoàn toàn có khả năng làm việc tốt, tự lập. Tuy nhiên, cơ hội đó chỉ đến nếu bản thân NKT gỡ bỏ được sự tự ti và các cấp ngành, xã hội cùng chung tay, thay đổi cách nghĩ, cách nhìn về NKT, mở rộng cánh cửa việc làm để tạo điều kiện cho NKT hòa nhập cộng đồng./.
-
Yên Bái phấn đấu xóa trên 2.200 nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025
07-01-2025 15:07 35
-
Thị trường mỹ phẩm cận Tết Nguyên Đán: 'Thật giả lẫn lộn'
07-01-2025 14:55 59
-
Cục Người có công tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2024
06-01-2025 20:34 23
-
Thứ trưởng Lê Tấn Dũng gặp mặt cán bộ hưu trí phía Nam mừng Xuân Ất Tỵ
05-01-2025 11:47 27
-
Hội đồng hương Nghệ An tại TP.HCM trao 500 triệu đồng ủng hộ người nghèo tỉnh Nghệ An đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
05-01-2025 09:50 37
-
Công viên 3.500 tỷ đồng tại Hà Nội thành hình
04-01-2025 16:29 52