Báo động tình trạng xâm hại trẻ em ở Thanh Hóa
(LĐXH)- Theo số liệu thống kê của Công an tỉnh Thanh Hóa, từ ngày 01/7/2019 đến ngày 30/6/2021, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 135 trẻ em bị xâm hại được phát hiện và xử lý. Trong đó có 18 trẻ em bị bạo lực, 99 trẻ em bị xâm hại tình dục, 01 trẻ em bị mua bán và 17 trẻ em bị các hành vi xâm hại khác.
Nhiều năm qua, mặc dù các cấp chính quyền, các ngành chức năng tỉnh Thanh Hóa đã quan tâm, tập trung triển khai thực hiện tốt các chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Tuy nhiên, tình hình xâm hại trẻ em vẫn còn xảy ra và có chiều hướng gia tăng. Cụ thể, từ tháng 7/2019 đến 6/2020, có 53 trẻ em bị xâm hại; từ tháng 7/2020 đến tháng 6/2021, có 82 trẻ em bị xâm hại (tăng 29 trường hợp so với cùng kỳ năm 2020).
Các hành vi xâm hại trẻ em đa số là xâm hại tình dục đối với trẻ em gái (như hiếp dâm, giao cấu, dâm ô...), chiếm 73,3% trên tổng số trẻ em bị xâm hại.
Đối tượng thực hiện hành vi xâm hại trẻ em (đặc biệt xâm hại tình dục trẻ em) phần lớn có mối quan hệ gần với nạn nhân, như: bố dượng; anh, em, họ hàng của cha, mẹ trẻ em; hàng xóm… Các đối tượng xâm hại trẻ em thường lợi dụng các mối quan hệ quen biết với gia đình, những trẻ em có hoàn cảnh éo le, không được sự quan tâm, chăm sóc đầy đủ của gia đình; lợi dụng lúc trẻ em ở nhà một mình, trẻ em một mình đi vào khu vực vắng vẻ, dùng vũ lực; lợi dụng sự non nớt về thể chất, tinh thần, nhận thức của trẻ em để dụ dỗ, ép buộc xâm hại trẻ em. Sau đó, các đối tượng dùng mọi biện pháp để khống chế, mua chuộc để tránh bị tố cáo, phát hiện.
Truyền thông về phòng, chống bạo lực học đường và chống xâm hại trẻ em ở Thanh Hóa
Từ đầu năm 2020 đến nay, mặc dù do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, song Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thanh Hóa đã tổ chức 12 lớp tập huấn nâng cao năng lực về công tác bảo vệ trẻ em cho 780 lượt cán bộ làm công tác trẻ em cấp huyện và cấp xã; trang bị kiến thức kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em, kỹ năng tự bảo vệ cho 2.242 đại biểu là các bậc phụ huynh, trẻ em tại cộng đồng; in và cấp phát 34.000 tờ rơi tuyên truyền về phòng, chống HIV/AIDS cho gia đình và trẻ em, phòng, chống đuối nước trẻ em; 4.000 cuốn sách “tài liệu hướng dẫn thúc đẩy quyền tham gia trẻ em” và “tài liệu hướng dẫn mô hình câu lạc bộ trẻ em”; in và cấp 2.000 cuốn Sổ theo dõi trẻ em trong gia đình tới từng thôn, bản, khu phố trên địa bàn tỉnh để cập nhật thông tin trẻ em; tổ chức treo 125 băng-rôn, khẩu hiệu tuyên truyền nhân Tháng hành động vì trẻ em…
Bên cạnh đó, trung bình mỗi năm, Sở Tư pháp Thanh Hóa thực hiện khoảng 300 cuộc truyền thông về trợ giúp pháp lý và thực hiện tham gia tố tụng hơn 500 vụ việc cho các đối tượng được trợ giúp pháp lý có lồng ghép và liên quan đến các quy định của pháp luật về trẻ em. Riêng năm 2020, thực hiện 125 vụ án liên quan đến trẻ em và người từ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi; trong 06 tháng đầu năm 2021, thực hiện 49 vụ liên quan đến trẻ em và người từ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi.
Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo tổ chức tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh của các xã, phường, thị trấn trong tỉnh, gắn với tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam; đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật, các tệ nạn xã hội, bài trừ mê tín dị đoan nhân Tháng hành động vì trẻ em hàng năm. Tính đến tháng 6/2021, toàn tỉnh đã duy trì và nhân rộng được 410 mô hình phòng, chống bạo lực gia đình với 2.050 câu lạc bộ "Gia đình phát triển bền vững", từ đó đã tác động giảm thiểu các vụ bạo lực, các vụ xâm hại trẻ em xảy ra.
Tiếp đó, Sở Giáo dục và Đào tạo, Công an tỉnh, Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh theo chức năng nhiệm vụ của mình cũng đã thường xuyên triển khai các hoạt động thông tin, tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em tại các trường học, địa bàn dân cư đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số…
Thông qua hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức, giáo dục pháp luật về bảo vệ và chăm sóc, giáo dục trẻ em, trong đó tập trung vào phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em đã có những tác động tích cực đến nhận thức và hành động của các cấp, các ngành và nhân dân. Đặc biệt là cha mẹ, người trực tiếp chăm sóc trẻ em và trẻ em để từ đó góp phần thực hiện tốt công tác phòng, chống xâm hại trẻ em nhằm bảo vệ an toàn cho trẻ em trên địa bàn tỉnh.
Hiện tại, tỉnh Thanh Hóa có có 06 cơ sở có chức năng cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em công lập và ngoài công lập. Hoạt động của các cơ sở có chức năng cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em đã góp phần không nhỏ trong công tác phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em bị xâm hại; giúp trẻ em, người chăm sóc trẻ em có kiến thức, kỹ năng phòng, chống xâm hại, kết nối dịch vụ phù hợp cho trẻ em bị xâm hại, trẻ em có nguy cơ bị xâm hại và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
Đến nay, nhận thức của nhân dân về vấn đề xâm hại trẻ em, đặc biệt là bạo lực và xâm hại tình dục trẻ em ở Thanh Hóa ngày càng được nâng cao; người dân đã nhận diện được các hành vi xâm hại trẻ em, dám lên tiếng, dám tố cáo các hành vi này. Tuy nhiên, việc ngăn chặn tiến tới đẩy lùi các hành vi xâm hại trẻ em, đảm bảo môi trường sống an toàn cho trẻ em còn gặp phải những khó khăn. Do đó, Thanh Hóa cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các cấp chính quyền, các ngành, của toàn thể xã hội.
Chí Tâm
Từ khóa:
-
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tặng quà Tết Ất Tỵ đối tượng chính sách khó khăn huyện Lý Nhân
10-01-2025 08:02 32
-
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Dành những điều tốt nhất đối với người có công bằng trách nhiệm tri ân
10-01-2025 07:04 56
-
Hoa quả Phương Toản tặng bánh chưng cho khách hàng dịp Tết Nguyên đán 2025
09-01-2025 18:18 06
-
Yêu cầu các địa phương báo cáo về nhu cầu và kinh phí hỗ trợ nhà ở cho người có công trước 15/1
08-01-2025 13:40 25
-
Yên Bái phấn đấu xóa trên 2.200 nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025
07-01-2025 15:07 35
-
Thị trường mỹ phẩm cận Tết Nguyên Đán: 'Thật giả lẫn lộn'
07-01-2025 14:55 59
English Review
Many important results in vocational training in Vietnam
English Review | 07-01-2025 14:13 46