Tham dự buổi Lễ có TS Nguyễn Văn Hồi – Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội; TS Phạm Ngọc Thành, Giám đốc cơ sở 2 Trường Đại học LĐXH tại TP.HCM; Phó GS-TS Trần Thu Hương- Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn...
Phát biểu tại Lễ Bế giảng, TS Nguyễn Văn Hồi – Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội phấn khởi chúc mừng 52 học viên đều đã vượt qua khóa học, với kết quả tốt. TS Nguyễn Văn Hồi cho rằng, thông qua báo cáo của giảng viên và học viên của lớp cho thấy, khóa học rất hay và thực sự có ích cho từng học viên khi trở về công tác tại các cơ quan đơn vị. Theo đó, TS Nguyễn Văn Hồi mong muốn, đầu tiên và là điều quan trọng nhất là khi đối mặt với thực tiễn công việc, với vấn đề sức khỏe tâm thần các học viên biết biến những điều đã học vào hiện thực, đem lại hiệu quả cao nhất trong việc chăm sóc, phục hồi chức năng cho người bệnh tâm thần.
Các đại biểu tham dự Lễ bế giảng
“Như các bạn đã biết, trước đây sức khỏe tâm thần chỉ là tâm thần phân liệt; hiện nay qua học và nghiên cứu chúng ta thấy sức khỏe tâm thần không phải chỉ có nhóm sức khỏe tâm thần phân liệt truyền thống, mà còn có nhóm người bệnh trầm cảm, Stress, nhóm đối tượng nghiện rượu, nghiện ma túy, đặc biệt gần đây là trầm cảm sau sinh. Sức khỏe tâm thần hiện nay là rất rộng, rất nghiêm trọng. Đây là vấn đề rất quan trọng, đặt lên vai các đồng chí khi quay trở về cơ quan, đơn vị phải giải quyết. Hiện nay vấn đề người tâm thần phân liệt các cơ sở đang can thiệp đã đạt được nhiều hiệu quả, nhưng bệnh trầm cảm sau sinh hay lo âu dẫn đến bị Stress thì hầu hết các cơ sở chưa các hoạt động trị liệu cho các nhóm này ”: TS Nguyễn Văn Hồi chia sẻ.
TS Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Bảo trợ Xã hội trao chứng nhận cho các học viên hoàn thành lớp đào tạo cán bộ chăm sóc sức khỏe Tâm thần khóa VIII năm 2020
Theo TS Nguyễn Văn Hồi, chính sách về lĩnh vực sức khỏe tâm thần, chúng ta đã có nhiều, cao nhất là luật. Chính phủ cũng ban hành các chính sách liên quan, trợ cấp, trợ giúp cho người có vấn đề sức khỏe tâm thần. Số lượng người bệnh có sức khỏe tâm thần rất lớn, cả nước có cả hàng chục triệu người. Chính sách trợ cấp xã hội cho những người có sức khỏe tâm thần, đều được giải quyết hết. Tất cả những người có sức khỏe tâm thần nặng và rất nặng đã được cấp BHYT toàn bộ. Đặc biệt, chúng ta đã hình thành được mạng lưới hàng 100 trung tâm, cơ sở chuyên sâu về chăm sóc phục hồi chức năng người bệnh tâm thần,… Với đội ngũ cán bộ, nhân viên hàng chục ngàn người. Nhưng vấn đề lớn là chúng ta có cơ sở vật chất, chúng ta có đội ngũ cán bộ, nhân viên nhưng chúng ta lại thiếu những con người có kiến thức chuyên sâu, kỹ năng làm việc chuyên nghiệp, đáp ứng việc can thiệp trong chăm sóc sức khỏe tâm thần. Chính vì vậy, Bộ LĐ-TB&XH, cũng như Cục Bảo trợ xã hội hết sức quan tâm đến công tác đào tạo phát triển nguồn nhân lực chăm sóc sức khỏe tâm thần giỏi kiến thức rộng, chuyên môn sâu và kỹ năng làm việc chuyên nghiệp. Trên cơ sở đó, TS Nguyễn Văn Hồi đề nghị, với những kiến thức, kỹ năng được giảng viên hướng dẫn và qua nghiêm cứu, ngay khi trở về cơ quan, đơn vị công tác, các học viên phải xây dựng chương trình hành động, thể hiện được cho chính mình và cho cơ quan, đơn vị của mình, có được sự thay đổi.
TS Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Bảo trợ Xã hội trao chứng nhận cho các học viên hoàn thành lớp đào tạo cán bộ chăm sóc sức khỏe Tâm thần khóa VIII năm 2020
Báo cáo về chương trình học trước đó, Phó GS-TS Trần Thu Hương, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn cho rằng, trong lớp học của chúng ta, khóa 8 đặc điểm học viên đều trẻ hơn các khóa trước. Việc sức trẻ, sức khỏe và sự tỉnh táo của các học viên nên từ đầu đến giờ học nhiều môn rất khó và còn kết hợp ứng dụng ngay trong lớp như: Tâm lý học lâm sàng; Hướng dẫn điều trị đối với bệnh nhân tâm thần; Tham vấn cơ bản trong chăm sóc sức khỏe tâm thần; Công tác xã hội trong chăm sóc sức khỏe tâm thần; Chăm sóc và phục hồi chức năng cho người bệnh chậm phát triển; Chăm sóc và phục hồi chức năng cho người bệnh sa sút trí tuệ; Quản lý ca về chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần và Chăm sóc trẻ tự kỷ,… Thời gian học khá dài và vấn vả, nhưng các học viên đều đã vượt qua. Phó GS-TS Trần Thu Hương mong muốn các học viên học xong, về cơ quan, đơn vị ứng dụng được kiến thức đã học một cách hiệu quả.
Trong thời gian học tập các học viên đã được đi thăm quan tại Trung tâm xã hội tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Tại đây các học viên đã được tiếp cận thực tế trong việc chăm sóc, hỗ trợ đối tượng có vấn đề về sức khỏe tâm thần. qua đó đã giúp học viên có kinh nghiệm trong làm việc trực tiếp với người bệnh tâm thần. Đồng thời, chuyến đi này cũng tạo điều kiện để các học viên có cơ hội trao đổi kinh nghiệp với các học viên khác trong lớp và cán bộ, nhân viên, y bác sỹ của Trung tâm xã hội tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Việc sắm vai, làm các bài tập nhóm được thực hiện thường xuyên, với nhiều cách thức khác nhau đã giúp các học viên nâng cao tính chủ động, sáng tạo trong công việc và mang lại hiệu quả cao. Bên cạnh việc học tập, hoạt động khởi động đầu giờ học được tiến hành thường xuyên, đã giúp các học viên được trau dồi thêm các kiến thưc, kỹ năng về cách thức tổ chức các trò chơi, huy động sự tham gia của thành viên, tạo sự gắn kết tương tác giữa học viên và giảng viên.
TS Phạm Ngọc Thành – Giám đốc cơ sở 2 Trường đại học LĐXH tại TP.HCM trao giấy chứng nhận cho các học viên
Còn báo cáo trước đó về kết quả học tập với Cục trưởng và Lãnh đạo Trường Đại học LĐXH cùng các thầy cô giáo, đại diện Ban cán sự lớp cho biết, khóa học được khai giảng từ ngày 4/6/2020 với 52 học viên (27 nam, 25 nữ) là các chuyên viên, nhân viên các cơ sở mái ấm, quản lý giáo dục từ các trung tâm bảo trợ xã hội, cơ sở cai nghiện ma túy, bệnh viên,… từ các tỉnh, thành phố khu vực miền Nam như: Bình Thuận, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, TP.HCM, Long An, Bến Tre, Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, An Giang, Kiên Giang,… Thời gian học tương đối dài và liên tục cả ngày thứ bảy, chủ nhật,.. nên các học viên đôi lúc có sự mệt mỏi, làm ảnh hưởng đến việc học. Nhưng với sự quan tâm, tạo điều kiện của Cục Bảo trợ Xã hội và Cơ sở 2 Trường Đại học LĐXH tại TP.HCM, trong việc ăn, ở rất chu đáo cộng với sự hỗ trợ nhiệt tình của cán bộ, nhân viên, giảng viên Nhà trường. Theo đó, các học viên tham gia các môn học khá đầy đủ, đúng thời gian quy định và đã hoàn thành tốt các bài kiểm tra kết thúc môn.
TS Nguyễn Văn Hồi, Cục trưởng Bảo trợ Xã hội và lãnh đạo Trường ĐH LĐ XH CS 2 tại TPHCM cùng các đại biểu, học viên chụp ảnh lưu niệm
Phát biểu chúc mừng các học viên đã hoàn thành khóa học, TS Phạm Ngọc Thành – Giám đốc cơ sở 2 Trường đại học LĐXH tại TP.HCM cho rằng, khóa học dài nhưng các học viên đã xây dựng được kế hoạch theo học rất nghiêm túc và cầu thị. Đặc biệt, là các thầy cô giáo đã sử dụng rất nhiều phương pháp tích cực để các học viên tham gia. Vì các học viên đều là những người đang làm việc trực tiếp ở các cơ sở, ứng dụng ngay kiến thức chuyên môn vào công việc của mình. “Trong thời gian các anh, chị học tập với thái độ nghiêm túc và chấp hành tốt quy định của Nhà trường. Tôi huy vọng và tin tưởng rằng, các anh, chị học viên đã tiếp thu được những kiến thức, kỹ năng rất bổ ích để phục vụ công việc tiếp theo của mình khi chúng ta trở về các đơn vị,…”: TS Phạm Ngọc Thành đánh giá.
Đăng Hải
-
Thành phố Hồ Chí Minh số lao động rút BHXH một lần giảm mạnh
11-01-2025 10:49 00
-
Huyện Phú Bình: Tích cực, chủ động thực hiện chính sách ưu đãi người có công
10-01-2025 19:53 53
-
Quảng Nam: Năm 2024, tỷ lệ giải ngân vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo đạt 58%
10-01-2025 19:53 48
-
TP.HCM: Lập Đoàn 35 thăm tặng quà các đơn vị, cá nhân dịp Tết Ất Tỵ năm 2025
09-01-2025 15:37 31
-
Bắc Giang: Khẳng định vai trò của phụ nữ trong xã hội hiện đại
09-01-2025 12:18 09
-
Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội Thủ đô: Quyết tâm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2025
09-01-2025 12:13 45