“Bên bờ nước” – Cuộc gặp mặt các tư tưởng triết học thế giới
(LĐXH)-Nhân dịp ra mắt cuốn sách bên “ Bên bờ nước” của tác giả Đỗ Cao Sang, một con người đa tài, chúng tôi đã có đã có cuộc phỏng vấn ông về những sáng tác của mình.
PV: Ông có thể chia sẻ vài điều về những cuốn sách của mình?
Tác giả Đỗ Cao Sang: “Lịch sử thú vị hơn em tưởng” với loại thơ 5 chữ ra đời trước. Cuốn sách viết về nhân vật và sự kiện của lịch sử Việt Nam. Ở đó không đơn giản là tiểu sử nhân vật mà là những sự kiện chọn lọc từ xưa đến nay. Cuốn sách được viết với phong cách dễ hiểu, trong sáng dành cho học sinh, sinh viên là chính. Tuy nhiên, những người yêu sử nói chung đều có thể đọc được. “Bên bờ nước” ra đời sau.
Đây là những cuốn sách tập hợp từ các bài viết trên facebook cá nhân của tôi và được cộng đồng đánh giá cao. Nhiều bạn bè động viên tôi cùng in được 3.000 bản. Cuốn “Lịch sử thú vị hơn em tưởng” ra đời trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần và nay đã bán online với số lượng khá nhiều. Cuốn sách được các nhà trường, bạn đọc đánh giá cao. Tới đây tôi sẽ mang lên vùng Cao Bằng, Hà Giang, Sơn La để vừa tặng, vừa bán nhằm giúp học sinh những nơi này tìm ra lối học sử mới, thú vị, gần gũi, dễ hiểu hơn.
Bên bờ nước là cuốn sách tổng hợp cả văn chương, lịch sử, triết học… Cuốn sách được viết theo lối remix . Phần đầu của sách dựa vào Thủy Hử của tác giả Thi Nại Am, một trong 4 tác phẩm văn học Trung Quốc kinh điển nhất. Chương đầu chỉ làm cho người đọc tìm ra khí chất của Thủy Hử.
Ba phần còn lại của sách là các dòng chính trong lịch sử tư tưởng nhân loại. Các phần này trình bày thế giới quan phổ biến đã và đang thịnh hành từ bán đảo Ả Rập đến châu Âu, Đông Á, thổ dân châu Phi.
Các bạn trẻ sẽ được tìm hiểu gián tiếp mọi luồng tư duy để mở rộng nhãn kiến ra thế giới. Trên kệ sách, bạn khó có thể đặt nó và mục nào. Một phần giống văn học, một phần giống triết học, một phần giống sách sử hoạt kê. Các câu danh ngôn, những ý kiến gợi mở trải rộng trên nhiều hoàn cảnh và nhiều lĩnh vực. Tính ứng dụng và phổ quát của các quan điểm triết học được trình bày rất đa dạng và dễ hiểu. Nhắc lại, nghiên cứu triết học không phải để kết luận đúng sai. Nó là cách để mài sắc tư duy và thu về một tầm nhìn bao quát. Sách này không nên đọc nhanh cho xong. Nó cần nghiền ngẫm và đọc thường xuyên cả đời. Nói thế không có nghĩa là tôi quá nâng cao bản thân. Chỉ vì đây là tập hợp trí tuệ nhân loại mà tôi đã tổng hợp lại. Tôi không phát minh ra chúng, tôi chỉ nhặt và xâu nó lại. Đọc cuốn sách giống như ta đi vào rừng hoa và mỗi bông hoa lại có vẻ đẹp khác nhau. Có thể mỗi người đọc sẽ thích một loài hoa khác nhau và tôi là người mang rừng hoa đó đến cho người đọc qua ngôn ngữ của văn chương. Cuốn sách giới thiệu bằng ngôn ngữ của tiểu thuyết thơ, nhưng không có chương, hồi, mục khiến bạn đọc tiếp nhận được nhẹ nhàng hơn. Ví dụ tôi giới thiệu tư tưởng của Osho, Khổng Tử, Lão Tử… bằng thơ nhưng không ghi rõ vào sách mà để cho bạn đọc tự cảm thụ.
PV: Thời gian ông dành cho sáng tác những tác phẩm này như thế nào?
Tác giả Đỗ Cao Sang: Thực ra cuốn sách là tập hợp những bài đăng trên facebook nên có những bài ra đời khá lâu rồi. Chẳng hạn phần tư tưởng triết học lịch sử có từ năm 2012, nghĩa là khoảng 10 năm rồi. Phần truyện Thủy Hử thì từ khoảng năm 2016.
Thực ra trong cuộc sống người ta hay nói kế hoạch, chủ trương này nọ nhưng với tôi là làm việc theo sở trường, sở thích. Khi xâu chuỗi lại tôi nghĩ đó là một phát kiến của tư duy. Cách làm này tôi từng thấy trong những tác phẩm của Vũ Trọng Phụng, Tô Hoài, hay “Tấn trò đời” của Banzac… Lúc nào vui thì tôi sáng tác. Có khi tháng không được bài nào những cũng có lúc được cả chục bài.
Tác giả Đỗ Cao Sang
PV: Tại sao ông lấy tên cuốn sách của mình là “Bên bờ nước”?
Tác giả Đỗ Cao Sang: Vì nó gây tò mò. Thêm nữa là nó phản ánh sự khiêm nhường. Cuốn sách phản ánh những tư tưởng triết học, lịch sử sâu xa nhưng nếu dùng một tiêu đề cao siêu thì sẽ trở thành khoa trương. Cái nội dung bên trong quý giá thì vỏ bên ngoài đơn giản để người đọc cảm thấy sự mông lung, tò mò.
Nếu để ý người đọc cũng có thể thấy rằng “Bên bờ nước” chính là “Thủy hử” bằng tiếng Việt. Khi tác giả Thi Nại Am đặt tên Thủy hử là có ý rằng đây là những câu chuyện tầm phào, vớ vẩn, đừng coi nó là linh thiêng, to tát mà chỉ có tính giải trí thôi, mấy chuyện tán phét của các bà ngồi bên bờ nước. Anh hùng hảo hán hay cao thủ trên đời cũng chỉ là bên bờ nước thôi, đừng tâng bốc ai quá đáng.
PV: Tại sao ông lại chọn Thủy hử trong rất nhiều tác phẩm văn chương của thế giới?
Tác giả Đỗ Cao Sang: Ở đây chủ yếu là do cơ duyên. Thực ra ngày xưa tôi tiếp xúc với Thủy hử từ nhỏ. Trẻ con nông thôn ngày xưa không có gì đọc, hiếm sách nên vớ được gì đọc cái đó. Tôi bị hấp dẫn bởi cuốn sách và mê mải với nó. Khi học lớp 9, lớp 10 tôi đã thuộc lòng từng tên nhân vật, từng chi tiết, chương hồi…
Sau này tôi mới cắt nghĩa được tại sao mình thích đến vậy. Thì ra cuốn sách đã khéo léo tác động vào phần gốc rễ, khơi dậy bản năng của con người. Đó là bản năng sống, bản năng chống đối, bản năng phá phách, chống đối trước bất công, bạo tàn, dơ dáy. Những câu chuyện về Dương Chí, Lâm Xung, Lỗ Chí Thâm phải lên núi làm cướp đều rất hợp lý dù ban đầu họ đều là những người trung thành. Dù đây là những câu chuyện bịa nhưng lại đưa con người về cuộc sống thật. Tôi nghĩ rằng, tác giả Thi Nại Am phải là một người thoát tục, đứng trên nhân sinh mới mô tả cuộc sống nhân gian hấp dẫn như vậy.
Khi chọn lọc viết lại thành thơ những tình tiết chính, tôi muốn đưa người đọc thấy được phong thái của tác phẩm. Thế hệ trẻ ngày nay có thể một số em thấy cuốn sách quá đồ sộ mà ngại đọc thì có thể đọc “Bên bờ nước” và quay ra tìm đọc “Thủy hử”.
PV: Tại sao lại là Thủy hử mà không phải là một tác phẩm của Việt Nam, thưa ông?
Tác giả Đỗ Cao Sang: Trong văn học, người ta không phân biệt trong ngoài mà chỉ phân biệt hay hay không hay. Người đọc mê một tác phẩm không phải vì nó là tác phẩm của nước nào. Truyện Kiều của Nguyễn Du cũng vốn từ một chuyện của Trung Quốc nhưng rõ ràng là một tác phẩm Việt Nam. Người dân toàn thế giới đều nghe nhạc Beethoven, Mozart... Văn hóa có điểm hay là phi tuyến tính, phi biên giới.
Tác giả Đỗ Cao Sang ký tặng sách cho độc giả
PV: Được biết, ông vốn là thầy giáo của Học viện Khoa học quân sự. Thời gian làm quân ngũ đã ảnh hưởng như thế nào đối với suy nghĩ, tầm nhìn của ông?
Tác giả Đỗ Cao Sang: Quân ngũ dạy cho tôi tính kỷ luật, tính nhẫn nại, đồng thời cho tôi cơ hội đi Mỹ, Australia. Các chuyến đi này giúp tôi mở mang tầm mắt, tôi vừa hiểu được văn hóa của quân đội Việt Nam vừa học được văn hóa của các nước, hiểu đa chiều về văn hóa. Trong hai cuốn sách của tôi đều là những góc nhìn đa chiều. Ví dụ, tôi nhìn thấy Đại tướng Võ Nguyên Giáp hay Nguyễn Chí Thanh… đều là những vị tướng có tầm nhìn xa. Họ đều là những người học rộng, có hiểu biết văn hóa dân tộc sâu sắc. Họ có tâm hồn mở và hiểu rõ cuộc chiến là vì ai, vì điều gì.
Khi đọc sách tôi nghĩ rằng sẽ có nhiều người thích bởi tôi cố gắng đứng trên lăng kính đa chiều để lựa chọn những nội dung hay, phù hợp. Chẳng hạn cũng nói về người cộng sản nhưng tôi khai thác cái hay của người cộng sản.
PV: Cuốn “Lịch sử thú vị hơn em tưởng” có thể dễ dàng nhìn thấy đối tượng độc giả hướng đến. “Bên bờ nước” thì đối tượng độc giả là những ai, thưa ông?
Tác giả Đỗ Cao Sang: “Bên bờ nước” dành cho mọi người. Một cậu bé, người nông dân, một bà cụ già, một trí thức… đều thấy những điều thú vị cho riêng mình.
PV: Khi sáng tác theo kiểu remix (viết lại) ông có sợ ảnh hưởng đến đánh giá của bạn đọc với sáng tác của mình không?
Tác giả Đỗ Cao Sang: Chúng ta đều thấy thế giới ca ngợi Nguyễn Du với Truyện Kiều chứ không ai bảo Thanh Tâm Tài Nhân giỏi. Việc dựa trên cốt gì theo tôi không quan trọng mà là việc xử lý thế nào. Giống như việc làm bánh ta phải mua bột ở chợ dù bột đó ta không làm ra. Nhưng khi làm bánh ngon thì người thưởng thức sẽ khen tài của người làm bánh chứ không ai nói đến người bán gạo.
PV: Thời buổi bây giờ mà dám in thơ là rất dũng cảm. Ông lại là một thầy giáo dạy ngoại ngữ. Cơ sở nào để ông quyết định in những tập thơ đòi hỏi sự công phu như vậy?
Tác giả Đỗ Cao Sang: Điều này xuất phát từ giá trị được độc giả trên mạng xã hội, bạn bè tôi đánh giá. Thêm nữa, theo đánh giá khách quan, cởi mở, tôi cũng tự nhận thấy nên in.
PV: Mong muốn của ông khi xuất bản hai cuốn sách “Bên bờ nước” và “Lịch sử thú vị hơn em tưởng” là gì?
Tác giả Đỗ Cao Sang: Tôi làm cho vui, thỏa mãn ý nguyện chia sẻ những gì mình biết, mình có. Vì thế tôi cũng mong độc giả thấy hay, vui với những cuốn sách này, đỡ sa đà vào những thú tiêu khiển gây hại.
PV: Ông có thể “bật mí” những dự án sau này của mình không?
Tác giả Đỗ Cao Sang: Sẽ là Lịch sử thú vị hơn em tưởng về danh nhân, sự kiện thế giới vào tháng 5; Đất và người Nam bộ vào cuối năm.
PV: Trân trọng cảm ơn ông.
Mỹ Hạnh
Từ khóa:
-
Chặng “nước rút” của TikTok Awards Việt Nam 2024: Câu chuyện nào sẽ được xướng tên vào ngày 23/11 sắp tới
22-11-2024 18:20 50
-
Bảo tồn và phát huy giá trị các di tích quận Tây Hồ
22-11-2024 18:20 30
-
Triển lãm "Sáng đạo trong đời" với những tác phẩm mang tinh thần Phật giáo
22-11-2024 11:00 04
-
NSƯT Hồng Liên, Hồ Quỳnh Hương lan toả tinh thần Phật giáo tại đêm nhạc “Sáng Đạo Trong Đời”
17-11-2024 22:24 57
-
Chính thức khai mạc Liên hoan Sáng tạo & Thiết kế Việt Nam 2024 tại Hà Nội
17-11-2024 20:02 08
-
Tuần lễ chiếu phim hoạt hình Việt - Pháp miễn phí
16-11-2024 19:33 40