Xã hội
Bình Định: Còn nhiều khó khăn trong công tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh
11:10 AM 23/06/2017
(LĐXH) - Chiến tranh đã lùi xa, nhưng hàng chục năm qua, cùng với cả nước, tỉnh Bình Định vẫn đang hàng ngày, hàng giờ nỗ lực hàn gắn vết thương do chiến tranh để lại, trong đó có nhiệm vụ vô cùng quan trọng, đó là khắc phục hậu quả bom, mìn, làm sạch những vùng “đất chết”, giữ bình yên cho nhân dân.
Theo số liệu khảo sát lập bản đồ ô nhiễm bom mìn - vật nổ trên địa bàn tỉnh từ năm 2010 cho thấy còn khoảng 246.834ha (chiếm tỉ lệ 40,79% diện tích đất tự nhiên) bị ô nhiễm bom, mìn, vật nổ. Trong đó, tập trung nhiều nhất ở các huyện: An Lão, Phù Mỹ, Phù Cát, Hoài Nhơn, Vân Canh, Tây Sơn. Những vùng đất ô nhiễm bom mìn trở thành nỗi ám ảnh của người nông dân trong quá trình khai hoang, canh tác.
Nỗi ám ảnh thời bình
Theo thống kê chưa đầy đủ, đến năm 2014, toàn tỉnh đã xảy ra 627 vụ tai nạn về bom mìn, làm chết 1.045 người và bị thương 3.049 người. Trong đó, tai nạn trong lúc khai hoang đất sản xuất và canh tác: 289 vụ; thu gom, cưa đục bom mìn, đào, buôn bán phế liệu: 216 vụ; làm đường giao thông, đào mương thủy lợi, xây dựng công trình kinh tế, xã hội: 72 vụ; trẻ em tò mò, thiếu hiểu biết đùa nghịch bom mìn gây nổ: 50 vụ.
Ông Hồ Binh (63 tuổi, ở thôn Cảnh An, xã Cát Tài, huyện Phù Cát) bị hỏng đôi mắt do gặp phải bom mìn phát nổ trong khai hoang, trồng trọt cho biết: “Người nhà quê chủ yếu làm nông nghiệp, canh tác trên đất. Vậy mà lòng dạ thắc thỏm vì không biết trong đường cày, nhát cuốc của mình vào lòng đất có gặp phải thứ vật nổ còn sót lại từ hơn 40 năm trước hay không. Tôi may mắn giữ được tính mạng chứ nhiều người không được may mắn như vậy”.
Rà phá bom mìn, trả lại màu xanh cho từng tấc đất
Cũng sợ mất mạng vì bom mìn, song vì lợi nhuận trước mắt, một bộ phận người dân đã chủ động thu nhặt, cưa cắt các loại bom mìn, vật nổ còn sót lại để lấy thuốc nổ, sắt thép bán phế liệu. Theo thống kê, từ sau ngày giải phóng đến nay, có hơn 210 vụ thu gom, cưa đục bom mìn để bán phế liệu dẫn đến phát nổ, làm thiệt mạng, thương tật vĩnh viễn hàng trăm người. Dữ dội và tập trung nhất vẫn là những vụ nổ, những cái chết tại khu vực Đèo Son (TP Quy Nhơn) của hơn 10 năm trước. 
Vài năm trở lại đây, không còn những vụ nổ làm chấn động khu dân cư, song sự xuất hiện của bom mìn, vật nổ tiếp tục làm người dân bất an. Trong lúc thi công khắc phục tình trạng lở núi tại khu vực Gò Dê (thôn An Thường 2, xã Ân Thạnh, huyện Hoài Ân), chính quyền xã đã phát hiện một quả bom chưa nổ dài 2,2 m, nặng gần 250kg.
Gần đây nhất, vào cuối tháng 3.2017, gia đình ông Nguyễn Bân (ở thôn Lý Chánh, xã Nhơn Lý, TP Quy Nhơn) phát hiện khoảng 10 viên đạn M79 trong lúc đào móng làm nhà. Dù, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã phối hợp Ban Chỉ huy Quân sự cấp huyện và chính quyền địa phương thu gom, xử lý các vật nổ được phát hiện, song người dân quanh vùng vẫn bất an. 
Nỗ lực hồi sinh những vùng “đất chết”
Thời gian qua, các cấp, ngành của tỉnh đã vào cuộc để khắc phục hậu quả của bom, mìn. Từ sau 30.4.1975 đến hết năm 1977, tỉnh ta đã dò gỡ trên 200 bãi mìn và các khu vực bị ô nhiễm bom mìn nặng, giải phóng diện tích 815ha; thu gom và xử lý 84.754 bom mìn, vật nổ các loại.
Từ năm 1978 đến năm 2016, đã dò tìm, xử lý được trên 8.000ha (tập trung các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các khu vực trọng điểm ô nhiễm bom mìn nặng,...); thu gom và xử lý 288.199 bom mìn, vật nổ các loại. Riêng dự án thuộc Chương trình 504 do Nhà nước hỗ trợ (năm 2013) đã giải phóng được 1.200 ha đất (TP Quy Nhơn: 300ha, huyện Hoài Nhơn: 200ha, TX An Nhơn: 700ha), thu gom và tiêu hủy được 2.278 bom mìn, vật nổ các loại.
Đại diện các tổ chức trong và ngoài nước chia sẻ kinh nghiệm quản lý rủi ro bom mìn
với các ngành, đơn vị liên quan tại Bình Định vào cuối tháng 3.2017.
Được biết, cuối năm 2014 và 2015, Cơ quan hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) phối hợp các ngành Trung ương đã khảo sát thực trạng ô nhiễm bom mìn, vật nổ trên địa bàn tỉnh. Qua đó, tạm xác định khoảng 3.000 - 4.000 ha đất bị ô nhiễm bom mìn sẽ được tài trợ KPHQBM từ dự án. Dự án gồm các hợp phần: khảo sát kỹ thuật và rà phá bom mìn; hỗ trợ nạn nhân bom mìn; hỗ trợ hệ thống quản lý thông tin KPHQBM; tuyên truyền giáo dục nâng cao ý thức phòng tránh tai nạn bom mìn... Hiện, các cơ quan chức năng đang hoàn thiện dự án trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. 
Có thể nói, những nỗ lực trong khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ của các đơn vị liên quan thời gian qua là rất đáng ghi nhận. Song, để “làm sạch” hàng trăm ngàn hecta đất với khoảng 25.000 tấn bom mìn còn sót lại, Bình Định còn mất rất nhiều thời gian và nguồn lực.Theo thượng tá Trần Quang Lập, Trưởng ban Khoa học quân sự, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, đến nay, Bình Định mới xử lý, thu gom bom mìn, vật nổ trên bề mặt đất, còn chưa can thiệp số bom mìn, vật nổ còn nằm sâu trong lòng đất. “Thời gian qua, các khảo sát, khoanh vùng của Bình Định phần lớn là khảo sát phi kỹ thuật (tức chưa có sự tham gia của máy móc, phương tiện kỹ thuật trong xác định vùng ô nhiễm bom mìn mà chủ yếu là dựa trên thông tin lịch sử). Các khảo sát kỹ thuật đòi hỏi chi phí cao mà khả năng của tỉnh chưa thể triển khai. Ngay cả khi có được nguồn lực lớn, chúng ta cũng sẽ mất rất nhiều thời gian để giải phóng các vùng đất bị ô nhiễm. Ví dụ như Quảng Trị, sau khi đã huy động được nguồn lực lớn, kể cả sự tài trợ của các tổ chức phi chính phủ, đến nay họ chỉ mới giải phóng được 2,4% diện tích đất bị ô nhiễm”, thượng tá Trần Quang Lập trao đổi. 
Tại hội thảo chia sẻ kinh nghiệm KPHQBM với tỉnh Quảng Trị vào cuối tháng 3 vừa qua, ông Lập cũng thẳng thắn nhìn nhận quy trình thu gom, xử lý bom mìn sau khi phát hiện của tỉnh ta còn khá chậm (nhanh nhất là nửa tháng), làm nguy hiểm, ảnh hưởng tâm lý và sinh hoạt của người dân. Ông kỳ vọng, với Dự án “KPHQBM sau chiến tranh tại Việt Nam” giữa Việt Nam và Hàn Quốc, triển khai tại Bình Định và Quảng Bình từ năm 2016 đến 2020, sẽ giúp tỉnh ta khắc phục những hạn chế này./.
Nguyễn Hiền
Từ khóa: