Bình Định đảm bảo 100% số vụ trẻ em bị xâm hại được điều tra xử lý
(LĐXH)-Theo thống kê, từ ngày 01/7/2019 đến 30/6/2021, tỉnh Bình Định xảy ra 75 vụ xâm hại trẻ em với 90 đối tượng (trong đó có 76 trẻ em gái bị xâm hại). 100% số vụ được phát hiện, cơ quan điều tra đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và tiến hành điều tra làm rõ, đề nghị Viện kiểm sát nhân dân truy tố theo quy định của pháp luật.
Theo đánh giá của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Bình Định, tình hình xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em diễn ra đáng lo ngại, tính chất mức độ có chiều hướng gia tăng, gây bức xúc trong dư luận và để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng cho trẻ em, gia đình và xã hội. Trong đó, nổi lên tội phạm hiếp dâm người dưới 16 tuổi và giao cấu người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi.
Đối tượng gây án chủ yếu là những người có trình độ thấp, đua đòi, ăn chơi, không có nghề nghiệp ổn định, nhất là các đối tượng sử dụng mạng xã hội để làm quen, rủ rê các em gái hoặc lợi dụng địa hình vắng vẻ để thực hiện hành vi xâm hại. Cá biệt có những vụ đối tượng gây án là người thân, có quen biết, thường xuyên tiếp xúc với trẻ hoặc có quan hệ với người thân trong gia đình của trẻ, thậm chí một số vụ xâm hại tình dục trẻ em mang tính chất loạn luân, như: cha ruột, cha dượng xâm hại con ruột, con nuôi, con riêng của vợ dẫn đến mang thai; một số vụ xảy ra trong thời gian dài mới bị phát hiện, xử lý.
Cùng với số lượng vụ việc xâm hại tình dục có chiều hướng gia tăng, các hành vi xâm hại thể chất, tâm lý hoặc bạo hành đối với trẻ em cũng có diễn biến phức tạp. Đặc biệt, trong thời gian bị ảnh hưởng do dịch bệnh COVID-19, phần lớn người lao động bị mất việc làm, giảm thu nhập, trẻ không được đến trường.
Các gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn hoặc bố mẹ ly hôn, ly thân, bố mẹ mắc các tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật đang là nguyên nhân nảy sinh các hành vi bạo lực, xâm hại, nhất là xâm hại tình dục đối với trẻ em...
Bên cạnh đó, không ít gia đình do bố mẹ, người lớn sống thiếu gương mẫu, thiếu trách nhiệm với con cái cũng tạo ra sự mất an toàn cho trẻ em ngay trong chính gia đình của mình. Mặt khác, đa số những trẻ em bị ngược đãi, xâm hại và gia đình các em này đều có tâm lý mặc cảm, tự ti, lo sợ bị trả thù nên không dám tố cáo kẻ gây hại và che dấu hoàn cảnh bị tổn thương của trẻ em, dẫn đến tình trạng bỏ sót tội phạm và nạn nhân chậm được chăm sóc, hỗ trợ.
Cùng với tiến bộ của công nghệ thông tin là sự du nhập của các loại văn hóa phẩm độc hại, những trang web đen, game online, phim ảnh ngoài luồng có tính chất bạo lực, khiêu dâm thâm nhập và sự tha hóa, biến chất về đạo đức, lối sống của một bộ phận cá nhân… Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc giáo dục đạo đức, hình thành nhân cách trẻ em, làm gia tăng tội phạm, trong đó có tội phạm bạo lực, xâm hại trẻ em.
Do nhận thức và hiểu biết chưa toàn diện khiến cho trẻ em khó tự bảo vệ mình, dễ bị bạo lực, xâm hại hơn các đối tượng khác. Bên cạnh đó, sự biến đổi về tâm sinh lý lứa tuổi khiến cho một bộ phận trẻ em dễ bị tác động bởi hoàn cảnh, dễ bị kích động và thích thể hiện, dẫn đến tình trạng chính các em là chủ thể của các hành vi bạo lực, xâm hại.
Tuy nhiên, một trong những dấu hiệu tích cực đó là lượng thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em tăng lên so với thời gian trước đây do nhận thức của người dân đang dần được nâng cao. Đặc biệt, việc tiếp nhận, xử lý thông tin, xử lý vụ việc, bảo mật thông tin, cung cấp dịch vụ hỗ trợ của các cơ quan chức năng được thực hiện theo quy định pháp luật đã từng bước củng cố niềm tin cho người dân và các tổ chức xã hội vào hiệu lực, hiệu quả của việc phòng, chống, ngăn chặn xâm hại trẻ em.
Nhiều năm qua, nhờ triển khai thực hiện tốt công tác bảo vệ trẻ em; phòng, chống xâm hại trẻ em, tỉnh Bình Định luôn duy trì tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt ở mức dưới mức 4% so với tổng số trẻ em; hàng năm đều giảm tỷ lệ gia tăng số trẻ em bị xâm hại.
Trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt được quản lý và có các biện pháp can thiệp, trợ giúp kịp thời với hơn 90% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được trợ giúp, chăm sóc để phục hồi, hòa nhập cộng đồng và có cơ hội phát triển.
Tiếp đó, các cấp, các ngành, địa phương ở Bình Định luôn quan tâm tạo môi trường an toàn, lành mạnh để trẻ em được bảo vệ, chăm sóc và phát triển. Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh được triển khai kịp thời, đầy đủ.
Đặc biệt, các sở, ngành, trong đó nòng cốt là Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã kịp thời tham mưu UBND tỉnh triển khai các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ, chăm sóc trẻ em; ban hành các chương trình, kế hoạch, văn bản chỉ đạo về bảo vệ, chăm sóc, phòng chống xâm hại, bạo lực trẻ em. Công tác truyền thông, tập huấn các chính sách về bảo vệ trẻ đặc biệt Luật Trẻ em, Chỉ thị số 18/CT-TTg, Chỉ thị số 23/CT-TTg, kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em được tích cực triển khai, có sự lan tỏa và hưởng ứng tích cực cộng đồng.
Không chỉ vậy, công tác phối hợp liên ngành ở Bình Định trong thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ trẻ em được thực hiện tốt, thể hiện ở sự vào cuộc của các cấp, các ngành trong việc giải quyết các vụ vi phạm quyền trẻ em. Việc tiếp nhận thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em và hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em bị xâm hại được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định, đảm bảo quyền và lợi ích tốt nhất đối với trẻ em, đã khắc phục và giảm thiểu các yếu tố tiêu cực do hành vi xâm hại gây ra đối với trẻ em.
Để kiềm chế, giảm thiểu tối đa các vụ việc xâm hại trẻ em, Bình Định rất cần sự chung tay của các cơ quan, ban ngành, các tổ chức xã hội và toàn thể nhân dân. Đặc biệt là trách nhiệm của cha, mẹ, người thân trong gia đình các em có hoàn cảnh thuộc diện có nguy cơ cao./.
Chí Tâm
Từ khóa:
-
Tác động của chính sách hỗ trợ ưu đãi giáo dục đối với học sinh nghèo ở Định Hóa
16-11-2024 17:15 30
-
Generali Việt Nam được vinh danh “Doanh nghiệp vì cộng đồng” lần thứ 5 liên tiếp
15-11-2024 22:32 18
-
Thái Nguyên: Chú trọng quản lý các công trình ghi công liệt sĩ
15-11-2024 18:15 50
-
Phú Lộc: Huy động nguồn lực hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo
15-10-2024 11:13 41
-
Cù Lao Dung: Giảm nghèo hiệu quả nhờ đưa lao động đi nước ngoài làm việc theo hợp đồng
15-11-2024 09:56 08
-
Hơn 250 đại biểu dự Hội nghị quốc gia về thực hiện Đề án 161 do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh
14-11-2024 15:18 23