Bình Định đảm bảo môi trường an toàn và lành mạnh cho trẻ em
(LĐXH)- Thời gian qua, tỉnh Bình Định đã luôn quan tâm, tạo điều kiện cho trẻ em nói chung, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nói riêng được tiếp cận các dịch vụ xã hội, vươn lên hòa nhập cuộc sống cộng đồng, đảm bảo môi trường an toàn và lành mạnh để các em có cơ hội phát triển toàn diện.
Bình Định là tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ với dân số 1.487.903 người, trong đó có 373.955 trẻ em dưới 16 tuổi (chiếm tỷ lệ 25,1% dân số), 134.684 trẻ em dưới 6 tuổi (chiếm tỷ lệ 9,05%). Tỉnh có khoảng 3.500 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và xấp xỉ 22.000 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, số trẻ em sống trong hộ gia đình nghèo và cận nghèo là 20.000 trẻ em.
Trong năm 2021, tổng kinh phí thực hiện các chương trình bảo vệ, chăm sóc trẻ của Bình Định được phân bổ là 3,53 tỷ đồng, bao gồm: Chương trình hành động vì trẻ em; bảo vệ trẻ em; phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em; thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em; phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em; Đề án hỗ trợ trẻ em khuyết tật tiếp cận các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em tại cộng đồng; Đề án chăm sóc vì sự phát triển toàn diện trẻ em trong những năm đầu đời tại gia đình và cộng đồng; triển khai thực hiện công tác xây dựng xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em…
Trong đó, đối với công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em, trong 6 tháng đầu năm 2021, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Bình Định đã tích cực phối hợp tổ chức tuyên truyền rộng rãi các nội dung về thực hiện quyền trẻ em; tuyên truyền, quảng bá số điện thoại tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 trên các phương tiện thông tin đại chúng, website đơn vị cũng như tuyên truyền trực tiếp tại các trường học, cộng đồng.
Đồng thời, thường xuyên đăng tải các video clip, bài viết, hình ảnh tuyên truyền, hướng dẫn trẻ em, những người chăm sóc trẻ các chính sách liên quan đến trẻ em, các kỹ năng tự bảo vệ và kỹ năng chăm sóc, bảo vệ trẻ em trên fanpage “treem binhdinh”; tuyên truyền bằng pano, tờ rơi, ap phích: xây dựng 01 pano tuyên truyền, in ấn và cấp phát 1.300 Sổ tay phòng, chống tai nạn thương tích tại nhà trong mùa dịch Covid-19, hơn 30.000 tài liệu bảo vệ, chăm sóc bản thân trong mùa dịch Covid-19 cho trẻ em, cha mẹ, người chăm sóc trẻ và người làm công tác trẻ em.
Bên cạnh đó, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội còn cung cấp hàng nghìn tờ rơi, áp phích về quyền và bổn phận trẻ em, những điều cần biết để tự chăm sóc bản thân trong thời gian ở nhà vì dịch bệnh Covid-19, các biện pháp phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ em, các kỹ năng phòng tránh bạo lực, xâm hại trẻ em.
Theo báo cáo, từ đầu năm 2021 đến nay, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã tổ chức 04 lớp tập huấn phổ biến Luật trẻ em; trang bị kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ em cho trên 300 đại biểu là cha, mẹ của trẻ em, người chăm sóc trẻ em và giáo viên ở các cơ sở mầm non, mẫu giáo tư thục của các huyện: Vĩnh Thạnh, Tây Sơn, Vân Canh và An Lão. Tổ chức 03 lớp tập huấn nâng cao nhận thức về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em và can thiệp, hỗ trợ kịp thời trẻ em lao động trái quy định của pháp luật cho 200 đại biểu là đại diện các cấp, các ngành, cha mẹ, người chăm sóc trẻ em và người sử dụng lao động tại huyện Phù Cát, thị xã An Nhơn và thành phố Quy Nhơn. Triển khai 03 mô hình về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em tại một số làng nghề truyền thống của các huyện: Tây Sơn, Hoài Ân và thị xã An Nhơn…
Để góp phần giảm tỷ suất trẻ em bị tai nạn thương tích, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Sở Y tế triển khai thêm 02 mô hình cộng đồng an toàn, phòng chống tai nạn thương tích trẻ em tại 02 xã Canh Hiệp và Canh Thuận (huyện Vân Canh). Tính đến nay, tỉnh có 19/159 xã, phường được công nhận là cộng đồng an toàn, phòng chống tai nạn thương tích trẻ em.
Hỗ trợ kinh phí cho các địa phương tổ chức các lớp dạy bơi, duy trì hoạt động các câu lạc bộ quyền tham gia của trẻ em. Thực hiện mô hình cung cấp, kết nối dịch vụ trợ giúp chăm sóc sức khỏe, giáo dục, trợ giúp pháp lý và dịch vụ xã hội cơ bản có trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; hỗ trợ thực hiện thí điểm mô hình phòng ngừa giảm thiểu lao động trẻ em. Lắp đặt cảnh báo những nơi thường xảy ra tai nạn hoặc có nguy cơ gây tai nạn thương tích trẻ em tại các tòa nhà cao tầng, hố công trình, nút giao thông, bãi tắm, biển, bến đò, sông ngòi, ao hồ...
Có thể nói, những kết quả trên đã góp phần chăm lo đời sống văn hóa, tinh thần, vui chơi cho trẻ em, nhất là trẻ em khuyết tật, trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em dân tộc thiểu số trên địa bàn toàn tỉnh.
Chí Tâm
Từ khóa:
-
Tác động của chính sách hỗ trợ ưu đãi giáo dục đối với học sinh nghèo ở Định Hóa
16-11-2024 17:15 30
-
Generali Việt Nam được vinh danh “Doanh nghiệp vì cộng đồng” lần thứ 5 liên tiếp
15-11-2024 22:32 18
-
Thái Nguyên: Chú trọng quản lý các công trình ghi công liệt sĩ
15-11-2024 18:15 50
-
Phú Lộc: Huy động nguồn lực hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo
15-10-2024 11:13 41
-
Cù Lao Dung: Giảm nghèo hiệu quả nhờ đưa lao động đi nước ngoài làm việc theo hợp đồng
15-11-2024 09:56 08
-
Hơn 250 đại biểu dự Hội nghị quốc gia về thực hiện Đề án 161 do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh
14-11-2024 15:18 23