Bình Định đẩy mạnh hỗ trợ sinh kế cho nạn nhân bom mìn
(LĐXH) – Với sự hỗ trợ của Chính phủ các nước và các Tổ chức quốc tế, tỉnh Bình Định đã và đang nỗ lực làm sạch những vùng đất bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ và hỗ trợ tích cực cho nạn nhân bom mìn, giúp họ có điều kiện phát triển sinh kế, ổn định cuộc sống.
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, Bình Định là mảnh đất chịu nhiều hậu quả do bom đạn máy bay Mỹ trút xuống và cũng là nơi diễn ra nhiều trận giao tranh ác liệt giữa quân giải phóng và lực lượng quân đội Mỹ cùng tay sai. Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ, nhưng hậu quả bom mìn, vật nổ để lại vẫn rất nặng nề, trực tiếp đe dọa tính mạng, sự an toàn của nhân dân nhiều huyện, thành phố của tỉnh Bình Định. tỉnh Bình Định có 11/11 huyện, thị xã, thành phố (159/159 xã, phường, thị trấn) đều bị ô nhiễm bom mìn với diện tích là 246.842 ha, chiếm 40,96% diện tích tự nhiên của tỉnh.
Thời gian qua, với sự hỗ trợ của Chính phủ các nước và các Tổ chức quốc tế, tỉnh Bình Định đã và đang nỗ lực thực hiện hỗ trợ sinh kế cho các gia đình có nạn nhân bị ảnh hưởng bởi bom mìn, vật liệu nổ, giúp họ giảm bớt khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.
Thông qua Dự án Hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc khắc phục Hậu quả Bom mìn sau chiến tranh (thực hiện tại Quảng Bình và Bình Định) do cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) hỗ trợ từ năm 2018 đến 2021, tỉnh Bình Định đã có gần 6.000 ha đất được làm sạch và bàn giao cho các địa phương; 67.842 bom mìn, vật nổ các loại được thu hồi và tiêu hủy. Dự án đã tổ chức tập huấn kỹ thuật chăn nuôi và lập kế hoạch sinh kế cho nạn nhân bom mìn; tổ chức khóa đào tạo cán bộ quản lý công tác xã hội đối với nạn nhân bom mìn cho cán bộ công chức công tác tại xã huyện, thị xã, thành phố và các cơ sở trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh; phối hợp với bệnh viện chỉnh hình và phục hồi chức năng Quy Nhơn tiến hành khám sàn lọc cho 974 nạn nhân, thực hiện hỗ trợ 133 dụng cụ trợ giúp cho 121 người, tiến hành phẫu thuật, chỉnh hình cho 06 nạn nhân. Dự án cũng đã tổ chức ngày hội truyền thông phòng tránh bom mìn tại 84 trường học của 34 xã trọng điểm trên địa bàn tỉnh, dưới chiến dịch “Trường học an toàn bom mìn”; tuyên truyền trực quan về phòng tránh tai nạn bom mìn; tổ chức nhiều cuộc thi kiến thức giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn…
Tính riêng trong năm 2021, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) tỉnh Bình Định đã tổ chức hỗ trợ sinh kế cho 200 người trong tổng số 1.072 nạn nhân bom mìn toàn tỉnh nhận được hỗ trợ. Các phần quà hỗ trợ gồm 135 con bò giống, 64 con heo giống và 3.300 con gà. Đối tượng nhận hỗ trợ là người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, chưa từng nhận hỗ trợ sinh kế trước đó, có đủ điều kiện về cơ sở hạ tầng chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi và cam kết thực hiện theo yêu cầu của dự án, đối ứng nếu chọn con giống mà kinh phí nhiều hơn mức dự án hỗ trợ. Cùng với việc nhận con giống, trong khuôn khổ Dự án, nạn nhân bom mìn trong diện thụ hưởng còn được cấp thức ăn chăn nuôi, tiêm phòng cho con giống và tập huấn kỹ thuật chăn nuôi bền vững.
Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay, Sở LĐTBXH đã tiếp tục phối hợp với KOICA xây dựng kế hoạch triển khai hoạt động hỗ trợ học nghề cho 2 nạn nhân bom mìn, hỗ trợ dụng cụ học tập cho 3 nạn nhân; Đề xuất Ban Quản lý dự án khảo sát tại Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội tỉnh; rà soát danh mục dụng cụ phục hồi chức năng, dụng cụ thiết lập và vận hành đường dây nóng hỗ trợ nạn nhân bom mìn để tiến hành thủ tục đấu thầu và cung cấp dụng cụ cho Trung tâm. Kết quả, Dự án đã hỗ trợ cho Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội tỉnh 97 dụng cụ vật lý trị liệu (thuộc 31 danh mục), góp phần phục vụ hoạt động phục hồi chức năng cho đối tượng bảo trợ xã hội tại đây.
Ngoài ra, Sở LĐTBXH đã hoàn thành công tác lập hồ sơ quản lý trường hợp và hoàn chỉnh dữ liệu trên hệ thống phần mềm cho 1.072 nạn nhân bom mìn. Tích cực phối hợp với địa phương thực hiện đánh giá phần mềm đăng ký và quản lý thông tin người khuyết tật, nạn nhân bom mìn thực hiện trên mẫu phiếu trực tuyến (online). Sở cũng đã phối hợp với Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐTBXH) tiếp tục mở khóa đào tạo cán bộ quản lý công tác xã hội đối với người khuyết tật và nạn nhân bom mìn cho 40 cán bộ, công chức công tác tại các huyện, thị xã, thành phố và các cơ sở trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh.
Nhằm tiếp tục huy động nguồn lực trong nước và quốc tế giúp giảm thiểu và tiến tới khắc phục hoàn toàn ảnh hưởng của bom mìn, vật nổ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm an toàn cho nhân dân; giúp đỡ nạn nhân bom mìn hòa nhập đời sống xã hội; UBND tỉnh Bình Định đã ban hành kế hoạch khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh. Với mục tiêu giảm thiểu diện tích đất nghi ngờ ô nhiễm là 15.000 ha; diện tích đất đai được điều tra, khảo sát là 10.000 ha; diện tích đất đai được rà phá bom mìn, vật nổ là 2.500 ha; diện tích đất đai được sử dụng sau điều tra, khảo sát rà phá bom mìn, vật nổ là 2.500 ha; Nâng cao nhận thức phòng tránh tai nạn bom mìn cho 50.000 người dân tại địa phương; Hỗ trợ 1.253 nạn nhân bom mìn, góp phần giảm thiểu tỷ lệ hộ nghèo và bảo đảm an sinh xã hội trong khu vực ô nhiễm bom mìn.
Để đạt được mục tiêu đề ra, tỉnh sẽ đưa dự án khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ sau chiến tranh vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; lồng ghép các dự án thuộc kế hoạch vào các dự án phát triển kinh tế - xã hội và các hoạt động khác có liên quan trong quá trình triển khai. Xây dựng cơ chế thực hiện quản lý, điều phối cấp tỉnh để phân bổ các nguồn lực trong nước và nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cho các hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn. xây dựng chính sách vận động vốn hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách Trung ương, vốn hỗ trợ từ ngân sách của tỉnh, chính sách thu hút tài trợ nước ngoài cho công tác khắc phục hậu quả bom mìn còn sót lại sau chiến tranh. Xây dựng kế hoạch tuyên truyền hậu quả do bom mìn gây ra nhằm đẩy mạnh vận động tài trợ từ các nguồn vốn trong và ngoài nước cho công tác khắc phục hậu quả bom mìn còn sót lại sau chiến tranh.
Bên cạnh đó, xây dựng chính sách phát triển nguồn nhân lực cho công tác khắc phục hậu quả bom mìn, đẩy mạnh công tác đào tạo, đào tạo lại và tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý điều hành công tác khắc phục hậu quả bom mìn. Phát huy vai trò, trách nhiệm của các sở, ngành và các địa phương trong việc triển khai thực hiện, vận động thu hút nguồn lực (trong nước và quốc tế), quản lý nguồn lực, giám sát và đánh giá hiệu quả các dự án…/.
Minh Cảnh
Từ khóa:
-
Phú Lộc: Huy động nguồn lực hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo
15-10-2024 11:13 41
-
Cù Lao Dung: Giảm nghèo hiệu quả nhờ đưa lao động đi nước ngoài làm việc theo hợp đồng
15-11-2024 09:56 08
-
Hơn 250 đại biểu dự Hội nghị quốc gia về thực hiện Đề án 161 do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh
14-11-2024 15:18 23
-
Phòng chống bạo lực thể chất, tinh thần, phân biệt đối xử với trẻ em và trẻ em khuyết tật
13-11-2024 08:48 35
-
Vĩnh Long: Tạo sinh kế bền vững cho người nghèo
12-11-2024 17:27 31
-
Nam Định quan tâm tu bổ các công trình ghi công liệt sĩ
12-11-2024 17:27 25