Xã hội
Bình Định: Gặp mặt cựu nữ tù binh trại giam Phú Tài trên cả nước
10:33 AM 14/10/2023
(LĐXH) - Ngày 13/10/2023 tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định đã tổ chức buổi gặp mặt kỷ niệm 50 năm ngày trở về (1973 - 2023) cho 390 cựu nữ tù binh Trại giam Phú Tài trên cả nước. Đây được coi là một trong những sự kiện ghi lại dấu ấn sâu đậm cho các cựu nữ tù binh Trại giam Phú Tài nói riêng cũng như tinh thần “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” của người phụ nữ Việt Nam nói chung.
Là trại giam có một không hai trong lịch sử chiến tranh thế giới do Mỹ và chính quyền Ngụy Sài Gòn thành lập từ tháng 6/1967 để giam giữ tù binh là nữ chiến sỹ cách mạng, trải qua 5 năm hoạt động, Trại giam Phú Tài đã giam giữ gần 1.000 nữ chiến sỹ cách mạng bị địch bắt trong các cuộc hành quân càn quét trên khắp các chiến trường từ Vĩ tuyến 17 trở vào Cà Mau, phần lớn họ đều là những thiếu nữ có tuổi đời từ 17 đến 22 tuổi và chưa lập gia đình. Đây là minh chứng cho tội ác chiến tranh của Mỹ - Ngụy đối với nhân dân miền Nam, đặc biệt đối với người phụ nữ. Sau khi Hiệp định Paris ngày 27.1.1973 được ký kết, ngày 15.2.1973, gần 900 nữ tù binh tại trại giam Phú Tài được trao trả tại Lộc Ninh (Bình Phước), trở về địa phương tiếp tục cống hiến cho cách mạng. Được biết, trong cuộc đấu tranh này, có 8 nữ tù binh đã anh dũng hy sinh và khoảng 600 người bị thương tật vĩnh viễn.
Cựu nữ tù binh trại giam Phú Tài
Để tưởng nhớ công lao và những đóng góp to lớn của các nữ chiến sĩ cách mạng bị địch bắt và tù đày trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do cho Tổ quốc, làm nơi giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Năm 2002, Di tích Trại giam Phú Tài được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh; năm 2009, tỉnh Bình Định đã đầu tư xây dựng Tượng đài nữ tù binh Trại giam Phú Tài tại vị trí trong không gian trại giam xưa. Công trình điêu khắc có ý nghĩa lịch sử là cụm tượng trên nền đá granit đỏ thoáng đãng, trang trọng, nổi bật hình ảnh 3 người phụ nữ đại diện cho 3 miền (Bắc, Trung, Nam) hiên ngang giật tung xiềng xích quân thù. Di tích đã góp phần khắc ghi tinh thần đấu tranh bất khuất, sự hy sinh anh dũng của các nữ chiến sĩ cách mạng trong cuộc đấu tranh chống lại sự đàn áp, hủy diệt của kẻ thù.
Ghi nhận tinh thần đấu tranh anh dũng, kiên cường trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của các Nữ tù binh Trại giam Phú Tài, Đảng, Nhà nước ta đã tặng nhiều danh hiệu cao quý cho các cô, các chị. Đặc biệt, để tưởng nhớ công lao đóng góp to lớn của của gần 1.000 nữ tù binh Trại giam Phú Tài trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do cho Tổ quốc và hạnh phúc của Nhân dân, Chủ tịch nước đã quyết định phong tặng Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho Tập thể Nữ tù binh trại giam Phú Tài về thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Buổi lễ có sự tham dự của 390 cựu nữ tù binh trại giam Phú Tài trên cả nước
Chiến tranh đã đi qua, nhưng những chiến công bất khuất của các nữ tù binh Trại giam Phú Tài vẫn mãi là tấm gương tiêu biểu cho các thế hệ noi theo; các sự kiện về những cuộc đấu tranh trong Trại giam nữ tù binh Phú Tài mãi mãi là nét son trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam nói chung, quân và Nhân dân tỉnh Bình Định nói riêng. Ngày nay, “địa chỉ đỏ” - Di tích Trại giam Phú Tài là minh chứng cho tinh thần đấu tranh bất khuất, sự hy sinh anh dũng của các nữ chiến sĩ cách mạng trong cuộc đấu tranh chống lại sự đàn áp, hủy diệt của kẻ thù.
 
Thục Quyên
Từ khóa: trại giam Phú tài