Xã hội
Bình Định: Phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách trong giảm nghèo, phát triển kinh tế
03:34 PM 27/06/2022
(LĐXH)- Nhờ sử dụng hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách, hàng trăm nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh Bình Định đã được vay vốn phát triển sản xuất, tạo việc làm, ổn định cuộc sống.
Bình Định là tỉnh thuộc khu vực Duyên hải Nam Trung bộ, một trong những cửa ngõ ra biển của các tỉnh Tây Nguyên và vùng Nam Lào, có diện tích tự nhiên 6.025 km2, có 8 huyện, 02 thị xã và 01 thành phố, trong đó: Giai đoạn 2016-2021 có 03 huyện miền núi nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, có 159 xã, phường, thị trấn; dân số đầu năm 2021 là 1,6 triệu người, trong đó khu vực thành thị 635 nghìn người (chiếm 38,7%), khu vực nông thôn 1.006,8 nghìn người (chiếm 61,3%). Người kinh 1.601 nghìn người (chiếm 97,5%), dân tộc thiểu số 41 nghìn người (chiếm 2,5%) với 03 dân tộc chủ yếu là Bana, Chăm, Hrê.
Nhiều hộ nghèo, đối tượng chính sách được vay vốn để đầu tư phát triển sản xuất tại Bình Định
Trong những năm qua, Bình Định bị ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, bão lũ; dịch bệnh xảy ra trên vật nuôi và cây trồng diễn biến phức tạp; đặc biệt chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, nhờ có sự chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Chính phủ, Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh Bình Định; cùng với sự đoàn kết, gắn bó và sự nỗ lực của các Sở, ngành; Mặt trận các Đoàn thể và nhân dân trong tỉnh đã khắc phục những khó khăn, thách thức và phấn đấu thực hiện thành công các chỉ tiêu nhiệm vụ kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh; tốc độ tăng trưởng kinh tế bền vững, năm sau luôn cao hơn năm trước. Đến tháng 3/2022, tỉnh Bình Định chỉ còn 01 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, giảm 02 huyện; đây là niềm vinh dự, tự hào của Cấp ủy Đảng, Chính quyền địa phương các cấp và nhân dân tỉnh Bình Định. Có được kết quả trên là cả một quá trình phấn đấu, nỗ lực cố gắng, quyết tâm của toàn Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Định, đã vận dụng sáng tạo, thực hiện hiệu quả các chính sách ưu đãi từ Nghị quyết 30a để phát triển kinh tế - xã hội, vươn lên giảm nghèo bền vững,…
Để góp phần vào sự thành công trên không thể thiếu vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Cấp ủy đảng, chính quyền địa phương các cấp, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là công tác huy động nguồn lực đầu tư hỗ trợ người nghèo phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập; đẩy mạnh tuyên truyền công tác giảm nghèo, khơi dậy ý chí quyết tâm làm giàu, vươn lên thoát nghèo đến từng gia đình; khuyến khích tạo việc làm cho lao động thuộc các gia đình hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động và việc làm tại các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao. Đến cuối năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo còn 3,13%, hộ cận nghèo 4,28% theo chuẩn nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020 quy định tại Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ. Góp phần vào sự thành công chung của Chương trình Mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh Bình Định không thể không kể đến vai trò, đóng góp quan trọng của Ngân hàng Chính sách xã hội trong việc đưa nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đến với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, tạo động lực để nhiều gia đình phát triển sản xuất, tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo bền vững và từng bước làm giàu chính đáng.
Thực hiện chủ trương đa dạng hóa nguồn lực thực hiện tín dụng chính sách xã hội, đặc biệt kể từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với tín dụng chính sách xã hội, để đảm bảo có đủ nguồn vốn thực hiện các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn, cùng với nguồn vốn cân đối từ Trung ương, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo việc huy động và tập trung các nguồn lực tài chính, đáp ứng nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đến nay, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh đạt 5.130 tỷ đồng, tăng 2.608 tỷ đồng so với cuối năm 2015. Trong đó: Nguồn vốn huy động từ tổ chức, cá nhân đạt 705 tỷ đồng, tăng 593 tỷ đồng (gấp hơn 5 lần) so với cuối năm 2015. Đặc biệt từ khi thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác tăng 452,8 tỷ đồng, nâng tổng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác lên 476,3 tỷ đồng (gấp hơn 17 lần) chiếm tỷ trọng 9,3% trên tổng nguồn vốn.
Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 5.120 tỷ đồng, tăng 2.601 tỷ đồng so với cuối năm 2015, với hơn 98 nghìn hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ, bình quân dư nợ trên hộ đạt 52 triệu đồng, tăng 24,6 triệu đồng so với năm 2015; Doanh số cho vay từ đầu năm 2016 đến nay đạt 8.945 tỷ đồng, với hơn 234 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn, 100% người nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ do NHCSXH cung cấp. Vốn đầu tư cho các huyện miền núi theo Nghị quyết 30a của Chính phủ đến ngày 30/4/2022 đạt 994 tỷ đồng, với hơn 15 nghìn hộ còn dư nợ. Cùng với đó, các đối tượng hộ đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cũng được quan tâm, kết quả cho vay từ năm 2016 đến nay đạt 517 tỷ đồng, với gần 14 nghìn lượt hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác; tổng dư nợ thuộc hộ đồng bào dân tộc thiểu số cho vay các chương trình tín dụng trên địa bàn đạt 310 tỷ đồng, với hơn 7 nghìn khách hàng còn dư nợ.
Trong giai đoạn 2016-2021, nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh; trong đó, tập trung ưu tiên cho vay các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, 90% dư nợ tín dụng chính sách được tập trung đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, ngư nghiệp, lâm nghiệp, giáo dục và đào tạo,... NHCSXH đã giải ngân nguồn vốn tín dụng chính sách cho hơn 234 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn, giúp gần 49 nghìn hộ vượt qua ngưỡng nghèo; gần 19 nghìn lượt hộ gia đình tại các vùng khó khăn được vay vốn mở rộng sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế; tạo việc làm cho hơn 46 nghìn lao động; giúp hơn 01 nghìn lao động thuộc gia đình chính sách được vay vốn đi lao động có thời hạn ở nước ngoài; gần 16 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng gần 113 nghìn công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn, hơn 2 nghìn căn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách.
Tín dụng chính sách xã hội đã trở thành nguồn vốn quen thuộc với người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, nâng cao mức sống của người dân; góp phần quan trọng vào việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững của tỉnh, góp phần tích cực làm giảm số xã thuộc vùng khó khăn từ 58 xã cuối năm 2015 xuống còn 22 xã đến nay; giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 13,35% vào đầu năm 2016 xuống còn 3,13% vào cuối năm 2021; hộ cận nghèo từ 6,81% vào đầu năm 2016 xuống còn 4,28% vào cuối năm 2021. Riêng các huyện nghèo giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 62,57% vào đầu năm 2016 xuống còn 23,47% vào cuối năm 2021; đồng thời, thông qua các chương trình tín dụng chính sách đã đầu tư cho vay tại các xã xây dựng nông thôn mới, toàn tỉnh có 05 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn; tổng số xã công nhận đạt chuẩn nông thôn mới đến cuối năm 2021 là 83 xã, đạt tỷ lệ 73,5% và có 07 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Qua triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh đã góp phần quan trọng giúp hàng ngàn hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn có nguồn vốn để sản xuất, kinh doanh hiệu quả, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là mục tiêu giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, ổn định an ninh chính trị, an ninh quốc phòng toàn dân trên địa bàn./.
Hồng Phượng
 
Từ khóa: