Xã hội
Bình Định: Tăng cường công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, giúp người dân thoát nghèo bền vững
09:09 PM 22/09/2023
(LĐXH)- Thời gian qua, công tác dạy nghề cho lao động nông thôn và hỗ trợ việc làm bền vững cho người nghèo được cấp ủy, chính quyền các địa phương trên địa bàn tỉnh Bình Định quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Đây cũng là giải pháp quan trọng giúp Bình Định thực hiện tốt công tác giảm nghèo bền vững.
Từ nguồn vốn Chương trình MTQG giảm nghèo, tỉnh đang tập trung hỗ trợ đào tạo nghề hộ nghèo, cận nghèo
Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 xác định đào tạo nghề là giải pháp căn cơ giúp người nghèo có việc làm, có thu nhập ổn định. Mục tiêu, lộ trình và các chỉ tiêu cụ thể về đào tạo nghề là một trong những nội dung quan trọng của Chương trình. Tỉnh Bình Định đang tập trung chỉ đạo các sở, ngành, địa phương chú trọng công tác giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, đảm bảo đúng quy định.
Triển khai thực hiện Dự án 4: Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững, với kinh phí 116.968 triệu đồng (nguồn Trung ương: 104.309 triệu đồng, nguồn đối ứng của tỉnh: 12.659 triệu đồng), tỉnh Bình Định đã hỗ trợ phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn, kết quả đã thực hiện phân bổ vốn hỗ trợ đầu tư, kinh phí: 46.231 triệu đồng cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Đến nay, các trường: Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn thực hiện mục mua sắm thiết bị đào tạo cho 07 nghề trọng điểm (Cơ điện tử, Điện công nghiệp, Điện tử công nghiệp, Hàn, Cắt gọt kim loại, Công nghệ thông tin, Công nghệ ô tô); Cao đẳng Y tế Bình Định (22.828 triệu đồng) thực hiện mua sắm trang thiết bị đào tạo ngành Điều dưỡng, Dược và Kỹ thuật xét nghiệm Y học. Kinh phí giải ngân của các trường được 22.644,6 triệu đồng, đạt 48,99% kế hoạch vốn.
Bên cạnh đó, từ nguồn vốn hỗ trợ sự nghiệp, tỉnh đã phân bổ cho các Trường cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn, Y tế Bình Định thực hiện mua sắm trang thiết bị đào tạo các ngành nghề trọng điểm. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện các nội dung: Xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật; điều tra khảo sát, thống
kê, dự báo nhu cầu học nghề của người lao động; lồng ghép với Tiểu dự án 3 Dự án 5 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 để thực hiện xây dựng Phần mềm tin học để nhập tin và xử lý, tổng hợp số liệu điều tra thống kê. Kết quả giải ngân nguồn vốn được 2.398,5 triệu đồng, đạt 25% kế hoạch. UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện đào tạo nghề cho người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người lao động có thu nhập thấp. Tính đến tháng 8/2023 đã tổ chức được 112 lớp đào tạo nghề cho người lao động với số lượng khoảng 3.595 người, ước kinh phí thực hiện 9.679 triệu đồng, tỷ lệ giải ngân 42,68% kế hoạch.
Dạy nghề tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Bình Định
Ngoài ra, các Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên các huyện An Lão, Hoài Ân và Tuy Phước được phân bổ tổng kinh phí 7.464. Kết quả, đã giải ngân 2.603 triệu đồng (huyện Hoài Ân) sửa chữa nhà xưởng, mua sắm thiết bị đào tạo, đạt 34,87% kế hoạch vốn.
Bên cạnh đó, tỉnh Bình Định cũng tập trung hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, với tổng kinh phí 1.055 triệu đồng, trong đó: Phân bổ cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, kinh phí 191 triệu đồng; phân bổ cho UBND huyện An Lão, kinh phí 864 triệu đồng. Kết quả thực hiện đến tháng 8/2023, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã ký hợp đồng với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Bình Định thực hiện chi hỗ trợ người làm công tác trực tiếp giới thiệu, tư vấn cho người lao động và thân nhân người lao động đi làm việc ở nước ngoài, kinh phí thực hiện 10,4 triệu đồng. UBND huyện An Lão không có đối tượng đề nghị hỗ trợ, kinh phí chưa giải ngân được.
Thực hiện Tiểu dự án 3: Hỗ trợ việc làm bền vững, trong 2 năm (2022- 2023), tỉnh Bình Định được hỗ trợ kinh phí 16.728 triệu đồng (vốn Trung ương: 14.903 triệu đồng, vốn đối ứng của tỉnh: 1.825 triệu đồng). Đến nay, tỉnh đã phân bổ vốn hỗ trợ đầu tư phát triển kinh phí 5.684 triệu đồng giao cho Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh; Phân bổ vốn hỗ trợ sự nghiệp cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội 3.016 triệu đồng (trong đó Trung tâm Dịch vụ việc làm: 2.492 triệu đồng); phân bổ cho UBND các huyện, thị xã, thành phố, kinh phí 8.028 triệu đồng. Trên cơ sở nguồn vốn được phân bổ, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã thực hiện việc cung cấp thông tin thị trường lao động, đa dạng hóa các hoạt động giao dịch việc làm, kết nối cung cầu lao động, hỗ trợ tạo việc làm bền vững cho người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người lao động sinh sống trên địa bàn huyện nghèo. Tính đến tháng 8/2023, đã giải ngân được 497,6 triệu đồng, đạt 4,5%.
Phát triển giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhằm tạo việc làm bền vững là một trong những giải pháp thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra trong công tác giảm nghèo bền vững của tỉnh. Mục tiêu trong giai đoạn 2021- 2025, tỉnh Bình Định phấn đấu 80% người có khả năng lao động, có nhu cầu thuộc hộ nghèo, hộ cạn nghèo trên địa bàn huyện nghèo được hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp nhằm đổi mới phương thức, kỹ thuật sản xuất, đảm bảo an ninh lương thực, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng, tăng thu nhập. Tỉnh sẽ tập trung đổi mới và tăng cường công tác tư vấn, giới thiệu việc làm theo hướng tiếp cận đến người dân và người lao động; kết nối và trợ giúp lao động nghèo tìm kiếm việc làm ổn định thông qua xuất khẩu lao động và đưa lao động đi làm việc tại các khu cụm công nghiệp. Phát triển thị trường lao động và đẩy mạnh hoạt động dịch vụ việc làm. Triển khai và thực hiện đầy đủ các chính sách về hỗ trợ giải quyết việc làm của Trung ương và của tỉnh./.
Thu Hương
 
 
Từ khóa: