Xã hội
Bình Thuận: tạo môi trường cho sự phát triển toàn diện của trẻ em
02:27 PM 24/10/2022
(LĐXH) - Xác định đầu tư cho trẻ em chính là đầu tư cho tương lai và đây là nhiệm vụ mang tính chiến lược lâu dài, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của đất nước, công tác trẻ em đã được UBND tỉnh Bình Thuận chỉ đạo các cấp ngành, đoàn thể triển khai thực hiện đầy đủ. Hệ thống tổ chức và mạng lưới cộng tác viên bảo vệ, chăm sóc trẻ em được kiện toàn và phát triển. Ban chỉ đạo Bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở 03 cấp tỉnh, huyện, xã thường xuyên được củng cố.

Công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em được các ngành, các cấp lồng ghép trong hoạt động của Đề án “Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu vực khu, cụm công nghiệp”, “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”, “Phát huy giá trị tốt đẹp các mối quan hệ trong gia đình và hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững đến năm 2020”, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Ngày toàn dân đưa trẻ  đến trường”, “Chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ em”,“ Vận động quỹ tiếp bước cho em đến trường”,  “Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030”, “Quản lý, giáo dục con em trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội”, “Quản lý, giáo dục trẻ em lang thang, trẻ em làm trái pháp luật tại cộng đồng”. Hàng năm, địa phương đều có kế hoạch đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa trường học, nhờ vậy, toàn địa bàn không có trường học dột nát, không có tình trạng thiếu phòng học phải bố trí học sinh học ca 3. Trong 10 năm qua toàn tỉnh phát hiện và xử lý 299 vụ/ 317 đối tượng xâm hại trẻ em, có 303 trẻ em bị xâm hại (trong đó có 249 trẻ em bị xâm hại tình dục), các trường hợp trẻ em bị xâm hại được chính quyền địa phương thực hiện can thiệp trợ giúp kịp thời, đã giúp cho nhiều gia đình, bản thân trẻ ổn định tâm lý và hòa nhập cộng đồng.

Các tổ chức, đoàn thể tích cực tạo các hoạt động vui chơi cho các em

Đến nay, 100% trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ Bảo hiểm y tế, đảm bảo các quyền lợi của trẻ; Trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ, công tác sức khỏe học đường được đảm bảo. Nhiều hoạt động can thiệp, trợ giúp trẻ em được triển khai, trong đó đặc biệt quan tâm đến nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Các địa phương thường xuyên rà soát trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt để giải quyết các chế độ chính sách kịp thời. 100% Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được nhận trợ cấp xã hội thường xuyên, được thăm hỏi, trao học bổng, tặng quà trong các dịp lễ, Tết, được phẫu thuật tim bẩm sinh, phẫu thuật phục hồi chức năng và các hình thức chăm sóc khác.

Đối với việc thực hiện quyền tham gia của trẻ em, tỉnh Bình Thuận cũng tổ chức nhiều hoạt động nhằm phát huy nhóm quyền này. Đặc biệt, Tháng hành động Vì trẻ em đã trở thành chiến dịch truyền thông cao điểm vận động sự tham gia của cộng đồng trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Năm 2022, với chủ đề “Chung tay bảo vệ trẻ em, hãy lên tiếng phòng chống xâm hại, bạo lực trẻ em” nhằm vận động toàn xã hội cùng chung tay thực hiện đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về bảo vệ, chăm sóc và thực hiện quyền trẻ em; đồng thời, phòng ngừa, hạn chế tối đa tình trạng trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại, bị rơi vào hoàn cảnh đặc biệt… nhất là trong bối cảnh các vấn nạn liên quan đến trẻ em vẫn còn xảy ra. Thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Bình Thuận cho thấy, năm 2021, toàn tỉnh có 4.950 trẻ em bị tai nạn thương tích, trong đó có 23 trẻ tử vong do tai nạn thương tích (17 trẻ bị tử vong do đuối nước, 3 trẻ tử vong do tai nạn giao thông đường bộ).

Nhiều hoạt động nhằm tạo cơ hội cho trẻ được phát huy tốt nhất quyền tham gia của mình

Bên cạnh đó, Bình Thuận cũng tổ chức hiệu quả Diễn đàn trẻ em cấp huyện, cấp tỉnh với sự tham gia của đại diện trẻ em các địa phương. Đặc biệt trong thời điểm đại dịch COVID-19 xảy ra, việc tổ chức tham vấn ý kiến trẻ em được tổ chức dưới nhiều hình thức khác nhau phù hợp với điều kiện thực tế và diễn biến của tình hình chung: tổ chức Diễn đàn đối thoại trực tiếp giữa trẻ em là lãnh đạo các cấp, thực hiện tham vấn online, trả lời qua bảng hỏi trên web form; tham vấn nhóm nhỏ theo hình thức họp nhóm online trên phần mềm zoom và cuộc thi viết, kể chuyện về đề tài bảo vệ trẻ em. Tại Diễn đàn trẻ em cấp tỉnh năm 2022, các thông điệp: “Đừng im lặng – hãy lên tiếng phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em”; “Xây dựng tình bạn đẹp – nói không với bạo lực học đường”; “Mùa hè vui, khỏe, an toàn”; “Công nghệ số: được gì, mất gì?”; “An toàn giao thông: cho bạn, cho tôi, cho tất cả mọi người”... đã được các em thể hiện rất sinh động thông qua các vở kịch, tiểu phẩm.

Để tạo môi trường an toàn cho trẻ em sống và phát triển toàn diện là điều hết sức cần thiết và cần sự chung tay của cộng đồng xã hội, do đó, tới đây tỉnh Bình Thuận tiếp tục tăng cường các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức của cộng đồng đối với công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Tích cực huy động mọi nguồn lực trong xã hội để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả để hoàn thành các mục tiêu của chương trình bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Mặt khác, tạo môi trường thuận lợi nhằm thu hút các tổ chức nhân đạo, từ thiện, các tổ chức phi Chính phủ quốc tế và trong nước tham gia các hoạt động trợ giúp chăm sóc trẻ em mồ côi, trẻ bị bỏ rơi, trẻ khuyết tật...

Riêng ngành Lao động – TBXH là cơ quan quản lý Nhà nước về công tác trẻ em sẽ tiếp tục triển khai thực hiện chương trình: Phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em; phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em; tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em; chương trình Hành động quốc gia vì trẻ trẻ em... Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết quy định chế độ hỗ trợ đột xuất cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn bị tai nạn, rủi ro trong cuộc sống trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, đẩy mạnh thông tin, truyền thông, giáo dục, vận động xã hội nhằm nâng cao nhận thức về phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em, hộ gia đình, trường học, cộng đồng và xã hội.

Trần Huyền

Từ khóa: