Xã hội
Bộ Công Thương: Tăng cường thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW
08:39 AM 24/11/2021
Thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW (Nghị quyết số 28) về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), đến nay, Bộ Công Thương đã nghiên cứu ban hành hoặc trình Thủ tướng Chính phủ ban hành, cũng như phối hợp tham gia với các Bộ, ngành xây dựng, ban hành văn bản hoàn thiện hệ thống pháp luật về lao động, việc làm, BHXH, bảo hiểm thất nghiệp…
Bộ Công Thương vừa có Công văn số 7409/BCT-TCCB ngày 22/11/2021 trả lời Công văn số 3597/LĐTBXH-BHXH ngày 15/10/2021 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về tình hình thực hiện Nghị quyết số 125/NQ-CP của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 28 ngày 23/5/2018 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách BHXH.
Bộ Công Thương cho biết, cho đến nay, về tình hình học tập, quán triệt và tuyên truyền Nghị quyết 28, Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương đã tiến hành chỉ đạo và tổ chức triển khai các hội nghị phổ biến, quán triệt đến toàn thể cán bộ chủ chốt, đảng viên tổ chức đảng trực thuộc. Đối với tổ chức đoàn thể, quần chúng, căn cứ hướng dẫn của Ban can sự Đảng ủy Bộ, các cấp ủy trực thuộc cũng đã khẩn trương phổ biến các nội dung cơ bản của Nghị quyết phù hợp với đặc điểm, chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan đơn vị. Theo đó, với việc triển khai nghiêm túc, có trách nhiệm và đúng tiến độ trong toàn Đảng bộ, Ban cán sự đảng Bộ Công Thương nhận thấy việc nắm vững nhận thức về mục tiêu, quan điểm, việc xác định các yêu cầu và nhiệm vụ triển khai cụ thể trong từng Nghị quyết đã bám sát nội dung, yêu cầu của Trung ương.
Ảnh  minh hoạ
Ngoài ra, theo Bộ Công Thương, thông qua công tác tổng hợp tình hình học tập, quán triệt Nghị quyết cho thấy, 100% cán bộ chủ chốt các cấp, người đứng đầu các cơ quan đơn vị đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng kế hoạch hành động cá nhân. Đồng thời, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ đã phối hợp chặt chẽ cùng Đảng ủy, Chi ủy cùng cấp trực tiếp chỉ đạo triển khai phổ biến, quán triệt mục tiêu, ý nghĩa, yêu cầu, nội dung Nghị quyết của Trung ương đến toàn thể đảng viên và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Văn phòng Bộ chủ trì, phối hợp với các cơ quan thông tin, truyền thông của Bộ và các cơ quan thông tấn báo chí tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các nội dung của Nghị quyết 28; tập trung những tư tưởng, định hướng, mục tiêu, nội dung cải cách, nhiệm vụ, giải pháp về cải cách chính sách BHXH đến đội ngũ lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động; tạo sự đồng thuận xã hội, các ngành, các cấp, các doanh nghiệp trong việc thực hiện cải cách chính sách BHXH.
Về một số kết quả trong việc triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 28, thời gian qua, Bộ đã nghiên cứu ban hành hoặc trình Thủ tướng Chính phủ ban hành, phối hợp tham gia với các Bộ, ngành xây dựng, ban hành văn bản hoàn thiện hệ thống pháp luật về lao động, việc làm, BHXH, bảo hiểm thất nghiệp. Trong đó, Bộ Công Thương đã tiến hành rà soát, tổng kết đánh giá thực hiện các luật, pháp luật, nghị quyết của Quốc hội, nghị quyết, quyết định của Chính phủ và các văn bản liên quan cần sửa đổi, bổ sung, ban hành mới liên quan đến chính sách BHXH...
Cùng với đó là tham gia với các Bộ, ngành xây dựng, góp ý, sửa đổi một số nội dung, như: Đánh giá việc thực hiện chính sách BHXH một lần đối với người lao động; đề xuất hệ thống các giải pháp đồng bộ nhằm giảm tình trạng nhận BHXH một lần đối với người lao động nói chung và ngành Công Thương nói riêng; Đề án thực hiện điều chỉnh lương hưu độc lập tương đối trong mối tương quan với tiền lương của người đang làm việc, thay đổi cách thức điều chỉnh lương hưu theo hướng chia sẻ…; thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp, chính sách việc làm…
Trên cơ sở các nhiệm vụ được giao, Bộ Công Thương đã triển khai và thực hiện các hoạt động liên quan đến lao động và cải cách chính sách BHXH, cụ thể: Nghiên cứu, tổng hợp có ý kiến đối với các Dự thảo sửa đổi, bổ sung văn bản luật theo lộ trình đặc biệt là Luật BHXH và văn bản các Bộ, ngành liên quan. Đồng thời, triển khai thực hiện các nội dung liên quan đến sửa đổi Bộ luật Lao động, nội dung liên quan đến người lao động, tiền lương và BHXH khu vực doanh nghiệp.
Ngoài ra, hàng năm Bộ cũng nghiêm túc thực hiện Đề án tinh giản biên chế đối với công chức, viên chức thuộc cơ quan Bộ và các đơn vị hành chính, sự nghiệp thuộc Bộ. Cụ thể, phê duyệt 2 lần/năm theo quy định để tinh gọn bộ máy, giải quyết chế độ đối với người lao động hưởng BHXH thuộc diện dôi dư theo quy định, góp phần thực hiện cải cách chính sách BHXH theo tinh thần Nghị quyết số 28.
Bộ Công Thương nhấn mạnh, các nội dung trên đã được thể chế hóa, ban hành quy định tại các Nghị định, Nghị quyết trong lộ trình cải cách chính sách BHXH thiết thực, đi vào cuộc sống, như: Thực hiện điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo lộ trình; phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện khu vực phi chính thức; điều chỉnh lương hưu độc lập tương đối với điều chỉnh tiền lương của người đang làm việc. Bộ Công Thương cũng đã cụ thể hóa, hướng dẫn các đơn vị toàn ngành thực hiện, góp phần cải cách chính sách BHXH.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc cụ thể hóa Nghị quyết thành những biện pháp, chỉ tiêu, bước đi cụ thể phù hợp với đặc điểm, vị trí công tác của ngành Công Thương vẫn còn những hạn chế, mục tiêu đáp ứng yêu cầu về sự khẩn trương vẫn cần phải quyết liệt hơn trong thời gian tới.
Về BHXH tự nguyện cũng chưa được như mong muốn, trong đó, quy định về chính sách chưa đủ hấp dẫn, thu hút người tham gia như quy định về mặt thời gian đóng còn dài, chế độ hưởng còn hạn chế so với các loại hình bảo hiểm thương mại; công tác kiểm tra, giám sát thực hiện các chỉ đạo, văn bản điều hành liên quan đến cải cách chính sách BHXH nhiều lúc còn chưa kịp thời; chưa thực sự chú trọng công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận cao, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội…
Để thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 28 thời gian tới, Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ sớm chỉ đạo, đề xuất điều chỉnh sửa đổi Luật BHXH, Luật Việc làm và các luật liên quan theo tinh thần Nghị quyết. Quan tâm, hướng dẫn, giải quyết chính sách BHXH cho người lao động ở các khu công nghiệp kịp thời, bảo đảm quyền lợi của người lao động; nghiên cứu có gói BHXH ngắn hạn với mức đóng, mức hưởng phù hợp, nhất là đối với công nhân lao động và giảm tình trạng nhận BHXH một lần. Sửa đổi luật quy định linh hoạt hơn nhằm giảm mức đóng vào Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, quỹ ốm đau, thai sản nhằm hỗ trợ thiết thực cho các bên giảm chi phí, tạo thêm điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi, có sức cạnh tranh, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 tác động tiêu cực tới kinh tế, xã hội. Ngoài ra, cần tăng cường thực hiện tuyên truyền, phổ biến giáo dục về chính sách BHXH trong đội ngũ công chức, viên chức, người lao động; đặc biệt tuyên truyền phổ biến những điểm mới, quy định mới thay đổi, sửa đổi, bổ sung trong các văn bản về chính sách BHXH trực tiếp ảnh hưởng đến ngành Công Thương.
Hoa Quỳnh
 
Từ khóa: