Xã hội
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn triển khai công tác bình đẳng giới năm 2021
11:32 AM 25/02/2021
Để thực hiện thống nhất, hiệu quả công tác bình đẳng giới trong phạm vi toàn quốc, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Công văn số 356/LĐTBXH-BĐG ngày 19/02/2021 hướng dẫn triển khai công tác bình đẳng giới năm 2021.
Năm 2021 có ý nghĩa khởi đầu quan trọng, là năm tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030. Trong lĩnh vực bình đẳng giới, đây là năm đầu tiên triển khai Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030 và các chương trình, đề án liên quan tới bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2021 - 2025 và đến năm 2030 nhằm tiếp tục kế thừa và phát huy những thành tựu đạt được, đồng thời khắc phục những tồn tại, thách thức để thu hẹp khoảng cách giới trong các lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội, với sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của các cấp ủy, chính quyền, sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân.
Việt Nam hướng tới bình đẳng giới thực chất
Để thực hiện thống nhất, hiệu quả công tác bình đẳng giới trong phạm vi toàn quốc, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan Trung ương của các đoàn thể, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các đơn vị chức năng, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm năm 2021 như sau:
1. Xây dựng Kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030, Chương trình phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2021-2025 và các chương trình, đề án có liên quan
- Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 tại bộ, ngành, địa phương (sau khi Chính phủ phê duyệt): bám sát các mục tiêu, chỉ tiêu của Chiến lược để xây dựng chỉ tiêu cho phù hợp với thực tiễn của bộ, ngành, địa phương; tăng cường phối hợp liên ngành trong triển khai; bố trí nguồn lực để thúc đẩy thực hiện bình đẳng giới ở những lĩnh vực đang có nhiều tồn tại, thách thức; cử cán bộ tham gia các lớp tập huấn hướng dẫn triển khai Chiến lược.
- Xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2021 – 2025 (Quyết định số 2232/QĐ-TTg ngày 28/12/2020) theo hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Công văn số 212/LĐTBXH-BĐG ngày 26/1/2021), trong đó quan tâm bố trí nguồn lực để triển khai hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp, mô hình về phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới cho giai đoạn 5 năm và từng năm.
2. Đẩy mạnh triển khai các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật về bình đẳng giới
a) Nhằm phấn đấu thực hiện đạt các chỉ tiêu về tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 theo tinh thần của Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đề nghị các bộ, ngành, địa phương chú trọng triển khai các hoạt động truyền thông về bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị, trong đó tập trung vào các nội dung sau:
- Tiếp tục thực hiện Kế hoạch truyền thông thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị hướng tới bầu cử Đại hội đảng bộ các cấp và bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, đặc biệt là truyền thông nhằm thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong các cơ quan dân cử trước và trong thời gian bầu cử. Đa dạng hóa các hình thức truyền thông cho phù hợp với địa phương, đơn vị và đặc thù từng nhóm đối tượng; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong truyền thông nhằm tăng hiệu quả và và đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
- Tổ chức các lớp tập huấn kiến thức, kỹ năng lãnh đạo, quản lý và hoạt động của các cơ quan dân cử cho cán bộ nữ tiềm năng, nữ ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
- Tổ chức các hội thảo và tập huấn định hướng truyền thông cho đội ngũ phóng viên báo chí, cán bộ làm công tác tuyên truyền về cách thức và kỹ năng truyền thông có nhạy cảm giới nhằm thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong lãnh đạo, quản lý nói chung và tham gia vào các cơ quan dân cử nói riêng.
b) Tăng cường truyền thông về Luật Bình đẳng giới, Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030, Chương trình phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2021-2025
- Tích cực xây dựng, phát hành các sản phẩm truyền thông; tăng cường tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về bình đẳng giới, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới trên các phương tiện thông tin đại chúng và lồng ghép trong các hoạt động đa dạng của đơn vị, địa phương. Khuyến khích phát triển, xuất bản các sản phẩm truyền thông bằng tiếng dân tộc thiểu số phù hợp với các địa bàn, đối tượng cụ thể.
- Tăng cường và đa dạng hóa các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức, thực hành về bình đẳng giới trong các tầng lớp nhân dân; tuyên truyền giới thiệu về các mô hình, dịch vụ hỗ trợ thực hiện bình đẳng giới tại địa phương; nhân rộng những điển hình tốt, người có uy tín, ảnh hưởng tích cực tại cộng đồng và thu hút sự tham gia của nam giới, trẻ em trai trong thực hiện bình đẳng giới.
- Xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2021 hiệu quả, sáng tạo, tiết kiệm, có sức lan tỏa.
c) Tiếp tục tuyên truyền và triển khai thực hiện những nội dung mới về bình đẳng giới trong Bộ luật Lao động năm 2019
- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến và triển khai những nội dung mới về bình đẳng giới trong Bộ luật Lao động năm 2019 bằng các hình thức phù hợp với từng đối tượng và điều kiện, tình hình thực tế của bộ, ngành, địa phương.
3. Tiếp tục duy trì, nhân rộng và nâng cao chất lượng triển khai các mô hình, hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới
- Rà soát, đánh giá các mô hình, hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới đã và đang được triển khai để nâng cao hiệu quả hoạt động, nhân rộng các mô hình, giải pháp phù hợp ở những địa bàn, lĩnh vực còn có tình trạng bất bình đẳng giới hoặc nguy cơ xảy ra bạo lực trên cơ sở giới.
- Chủ động bố trí kinh phí để duy trì và nhân rộng các mô hình, hoạt động hiệu quả.
4. Nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về bình đẳng giới và công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ
- Tiếp tục đề cao vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành trong chỉ đạo và triển khai công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ, trong đó chú trọng công tác phối hợp liên ngành giữa các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội trong kiểm tra, xây dựng và đề xuất chính sách liên quan; đẩy mạnh xã hội hóa, huy động nguồn lực hợp pháp từ các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế để tăng tính bền vững, hiệu quả trong thực hiện công tác bình đẳng giới.
- Tham mưu thực hiện lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng, thực hiện văn bản quy phạm pháp luật và các chiến lược, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 và hằng năm của bộ, ngành, cơ quan và địa phương.
- Tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật cho cán bộ làm công tác pháp chế và xây dựng chính sách, pháp luật. Tập huấn kiến thức về giới, bình đẳng giới cho đội ngũ cán bộ thanh tra, tư pháp, thành viên Ban vì sự tiến bộ phụ nữ của các bộ, ngành, địa phương.
- Tổ chức kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm về bình đẳng giới thuộc phạm vi, lĩnh vực, địa bàn quản lý; kịp thời xác minh, báo cáo những vấn đề, vụ việc đột xuất liên quan đến công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền, Ủy ban nhân dân các cấp để phối hợp giải quyết.
- Thực hiện nghiêm chế độ thông tin, báo cáo về công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ; chủ động đề xuất các giải pháp nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước về bình đẳng giới.
- Tổ chức khen thưởng, biểu dương kịp thời các cá nhân, đơn vị có thành tích xuất sắc trong công tác bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới./.
PV
Từ khóa: