Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: “Không được nói khó khi thực hiện Nghị quyết 68”
(LĐXH)- Bộ trưởng lưu ý từ lãnh đạo cho đến nhân viên trong ngành cần tìm ra nhiều cách làm mới, năng động, sáng tạo, không được nói khó khi thực hiện Nghị quyết 68 và Quyết định 23.
Sáng 5/8/2021, đã diễn ra Hội nghị trực tuyến giao ban đôn đốc thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg tại các địa phương. Đồng chí Đào Ngọc Dung, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì Hội nghị.
Tham dự Hội nghị còn có các Thứ trưởng: Lê Tấn Dũng, Lê Văn Thanh, Nguyễn Bá Hoan, Nguyễn Thị Hà. Tại các điểm cầu có Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi và lãnh đạo các Sở Lao động – Thương binh và Xã hội trên toàn quốc.
Nghị quyết 68: Bước tiến vượt bậc
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, thời gian qua, trong tổng thế các chính sách thì Nghị quyết 68 và Quyết định 23 là một trong các nhóm chính sách quan trọng. Tại phiên họp thứ I Quốc hội khóa XV, chúng ta đã thông báo kết quả ban đầu. Có thể khẳng định, chúng ta đang đi đúng hướng. Nghị quyết 68 và Quyết định 23 là thiết thực, phù hợp với yêu cầu hiện nay. Nghị quyết 68 với tinh thần thông thoáng, cởi mở, giảm tối đa thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian, tạo điều kiện tối đa cho người lao động, người sử dụng lao động tiếp cận các chính sách.Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phát biểu tại Hội nghị
Thực tế ở địa phương cho thấy các chính sách là dễ làm, dễ triển khai. Qua dư luận phản ánh thấy rằng chính sách của chúng ta là phù hợp. Các địa phương cũng rất linh hoạt trong thực hiện. Đến nay, 63/63 tỉnh thành đều đã ban hành các chính sách, văn bản hướng dẫn để triển khai Nghị quyết 68 và Quyết định 23. So với Nghị quyết 42, đây là một bước tiến vượt bậc.
Cùng với đó, công tác tuyên truyền, vận động xã hội thời gian qua chúng ta làm tương đối tốt. Hệ thống báo chí từ Trung ương đến địa phương, báo ngành đã tuyên truyền rất hiệu quả chủ trương này. Thông qua đó đã nhận được cơ bản sự đồng tình của xã hội. Hiện chưa có ý kiến nào phản hồi chính sách này là không phù hợp. Tất cả đều phản ánh đây là chính sách đúng đắn, phản ánh nguyện vọng của người dân.
Thời gian tới, về phía Trung ương, Bộ trưởng đề nghị tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền sâu rộng về các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 68, Quyết định số 23; kịp thời trả lời, hướng dẫn giải đáp các phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của người dân, doanh nghiệp; xây dựng Bộ câu hỏi - giải đáp để các địa phương, người dân, doanh nghiệp hiểu và thực hiện thống nhất trong toàn quốc; phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức kiểm tra, giám sát tình hình triển khai thực hiện địa phương (trong thời gian phù hợp, tại các địa bàn phù hợp).
“Từ lãnh đạo cho đến nhân viên trong ngành cần động não, tìm ra nhiều cách làm mới, năng động, sáng tạo, cần tham mưu cái mới, không được nói khó. Với phương châm ấy, tôi lưu ý tất cả các đơn vị cần rà soát lại công việc của mình. Đơn vị nào chưa có kế hoạch thì cần chi tiết với từng nhóm đối tượng; phân công cán bộ theo dõi từng việc, từng đối tượng một. Bây giờ đến lúc phải cụ thể hóa trách nhiệm cá nhân: Giám đốc, phó giám đốc phục trách gì? Trưởng phòng phụ trách nhóm nào? Đến ngày nào xong? Đơn vị nào phụ trách địa bàn nào thì theo sát đến cùng địa bàn đó. Không thể để trách nhiệm chung chung được”- Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng cũng lưu ý cần phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, nhất là với Bảo hiểm Xã hội, Ngân hàng Chính sách xã hội, ngành Tài chính để thực thi chính sách, theo nguyên tắc chỉ có giảm bớt thủ tục hành chính, giảm thời gian, không được tăng.
Đối với các địa phương, Bộ trưởng đề nghị khẩn trương triển khai thực hiện Nghị quyết số 68, Quyết định số 23, nhất là đối với nhóm lao động tự do và các đối tượng đặc thù. Chỉ đạo các sở, ngành, ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã khẩn trương lập danh sách, trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt và chi trả hỗ trợ, nhất là hỗ trợ tiền mặt cho các nhóm đối tượng.
Tăng cường ra soát đối tượng, nắm bắt đời sống của người dân, người lao động, đặc biệt là trong khu vực đang thực hiện giãn cách xã hội, khu vực phong tỏa, để có kiến nghị, đề xuất đảm bảo người lao động không bị thiếu đói. Vận động toàn dân thực hiện các chính sách hỗ trợ.
Thực hiện chính sách kịp thời
Báo cáo tại Hội nghị, Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho biết, căn cứ Nghị quyết số 68/NQ-CP, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành hướng dẫn triển khai hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động; hướng dẫn trả lương ngừng việc cho người lao động trong thời gian ngừng việc liên quan đến dịch bệnh COVID-19 và Công điện số 05/CĐ-LĐTBXH ngày 20/7/2021 đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 và tăng cường thực hiện các biện pháp pháp phòng, chống dịch COVID-19.Thứ trưởng Lê Văn Thanh báo cáo tại Hội nghị
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; lập đường dây nóng gồm 06 đầu số điện thoại để tiếp nhận phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trong quá trình triển khai, thực hiện; phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội và Kho bạc Nhà nước Việt Nam xây dựng Hướng dẫn nhập liệu và tổng hợp báo cáo thực hiện Nghị quyết số 68, Quyết định số 23 trên Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ, đồng thời, cung cấp 05 dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công Quốc gia.
Tại địa phương, đến nay, 63/63 Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành Kế hoạch/Quyết định/Công văn/Hướng dẫn triển khai thực hiện, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các Sở, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp tại địa phương; đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, đặc biệt là Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp.
Riêng đối với nhóm lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và các đối tượng đặc thù, căn cứ thực tiễn tại địa phương, 32/63 tỉnh, thành phố đã chủ động ban hành Kế hoạch/Quyết định phê duyệt danh mục công việc, điều kiện, mức hỗ trợ (23 địa phương đã thực hiện chi trả hỗ trợ), trong đó có 10 địa phương đã xác định thêm đối tượng đặc thù so với Nghị quyết số 68.
Hỗ trợ kịp thời người lao động
Thông tin từ Hội nghị cho thấy, tính ngày 04/8/2021, về Chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp: Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cơ quan bảo hiểm xã hội đã rà soát và thông báo cho khoảng 375 nghìn đơn vị sử dụng lao động với gần 11,2 triệu người lao động được giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ tháng 7/2021 đến hết tháng 6/2022 với tổng số tiền (tạm tính) khoảng 4.322 tỷ đồng để người sử dụng lao động hỗ trợ cho người lao động phòng, chống dịch COVID-19 (mua trang thiết bị phòng dịch, tiêm vắc - xin,…).Hình ảnh tại các điểm cầu
Chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất: Đến nay, có 22/63 tỉnh, thành phố đã thực hiện chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất với 136 đơn vị sử dụng lao động cho 17.657 người lao động, tổng số tiền tạm dừng đóng trên 108 tỷ đồng.
Chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương: Cơ quan bảo hiểm xã hội đã xác nhận cho 124.001 người lao động tạm hoãn HĐLĐ, nghỉ việc không hưởng lương tại 10.687 đơn vị sử dụng lao động để làm cơ sở để Ủy ban nhân dân các cấp phê duyệt danh sách hỗ trợ.
Đến nay, 21/63 tỉnh, thành phố đã phê duyệt và chi trả cho gần 48.000 lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương (trong đó có 50 lao động đang mang thai; 750 trẻ em dưới 6 tuổi) với tổng kinh phí hỗ trợ là gần 98,3 tỷ đồng.
Chính sách hỗ trợ người lao động ngừng việc: Cơ quan BHXH đã xác nhận cho 8.245 người lao động ngừng việc tại 288 đơn vị sử dụng lao động làm cơ sở UBND các cấp phê duyệt danh sách hỗ trợ. Có 06 tỉnh, thành phố đã phê duyệt và chi trả hỗ trợ cho 1.122 lao động ngừng việc (trong đó có 25 lao động đang mang thai; 740 trẻ em dưới 6 tuổi) với tổng kinh phí hỗ trợ là trên 1,4 tỷ đồng.
Chính sách hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động: Có 05 tỉnh, thành phố đã phê duyệt danh sách hỗ trợ 1.370 người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp (trong đó có 34 người nuôi con dưới 6 tuổi), tổng kinh phí trên 5 tỷ đồng. Các địa phương khác đang rà soát, tổng hợp danh sách đề nghị hỗ trợ.
Chính sách hỗ trợ bổ sung, hỗ trợ tiền ăn và trẻ em: 32/63 tỉnh, thành phố đã báo cáo việc phê duyệt danh sách hỗ trợ tiền ăn 65.300 đối tượng F0 (24.500 người) và F1 (40.800 người) và hỗ trợ thêm cho trên 2.600 trẻ em. Đã chi trả tổng số tiền ăn hỗ trợ là gần 12,1 tỷ đồng. Tại nhiều địa phương như Bắc Giang, Bắc Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Đà Nẵng, chính quyền đã sử dụng ngân sách địa phương và nhiều nguồn vận động khác để hỗ trợ chi phí ăn uống cho người dân trong các cơ sở điều trị, cơ sở cách ly.
Chính sách hỗ trợ viên chức hoạt động nghệ thuật giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV và hướng dẫn viên du lịch: Đến nay, 33/63 tỉnh, thành phố đã phê duyệt hỗ trợ 855 viên chức hoạt động nghệ thuật giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV và 750 hướng dẫn viên du lịch, trong đó đã chi trả hỗ trợ cho 655 viên chức hoạt động nghệ thuật và 47 hướng dẫn viên du lịch với tổng số tiền hỗ trợ là 1,58 tỷ đồng.
Chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh: Đến nay, 17/63 tỉnh, thành phố đã phê duyệt hỗ trợ trên 24.200 hộ kinh doanh bị tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19, trong đó, đã chi trả hỗ trợ cho trên 7.100 hộ với tổng số tiền hỗ trợ là gần 15,8 tỷ đồng…
Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, đến nay có 369 đơn vị sử dụng lao động đã đến cơ quan BHXH xin xác nhận cho 55.923 người lao động để vay vốn từ NH CSXH).
Chính sách hỗ trợ lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác: 37/63 tỉnh, thành phố đã phê duyệt danh sách gần 765.000 lao động tự do và một số đối tượng đặc thù khác (trong đó có khoảng trên 100.000 người bán lẻ vé xổ số lưu động), trong đó, 20/63 tỉnh, thành phố (chủ yếu ở các khu vực phía Nam) đã chi trả hỗ trợ trên 560.000 người (chiếm 73% số phê duyệt), với tổng kinh phí gần 790 tỷ đồng.
Hồng Minh
Từ khóa:
-
Cơ hội việc làm cho người khuyết tật
22-11-2024 18:20 44
-
Cà Mau: Thực hiện hiệu quả công tác chi trả trợ cấp thất nghiệp
12-11-2024 16:08 19
-
Tập đoàn MetLife ghi tên trong Top 25 Nơi làm việc tốt nhất Thế giới năm 2024
22-11-2024 14:08 51
-
1.337 cơ hội việc làm cho lao động EPS và thực tập sinh IM Japan
08-11-2024 17:15 06
-
Hội chợ việc làm cho lao động EPS và thực tập sinh IM Japan thành phố Hà Nội năm 2024
08-11-2024 12:50 35
-
Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan: Đưa lao động Việt Nam sang Canada làm việc theo kế hoạch bài bản
08-11-2024 10:45 47