Bom mìn và câu chuyện đẫm nước mắt ở Nậm Ngặt
(LĐXH)- Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới những năm 1979 - 1989 đầy khốc liệt, tỉnh Hà Giang phải gánh chịu hậu quả nặng nề của hệ thống bom mìn, vật cản trên một số khu vực, nhất là khu vực gần các điểm cao chiến lược ở đây có mật độ lớn và dày.
Đặc biệt, tại mặt trận Vị Xuyên, không một ngày yên tiếng súng. Người dân thôn Nặm Ngặt (xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên) buộc phải sơ tán để đảm bảo sự an toàn về người và tài sản. Khi đất nước yên bình, họ trở về quê hương, bắt đầu xây dựng cuộc sống từ trong đổ nát của chiến tranh.
Từ khu tưởng niệm anh klinh các Anh hùng liệt sĩ Vị Xuyên trên cao điểm 468, nhìn về phía biên giới Việt – Trung sẽ thấy thung lũng Nậm Ngặt hiện ra bình yên dưới màu xanh cây lá đang dần phủ lên màu đá vôi trắng. Nhưng dưới màu xanh thanh bình ấy, có rất nhiều cuộc đời không yên ả.
Câu chuyện của người dân nơi đây, với những chết chóc và mang đầy thương tích, tự thân đã nói lên sự khốc liệt của cuộc sống, được tái sinh trên miền đất dày đặc bom mìn hậu chiến.
Ở Nặm Ngặt, ít ai quên câu chuyện đẫm đau thương, mất mát của gia đình ông Bồn Văn Hòn: 3 người chỉ có… 2 chân. Ông Hòn là người hai lần giẫm phải mìn khi đi nương. Hai lần cách nhau đúng 2 năm, mỗi lần như thế ông bị mất một chân.
Con rể ông Bồn Văn Hòn là Triệu Văn Nguyên (sinh năm 1980), năm nay tròn 40 tuổi. Anh Nguyên nghe người lớn tuổi trong thôn kể lại, năm 1984, những trận pháo từ bên kia biên giới rót sang Nậm Ngặt vào một sáng đầu tháng 4. Nhiều nhà dân thấy thế đào hầm tránh pháo. Nhưng pháo từ Trung Quốc bắn sang rát quá. Hầm của dân không trụ nổi với những viên đạn pháo trên 100 ly bắn cấp tập. Nhiều gia đình trúng pháo, hết người này đến người kia chết.
Cả bản được lệnh sơ tán về tận Bắc Mê, cách Nậm Ngặt gần 100km. Không có xe, không ngựa thồ, dân bản dắt díu nhau gồng gánh đi bộ. Dân bản Nậm Ngặt sơ tán ở Bắc Mê đến cuối năm 1989, tiếng pháo tạm yên mới dắt díu nhau về lại quê.
Cái thung lũng nhỏ bình yên nằm dưới chân các điểm cao 1509 - 685 bấy giờ tan hoang bởi đạn pháo cày xới. Nhưng nguy hiểm hơn là mìn. Rất nhiều mìn vẫn ẩn nấp trong từng hốc cây, bụi cỏ. Anh Triệu Văn Nguyên không nhớ rõ ai là người đầu tiên ở bản Nậm Ngặt bị trúng mìn. Anh tâm sự: "Nhà chúng em có một điều mà không ai có: đó là 3 người cộng lại chỉ có… 2 cái chân. Bố em (ông Bồn Văn Hòn) không còn chân nào. Em còn một chân và cậu ruột em (Bồn Văn Đặng) cũng chỉ còn một chân. Đấy là chưa nói đến hai người cậu ruột khác là Bồn Văn Kiển và Bồn Văn Kiệt, khi đi rừng đốn tre làm rui lợp nhà đã giẫm phải mìn và bị mìn nổ chết".
Ngồi tâm sự với chúng tôi, ông Bồn Văn Hòn bồi hồi kể lại lần giẫm phải mìn và cụt cái chân đầu tiên là năm 2000. Lúc ấy ông đi phát nương và bị cụt mất chân phải. Bà con trong bản khiêng cáng ra Bệnh viện Hà Giang điều trị mấy tháng mới về nhà.
Ông Hòn bảo: "Lần đầu giẫm mìn thôi thì cho là xui xẻo đi, nhưng lần thứ hai thì khó thế mà vẫn dính, chứng tỏ đó là số phận rồi". Ông giải thích, hôm đó tôi dắt con bò, con bò có 4 chân, tôi có 1 chân giả và 1 chân thật. Thế mà thế nào 4 chân bò và cái chân giả không giẫm trúng mà cái chân thật duy nhất còn lại lại dính đòn".
Chị Bồn Thị Bầy (vợ anh Triệu Văn Nguyên), nhớ lại và kể: Năm ngoái em cũng suýt chết đấy. Đi nương thấy sợi dây điện thông tin vướng ngang đường, em cầm lên kéo vứt đi. Nhưng như một phản xạ em nằm ụp xuống đất, bên kia tảng đá quả lựu đạn nổ uỳnh. Cứ tưởng hai mẹ con chết rồi, may nhờ tảng đá chặn lại nên không sao.
Không chỉ có gia đình ông Hòn, thôn Nặm Ngặt còn nhiều trường hợp khác, vì cuộc sống mưu sinh đã mang thương tật suốt đời, do vướng bom mìn, vật liệu nổ trong lúc canh tác. Như trường hợp anh Lý Văn Lòng, mất đi một bên chân; anh Tráng Văn Cầu mất cánh tay phải hay bà Diều Thị Ẳn chỉ còn một bên mắt… Rồi quá trình lao động, sản xuất, con trâu – đầu cơ nghiệp của không ít hộ dân, cũng không thể vẹn nguyên hình hài trước sức công phá của bom, mìn. Song có lẽ câu chuyện của ba người thân thiết trong một gia đình như ông Bồn Văn Hòn, Triệu Văn Nguyên và Bồn Văn Đặng đã quá đủ cho một hình dung nỗi đau hậu chiến.
Chí Tâm
Từ khóa:
-
Thành phố Hồ Chí Minh số lao động rút BHXH một lần giảm mạnh
11-01-2025 10:49 00
-
Huyện Phú Bình: Tích cực, chủ động thực hiện chính sách ưu đãi người có công
10-01-2025 19:53 53
-
Quảng Nam: Năm 2024, tỷ lệ giải ngân vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo đạt 58%
10-01-2025 19:53 48
-
TP.HCM: Lập Đoàn 35 thăm tặng quà các đơn vị, cá nhân dịp Tết Ất Tỵ năm 2025
09-01-2025 15:37 31
-
Bắc Giang: Khẳng định vai trò của phụ nữ trong xã hội hiện đại
09-01-2025 12:18 09
-
Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội Thủ đô: Quyết tâm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2025
09-01-2025 12:13 45
English Review
Many important results in vocational training in Vietnam
English Review | 07-01-2025 14:13 46