Cách mạng 4.0 đem lại năng suất, giải quyết việc làm cho nhiều lao động
(LĐXH)- Đó là khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi trả lời câu hỏi của ông Borge Brende, Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2019 (WEF) “Việt Nam đã sẵn sàng cho cuộc cách mạng 4.0 như thế nào? Đâu là thách thức lớn nhất?”. Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cho rằng, trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, lao động việc làm là vấn đề rất lớn, nhất là lao động có tay nghề bao giờ cũng thiếu trong xã hội hiện nay.
Quan tâm đến phụ nữ, người lớn tuổi trong cuộc Cách mạng 4.0
“Chúng ta đang đi đến vấn đề rất quan trọng là nghề nghiệp và đổi mới sáng tạo cho các tầng lớp, nhất là những người yếu thế, phụ nữ, người lớn tuổi, để làm sao họ có việc làm mới trong cuộc Cách mạng 4.0”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói và khẳng định: “Theo kinh nghiệm của chúng tôi, cuộc Cách mạng 4.0 mang lại năng suất lao động rất tốt, đồng thời cũng giải quyết việc làm cho rất nhiều lao động. Tôi tin rằng, đây không phải thách thức quyết định nhất, mà chính là cách làm của Chính phủ để giải quyết cho người lao động có việc làm ổn định. Chúng ta không quá lo vấn đề này sẽ ảnh hưởng tới việc làm mà không tiến hành mạnh mẽ cuộc Cách mạng 4.0”.
Theo Thủ tướng, Việt Nam kiên quyết không đánh đổi môi trường lấy lợi ích kinh tế. Bên cạnh giữ gìn môi trường sống tốt cho người dân, Việt Nam phát triển bền vững, giữ ổn định kinh tế vĩ mô tốt hơn nữa. Bên cạnh đó, tập trung đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực trẻ, để đáp ứng yêu cầu Cách mạng 4.0. Chúng ta biết công nghệ mới, công nghệ robot có thể thay thế người lao động, thay đổi cách thức sản xuất. Do đó, một quốc gia cần phát triển nhanh để có thể đi tắt đón đầu cuộc cách mạng lần thứ tư.Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc đối thoại Davos 2019
Theo ông Brende, một trong những lĩnh vực mà Việt Nam đã cải cách để chuẩn bị sẵn sàng cho Cách mạng 4.0 là liên quan đến doanh nghiệp Nhà nước khi mà một số doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả.
“Vậy, ngài nhìn việc cải cách doanh nghiệp Nhà nước quan trọng như thế nào trong bối cảnh khi mà cạnh tranh ngày càng khốc liệt hơn trong Cách mạng 4.0?”.
Khẳng định chủ trương cải cách doanh nghiệp Nhà nước mạnh mẽ với lộ trình, bước đi chặt chẽ, không gây thất thoát tài sản, Thủ tướng cho biết, các lĩnh vực nhạy cảm trước đây như ngân hàng, tài chính, viễn thông, bảo hiểm thì cũng đang được tiến hành cổ phần hóa mạnh mẽ, để làm sao tư nhân, kể cả nhà đầu tư nước ngoài, tham gia nhiều hơn vào quá trình này. Đây cũng là một trong những giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng.
Việt Nam mang khát vọng dân tộc trong phát triển
“Vậy Việt Nam gây bất ngờ cho thế giới trong 5 năm tới như thế nào?”, ông Brende nêu câu hỏi cuối trong cuộc đối thoại. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời: “Chúng tôi có một khát vọng dân tộc trong phát triển. Trước hết, trong bối cảnh hiện nay, chúng tôi giữ đà tăng trưởng, nâng cao đời sống nhân dân và là một địa chỉ đáng tin cậy cho tất cả các nhà đầu tư nước ngoài và trong nước làm ăn ở Việt Nam thuận lợi nhất, an toàn nhất”. Cũng theo Thủ tướng, Việt Nam sẽ có chương trình cải cách, đổi mới mạnh mẽ hơn về thể chế pháp luật cũng như môi trường kinh doanh.Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch WEF
“Chúng tôi coi thành công của nhà đầu tư là thành công của Chính phủ. Vì thế, chúng tôi tăng cường đối thoại, tiếp tục cải cách thể chế, pháp luật, bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư, để không khí đầu tư, làm ăn của các nhà đầu tư ở Việt Nam tích cực hơn, giải quyết nhiều việc làm hơn, đóng góp cho sự phát triển tốt hơn, giữ được đà tăng trưởng liên tục trong bối cảnh thế giới phức tạp hiện nay. Đó là điều Chính phủ cam kết với người dân, nhà đầu tư. Tôi cho rằng, trong bối cảnh quốc tế hiện nay, chúng ta giữ được đà tăng trưởng cao như hiện nay cũng là một sự cố gắng, nếu không muốn nói là bất ngờ”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.
Trong khuôn khổ WEF Davos 2019, Việt Nam và WEF đã ký Thỏa thuận hợp tác Trung tâm Cách mạng công nghiệp 4.0 ở Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Trung tâm trên sẽ được kết nối với các Trung tâm cách mạng công nghiệp 4.0 của WEF tại Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc, Ấn Độ. Thực hiện hợp tác này, Việt Nam sẽ là một tâm điểm về chính sách 4.0 của khu vực. Việt Nam sẽ đi đầu trong xây dựng khung chính sách, chấp nhận và cho phép thử nghiệm các công nghệ mới, áp dụng mạnh mẽ mô hình hợp tác công-tư để tạo ra các dịch vụ và sản phẩm đột phá, thân thiện với môi trường trong Cách mạng công nghiệp 4.0 với chủ thể trọng tâm là các doanh nghiệp trẻ có khát vọng sáng tạo, không sợ vấp ngã để tiến lên mạnh mẽ.
Tại Hội nghị WEF Davos năm nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự 3 hoạt động đối thoại với các tập đoàn toàn cầu thu hút sự tham dự của gần 70 tập đoàn, gặp gỡ và trao đổi riêng với gần 20 lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu thế giới như Giám đốc điều hành tập đoàn Apple, Facebook, Qualcom, Google, Siemens… Đây đều là những doanh nghiệp trong nhóm 500 tập đoàn lớn nhất thế giới, có tiềm lực mạnh về tài chính và công nghệ. Đáng chú ý, các tập đoàn lớn của Việt Nam như Viettel, Vingroup, FPT… cũng tích cực gặp gỡ các doanh nghiệp và đối tác quốc tế tại Hội nghị để thúc đẩy hợp tác đầu tư, kinh doanh./.
PV
Từ khóa:
-
Lãi suất thế chấp ở Anh tăng vọt, cao nhất trong vòng 17 năm
22-01-2025 16:56 26
-
Thuế quan của Mỹ với Trung Quốc: Chìa khóa nằm ở 'thương vụ Tiktok'
22-01-2025 15:29 32
-
Cháy khách sạn Thổ Nhĩ Kỳ: Số người thương vong tăng lên 76
22-01-2025 11:41 08
-
Bị bắt làm bài tập về nhà, cậu bé báo cảnh sát bố tàng trữ thuốc phiện
20-01-2025 11:41 54
-
Thích chụp ảnh selfie, mẹ giúp con trai thoát án oan 99 năm tù
20-01-2025 11:41 38
-
TikTok chính thức "bay màu" tại Mỹ sau lệnh cấm
19-01-2025 17:47 51
English Review
Economic recovery is losing steam, new ILO report says
English Review | 22-01-2025 09:10 31