Sức khỏe - Đời sống
Cách tạo ra một không gian mạng cởi mở, an toàn cho người trẻ
07:48 AM 23/02/2025
(LĐXH) Nhiều nghiên cứu cho thấy thời gian sử dụng mạng xã hội quá mức và sự so sánh trên không gian này làm gia tăng lo âu, căng thẳng và giảm năng suất, đặc biệt ở giới trẻ.

Nhiều thông tin sai lệch, gây chia rẽ trên mạng xã hội

Khi các luật về tác hại trực tuyến ngày càng được thắt chặt, các nền tảng mạng xã hội bị yêu cầu tuân thủ các tiêu chuẩn cao hơn, người dùng cần suy ngẫm về cách chúng ta tương tác, những gì chúng ta chia sẻ, cách chúng ta tự chịu trách nhiệm, Chew Han Ei từ Viện Nghiên cứu Chính sách Singapore cho biết.

Người trẻ chịu nhiều tác động tiêu cực từ không gian mạng xã hội. Ảnh: iStock.

Theo CNA, Một số người trong chúng ta đủ trưởng thành để nhớ lại khi internet là một không gian của sự khám phá vô hạn, kết nối và chia sẻ tri thức. Ngày nay, mạng xã hội thường xuyên trở thành nơi của sự chia rẽ, phẫn nộ theo phong trào, đưa nhiều thông tin sai lệch. Điều gì đã xảy ra? Quan trọng hơn, làm thế nào để chúng ta khắc phục điều đó?

Nhà lý thuyết công nghệ Marshall McLuhan từng nhận xét: “Chúng ta trở thành những gì chúng ta quan sát. Chúng ta định hình công cụ của mình, và sau đó, công cụ định hình chúng ta”. Khi chúng ta nhìn nhận lại cách internet đã tác động đến mình trong kỷ nguyên số, các quốc gia đang ban hành luật để đối phó với những tác hại trực tuyến, thậm chí cân nhắc theo bước Australia trong việc cấm trẻ vị thành niên sử dụng mạng xã hội.

Ít ai tin rằng những lệnh cấm như vậy sẽ thực sự hiệu quả trong việc bảo vệ trẻ em. Người lớn cũng đối mặt với những nguy cơ trực tuyến khác. Câu hỏi thực sự là: Làm thế nào để chúng ta tạo ra một không gian mạng vừa mở, vừa an toàn, mang tính xây dựng và tích cực, đặc biệt với người trẻ?

Kiểm soát văn hóa tiêu cực trên mạng

Nhiều nền tảng mạng xã hội khiến người dùng thấy nhiều nội dung kích động hơn là đối thoại thực sự.

Tristan Harris – cựu chuyên gia đạo đức thiết kế của Google – đã nói: "Nếu bạn không trả tiền cho sản phẩm, bạn chính là sản phẩm". Ngày nay, các nền tảng số không chỉ phản ánh sở thích của chúng ta. Thuật toán còn định hình chúng, thường ưu tiên sự chia rẽ và tranh cãi hơn là sự gắn kết có ý nghĩa.

Nhưng không chỉ thuật toán quyết định văn hóa tiêu cực trên mạng. Cách người dùng tương tác cũng đóng vai trò quan trọng.

Khi tranh cãi và thông tin sai lệch lấn át, niềm tin số bị xói mòn, kéo theo chất lượng đối thoại cũng suy giảm. Khi các cá nhân khai thác quá mức một nguồn tài nguyên chung đến mức cạn kiệt sẽ gây hại cho tất cả.

Niềm tin số là điều cần thiết để thúc đẩy sự hợp tác và trách nhiệm trực tuyến. Khi niềm tin bị xói mòn, người dùng mất hứng thú tham gia, khiến không gian số càng trở nên tiêu cực. Nếu điều này không được kiểm soát, chúng ta không chỉ mất đi niềm tin mà còn mất đi khả năng tương tác có ý nghĩa.

Đề cao sự giao tiếp có suy nghĩ và nguyên tắc "không gây hại" trên không gian số là điều cần thiết. Ảnh: iStock.

Sự thấu cảm trong kỷ nguyên số

Một trong những thay đổi cấp thiết nhất trong không gian số hiện nay là nuôi dưỡng sự thấu cảm trong kỷ nguyên số.

Vào những năm 1990, quy tắc ứng xử trên mạng là một phần kiến thức cơ bản khi học sử dụng máy tính. Các quy tắc này bao gồm không viết toàn bộ bằng chữ in hoa, cân nhắc giọng điệu và suy nghĩ trước khi đăng bài.

Những người dùng internet thời kỳ đầu đề cao sự giao tiếp có suy nghĩ và nguyên tắc "không gây hại". Môi trường số ngày nay có thể hưởng lợi từ việc áp dụng lại những nguyên tắc này.

Các nghiên cứu cho thấy tính ẩn danh trực tuyến, không có bối cảnh cảm xúc của giao tiếp trực tiếp khiến hiểu lầm và xung đột dễ xảy ra hơn.

Một nền văn hóa số dựa trên sự thấu cảm sẽ thúc đẩy các kết nối tích cực và nâng cao lợi ích chung. Ví dụ, khi chứng kiến bắt nạt trên mạng, lan truyền thông tin sai lệch hoặc hành vi gây hại, chúng ta có thể lên tiếng và báo cáo, đồng thời động viên những người bị ảnh hưởng thay vì công kích cá nhân.

Các nền tảng cũng cần cải thiện khả năng phản hồi khi người dùng báo cáo, nhưng người dùng cũng cần xây dựng văn hóa báo cáo có trách nhiệm.

Việc kêu gọi minh bạch hơn trong kiểm duyệt nội dung là rất quan trọng, nhưng chúng ta cũng cần đảm bảo hành động trực tuyến luôn công bằng và có đạo đức, tránh bị cuốn vào các chiến dịch công kích tập thể.

Chọn lọc nội dung bằng những câu hỏi đơn giản

Giống như một ngôi nhà bừa bộn gây căng thẳng, một không gian số quá tải cũng ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần. Nhiều nghiên cứu cho thấy thời gian sử dụng màn hình quá mức và sự so sánh trên mạng xã hội làm gia tăng lo âu, căng thẳng và giảm năng suất, đặc biệt ở giới trẻ.

Thay vì tiêu thụ thụ động những gì xuất hiện trên dòng tin, chúng ta nên sắp xếp không gian số một cách có ý thức. Chúng ta có thể tự hỏi: “Nội dung này có mang lại niềm vui, thông tin hữu ích hay giá trị không?”.

Việc lướt tin tiêu cực và xem video liên tục không phải là thói quen không thể thay đổi. Giảm đáng kể thời gian sử dụng màn hình cho phép mọi người dành nhiều thời gian hơn cho những người quan trọng.

Chúng ta có thể thiết lập mối quan hệ lành mạnh hơn với công nghệ bằng cách giới hạn thời gian dùng thiết bị, khuyến khích các hoạt động ngoài đời thực và tạo ra những “vùng không công nghệ” như phòng ngủ hoặc không gian gia đình.

Internet không phải là một nơi không thể cứu vãn. Mạng xã hội không phải hoàn toàn xấu. Chúng ta cần những chính sách kiểm duyệt nội dung chặt chẽ hơn, luật pháp linh hoạt hơn và cam kết chung cho một văn hóa trực tuyến mang tính xây dựng hơn. Nhưng quan trọng không kém, chúng ta – những người dùng – cần có trách nhiệm với cách mình tương tác trên môi trường số.

Bởi vì nếu chúng ta không định hình không gian mạng, người khác sẽ làm điều đó. Đương nhiên, không phải lúc nào họ cũng định hình theo hướng tốt đẹp.

Băng Tâm

Từ khóa: