Cần giải pháp đẩy nhanh quá trình phân tích mẫu hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin
(LĐXH)- Cùng với việc xây dựng Ngân hàng gen, chúng ta cần đẩy nhanh tiến độ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác minh, kết luận thông tin bằng phương pháp thực chứng với mộ còn thiếu thông tin trong các nghĩa trang liệt sĩ.
Thống kê cho thấy, hiện nay trên cả nước vẫn còn khoảng 300.000 liệt sĩ chưa xác định được danh tính vì nhiều lý do. Đây là trăn trở lớn của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và người dân. Vì vậy, trong năm 2024, Ban Chỉ đạo quốc gia về tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sĩ (Ban Chỉ đạo Quốc gia 515), đẩy mạnh chuyển trọng tâm tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ ở địa bàn trong nước, nhất là các khu vực, địa bàn trọng điểm còn thiếu thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ; phấn đấu tìm kiếm quy tập được 1.500 hài cốt liệt sĩ.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác xác định danh tính hài cốt liệt sĩ bằng phương pháp thực chứng đối với mộ liệt sĩ còn thiếu thông tin trong các nghĩa trang liệt sĩ; phấn đấu giám định ADN khoảng 2.000 mẫu hài cốt liệt sĩ, nâng cao năng lực, hiệu quả xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin của các cơ sở giám định ADN.
Thời gian qua, chúng ta đã triển khai Đề án xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin (Đề án 150), thực hiện với phương pháp giám định ADN và thực chứng. Đến nay, phương pháp giám định ADN đã triển khai gần 10.000 mẫu hài cốt liệt sĩ và hơn 3.000 mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ. Kết quả, đã so sánh đối khớp được hơn 1.000 danh tính liệt sĩ để báo tin về cho thân nhân liệt sĩ.Niềm vui và xúc động của các gia đình liệt sĩ khi nhận được kết quả giám định ADN
Theo ông Đào Ngọc Lợi, Cục trưởng Cục Người có công – Bộ Lao động, thương binh và Xã hội: “Do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, kết quả xác định danh tính cho liệt sĩ còn rất thấp so với yêu cầu thực tế. Đối với việc giám định gen, do hài cốt liệt sĩ chôn cất lâu năm đã phân hủy, nhiều hài cốt thực hiện di chuyển một số lần, nên phần lớn không bảo đảm chất lượng cho việc xét nghiệm ADN; thân nhân liệt sĩ tuổi cao, sức yếu, nhiều trường hợp đã mất cho nên khó xác định mối quan hệ huyết thống. Hồ sơ lưu trữ, sơ đồ an táng các liệt sĩ, nhân chứng lịch sử phần lớn đã mất nên việc rà soát, đối chiếu, kiểm chứng thông tin để khớp nối rất khó khăn; công suất phân tích ADN của các đơn vị giám định vẫn thấp”.
TS. Trần Trung Thành, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Giám định ADN (Viện Công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cũng cho biết, dù công nghệ giám định gen ngày càng hiện đại, nhưng tình trạng mẫu phẩm ngày càng giảm chất lượng gây ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả giám định. Tỷ lệ những trường hợp giám định mẫu phẩm ADN ra được kết quả khớp với thân nhân không nhiều.
Vì vậy, cần tính toán phương án thu thập, bảo quản mẫu phẩm hài cốt liệt sĩ sao cho thật tốt. Đồng thời, trong bối cảnh cựu chiến binh tuổi ngày càng cao, trí nhớ giảm, phải tranh thủ khai thác thông tin, kết hợp phương pháp thực chứng trong việc xác định đơn vị, khu vực chiến đấu, từ đó, có cơ sở để khoanh vùng.
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trên nền tảng của các đơn vị đã lưu trữ được hơn 25 nghìn dữ liệu ADN hài cốt liệt sĩ và thân nhân hiện nay thì việc kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và công nghệ ADN sẽ đem lại hy vọng đoàn tụ cho nhiều gia đình.
TS. Trần Trung Thành nhấn mạnh: “Con số hài cốt liệt sĩ cần được xác định danh tính rất lớn, vì vậy, cùng với việc xây dựng Ngân hàng gen (ADN) liệt sĩ, chúng ta cần đẩy nhanh tiến độ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ và xác minh, kết luận thông tin bằng phương pháp thực chứng với mộ còn thiếu thông tin trong các nghĩa trang liệt sĩ.
Bên cạnh đó, với nhiệm vụ giám định ADN, cần có giải pháp thúc đẩy nhanh quá trình phân tích mẫu, nâng tỷ lệ xét nghiệm mẫu ra kết quả. Với đơn vị chúng tôi, mỗi năm có khả năng phân tích thành công 4.000 mẫu. Nếu có thêm khoảng 10 trung tâm thực hiện nhiệm vụ tương tự, số lượng mẫu được thực hiện đối khớp có thể đạt 40.000 mẫu. Như vậy, việc giải quyết con số 300.000 liệt sĩ chưa xác định danh tính có thể hoàn thành trong thời gian không quá lâu.
Ngoài ra, còn phụ thuộc nhiều yếu tố, cần thận trọng, nghiêm túc, kết hợp áp dụng công nghệ mới. Một việc quan trọng, đó là chúng ta phải có phương án để lấy mẫu, bảo quản các mẫu phẩm ADN hài cốt liệt sĩ chưa xác định danh tính nhưng đã được quy tập ở trong các nghĩa trang, để hễ có cơ hội là có thể đối khớp với người thân. Trong đó, nên ưu tiên lấy trước đối với mẫu thân nhân liệt sĩ kháng chiến chống Pháp, do đã gần 80 năm rồi”./.
Minh Hà
-
Hà Nội: Tiểu thương thức trắng đêm, cây Tết vẫn ế ẩm
21-01-2025 14:53 58
-
Đi mua cá chép cúng ông Táo tại chợ cá lớn nhất miền Bắc
21-01-2025 14:53 47
-
Cụ bà 124 tuổi thích ăn cơm trộn mỡ lợn, chia sẻ bí quyết sống lâu
21-01-2025 09:12 54
-
Năm 2030 sẽ triển khai tàu khách tốc độ 120 km/h
20-01-2025 11:41 22
-
Nhộn nhịp chợ hoa Quảng An, Hà Nội ngày cận Tết Ất Tỵ 2025
20-01-2025 07:43 42
-
Hội chợ Tết 3 miền Xuân Ất Tỵ: “Đậm tình nguồn cội, Trọn nghĩa yêu thương”
19-01-2025 23:43 35