Xã hội
Cần phát huy giá trị kinh tế vùng hồ Thác Bà (Yên Bái) trong giảm nghèo bền vững
09:46 AM 14/10/2020
(LĐXH)- Theo nghiên cứu của ThS Nguyễn Thị Thu Hiền – Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh Thái Nguyên, vùng lòng hồ Thác Bà (huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái Yên Bái) có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế, giúp người dân thoát nghèo.
Nghiên cứu cho thấy, vùng hồ Thác Bà có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch với diện tích khoảng 15.900 ha với hơn 1.300 đảo lớn nhỏ và hang động tự nhiên như động Thủy Tiên (xã Tân Hương, Mông Sơn), động Cẩu Quây (xã Xuân Long). Nơi đây được xác định là một trong 47 địa điểm có tiềm năng phát triển trở thành khu du lịch quốc gia với các sản phẩm du lịch sinh thái hồ kết hợp bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số, du lịch thể thao dưới nước và vui chơi giải trí. Ngoài ra, vùng này còn có các điểm di tích lịch sử văn hóa như: Đền thờ Mẫu Thác Bà, đình Khả Lĩnh… Mang lại những tiềm năng cho phát triển dịch vụ du lịch tâm linh, văn hóa.
Vùng Hồ Thác Bà còn có nhiều thuận lợi cho việc phát triển nông, lâm nghiệp, trồng rừng phòng hộ và rừng nguyên liệu; trồng cây công nghiệp chè, cao su, cây ăn quả và là tiềm năng để phát triển ngành nuôi trồng và đánh bắt thuỷ sản, phát triển công nghiệp năng lượng và du lịch dịch vụ.
ùng hồ Thác Bà (huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái) có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế
Các tài nguyên thiên nhiên của vùng hồ Thác Bà, huyện Yên Bình khá phong phú. Ngoài tài nguyên nước và tài nguyên rừng còn kể đến một số khoáng sản: Đá vôi hoang hóa có độ trắng cao, đá vôi vật liệu xây dựng, chì, kẽm, pyrit, cao lanh, fenpat với trữ lượng khá lớn. Vùng có nhiều tiềm năng về khoáng sản nên có thể phát triển công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng.
Trong những năm gần đây, vùng hồ Thác Bà ngày càng có nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, cụ thể: Mô hình nuôi cá quây và nuôi tôm trên hồ Thác Bà. Bắt đầu từ năm 2014, người dân huyện Yên Bình đã có cách làm sáng tạo là nuôi cá theo hình thức lưới quây trên mặt nước hồ Thác Bà. Người dân nuôi cá trên mặt nước hồ với 2 hình thức là nuôi trong lồng và nuôi cá quây lưới tại những eo ngách trên mặt nước.
Đây là hướng đi mới, phù hợp giúp người dân xóa đói giảm nghèo, đồng thời đưa nghề nuôi trồng thủy sản trở thành mũi nhọn trong phát triển kinh tế của Yên Bình. Mô hình này được đánh giá cao nhờ mức độ đầu tư ít, thị trường tiêu thụ cá thương phẩm lớn và tạo ra công ăn việc làm cho nhiều lao động. Với số vốn ban đầu bỏ ra ít, giống cá nuôi khá đa dạng từ các nheo, cá tầm và nhiều loại cá khác, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế lớn.
Bên cạnh đó, sản lượng tôm đánh bắt hàng năm trên hồ Thác Bà cũng rất lớn (trong đó, vào mùa đánh bắt, sản lượng tôm toàn vùng hồ Thác Bà có thể lên tới 10 tấn/ngày. Xã Mông Sơn là một trong những xã vùng hồ có bến tôm lớn nhất huyện Yên Bình. Vào mùa đánh bắt từ tháng 3 đến tháng 5, mỗi ngày bến Mông Sơn thu mua của bà con trong vùng từ 2-3 tấn tôm, chiếm 1/3 sản lượng đánh bắt của hồ Thác Bà. Hiện nay, 1/3 số dân của xã Mông Sơn sống bằng nghề đánh bắt tôm trên hồ, trong điều kiện sản lượng tôm đang có chiều hướng giảm mạnh thì việc nuôi tôm trên Hồ là một hướng đi tốt.
Mô hình đan rọ tôm: Nghề đan rọ tôm có ở thôn Đồng Tâm (xã Phúc An, huyện Yên Bình) xuất hiện từ những năm đầu của thập niên 70 của thế kỷ XX. Trải qua thăng trầm của thời gian, người dân thôn vùng hồ Thác Bà vẫn gìn giữ và phát triển nghề đan rọ tôm. Đây là nghề nuôi sống nhiều hộ dân trong thôn, góp phần giúp bà con phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo. Để thúc đẩy nghề đan rọ tôm phát triển, ngày 18/7/2017, UBND tỉnh Yên Bái đã ra quyết định công nhận làng nghề đan rọ tôm tại thôn Đồng Tâm, xã Phúc An, thuộc vùng hồ Thác Bà là làng nghề nông thôn đầu tiên của huyện Yên Bình.
Mô hình du lịch cộng đồng - Homestay: Du lịch cộng đồng – homestay tại khu vực phía Đông hồ Thác Bà, huyện Yên Bình đang là một trong những hình thức du lịch thu hút du khách tham gia, mang lại thu nhập cho đồng bào các dân tộc thiểu số, đồng thời góp phần bảo tồn văn hóa của các dân tộc và giữ gìn cảnh quan tự nhiên của vùng...
Nuôi cá lồng trên lòng hồ Thác Bà
Để phát triển loại hình du lịch homestay, các hộ gia đình đã cải tạo ngôi nhà của mình và tự trang bị cho khách những đồ dùng sinh hoạt cá nhân. Ngoài ra, các gia đình còn kết hợp bán một số mặt hàng địa phương làm quà lưu niệm như: thổ cẩm, quần áo dân tộc, đệm ghế, gối, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, mây tre đan..., góp phần thúc đẩy du lịch văn hóa phát triển, đóng góp nguồn thu cho địa phương.
Có thể thấy, tại đây ngày càng có nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, tuy nhiên vẫn chưa khai thác được hết tiềm năng và thế mạnh của vùng. ThS Nguyễn Thị Thu Hiền cho biết, để phát triển kinh tế vùng hồ Thác Bà bền vững và hiệu quả, trong thời gian tới cần thực hiện một số biện pháp, như phát triển đa dạng các loài thủy sản để sản xuất theo nhu cầu thị trường; đưa các giống cá có năng suất, chất lượng cao vào nuôi bán thâm canh và thâm canh; thực hiện tốt công tác quản lý, khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản hồ Thác Bà; phát triển công nghiệp theo hướng khai thác và sử dụng có hiệu quả các tiềm năng thế mạnh của địa phương gắn với bảo vệ môi trường.
Để mô hình homestay ở vùng hồ Thác Bà được lan rộng và thực sự hiệu quả, các hộ kinh doanh loại hình du lịch homestay cần được hướng dẫn cách tổ chức và phục vụ các đoàn khách cụ thể từ: phòng nghỉ, các món ăn, những điểm tham quan, hướng dẫn khách trong các sinh hoạt của gia đình, cách trò chuyện với khách, giới thiệu văn hóa của địa phương...
Cần có chính sách hỗ trợ người dân trong việc đầu tư, xây dựng một số công trình thiết yếu để phục vụ khách du lịch; cần thăm quan học hỏi tại các địa phương đã có kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác quảng bá, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, liên kết với các địa phương trong và ngoài tỉnh để thu hút khách du lịch, nhằm đưa loại hình dịch vụ homestay ngày càng phát triển, góp phần thúc đẩy du lịch Yên Bái, phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà./.
PV
Từ khóa: